pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bị ê buốt sau khi niềng răng, bác sĩ tiết lộ nguyên nhân không ngờ
Niềng răng ngày càng phổ biến, bởi hiện nay mọi người có nhận thức cao hơn về sức khỏe răng miệng và tầm quan trọng của việc duy trì nụ cười đẹp. Hơn nữa, công nghệ niềng răng đã phát triển hơn rất nhiều, giúp việc niềng răng trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn.
Do đó, những phương pháp niềng răng là gì, trải nghiệm niềng răng như thế nào là chủ đề được nhiều người quan tâm. Trong quá trình niềng răng, có một vấn đề gây phiền toái cho nhiều người đó là cảm giác ê buốt khi ăn nhai.
Phương Anh (21 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: "Mình mới niềng răng được 2 tuần, nhưng có nhiều lúc mình muốn xin bác sĩ tháo niềng bởi răng ê buốt rất khó chịu, nhất là mỗi lúc ăn nhai".
Cùng chung tình trạng với Phương Anh, Trang Đoàn (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng chia sẻ trải nghiệm của mình sau khi niềng. Răng ê buốt và yếu đi rất nhiều, gặp khó khăn nhất là khi muốn nhai những món ăn hơi cứng.
Giải đáp về cảm giác ê buốt sau khi niềng răng, bác sĩ chuyên khoa Răng Hàm Mặt Nguyễn Thanh Tuấn (BS làm việc tại Hà Nội) cho biết: "Tình trạng răng bị ê buốt sau khi thực hiện niềng răng rất dễ gặp ở những bệnh nhân mới bắt đầu niềng ở tuần đầu tiên. Sở dĩ, sau khi niềng răng thường có biểu hiện ê buốt răng là vì trước đây răng ở trong trạng thái tự do. Nhưng khi đeo niềng sẽ phải chịu một tác động lực nhất định của khí cụ, làm nới lỏng răng và giúp răng dịch chuyển về vị trí mới".
Bác sĩ Tuấn nhấn mạnh, cảm giác ê buốt răng sẽ biến mất sau vài ngày vì lúc đó cơ thể đã thích ứng dần với mắc cài. Tuy nhiên, nếu cảm thấy niềng răng đau, ê buốt sau khi đã trải qua vài tuần niềng răng, thì rất có thể bạn đang gặp một số vấn đề sau đây.
Bác sĩ giải đáp lý do không thể ngờ gây ê buốt răng khi niềng
- Do nền răng yếu: Nếu nền răng yếu thì sự ê buốt, đau nhức sau khi niềng răng là điều khó tránh khỏi. Các khí cụ niềng răng sẽ tác động lực lên răng và xương hàm. Khi nền răng yếu sẽ không đủ sức để chịu lực, gây ra tình trạng đau nhức và ê buốt.
- Do niềng răng sai kỹ thuật: Bác sĩ Tuấn chia sẻ, sự thành công của 1 ca niềg răng phụ thuộc rất nhiều vào tay nghề của bác sĩ thực hiện. Nếu lựa chọn sai cơ sở nha khoa kém tin cậy, tay nghề bác sĩ thiếu kinh nghiệm khiến cho quá trình chẩn đoán sai, kỹ thuật thực hiện sai cách, thiếu kiến thức và chuyên môn có thể gây ra nhiều biến chứng sau khi niềng. Như là làm răng ê buốt, đau nhức, xô lệch răng, thậm chí gây rụng răng.
- Khí cụ niềng răng kém chất lượng: Nếu lựa chọn những loại mắc cài kém chất lượng sẽ không chịu lực tốt, làm ma sát nhiều lên răng, khiến cho răng bị ê buốt trong thời gian dài.
Ngoài ra, cảm giác ê buốt sau khi niềng răng còn có thể đến vì các bệnh lý về răng miệng hay chế độ ăn uống không khoa học, ăn thực phẩm quá cứng, quá nóng hay quá lạnh.
Cách cải thiện tình trạng ê buốt trong khi niềng răng
Bác sĩ chuyên khoa Răng Hàm Mặt Nguyễn Thanh Tuấn cho biết, để cải thiện tình trạng ê buốt răng khi niềng, mọi người có thể sử dụng nước muối pha loãng để súc miệng. Cách này có thể hạn chế được những cơn đau nhức, ê buốt răng.
Ngoài ra, việc điều chỉnh chế độ ăn rất quan trọng. Khi răng chưa ổn định, việc thường xuyên sử dụng những thực phẩm không phù hợp sẽ làm răng bị tổn thương. Do đó, mọi người chỉ nên sử dụng đồ ăn mềm như cháo, súp, sinh tố hoa quả, món ăn từ trứng... Bên cạnh đó, cần phải vệ sinh sạch sẽ răng miệng và thường xuyên từ 3-4 lần/ngày theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
Cuối cùng, bác sĩ Tuấn khuyến cáo mọi người nên tuân thủ theo đúng chỉ định của các bác sĩ, cần tái khám đúng lịch hẹn, thực hiện thói quen sinh hoạt, cách chăm sóc răng miệng và chế độ dinh dưỡng phù hợp theo hướng dẫn của các bác sĩ nha khoa trong quá trình niềng. Nếu tình trạng ê buốt răng trở nên nghiêm trọng, cần liên hệ ngay với bác sĩ nha khoa của mình để được can thiệp kịp thời.