Bị hủy hôn, xách va li rời nhà đi làm nông trại, cô gái Việt gặp ngay "chân ái" mới người Úc

Thiên Yết
01/09/2022 - 11:00
Bị hủy hôn, xách va li rời nhà đi làm nông trại, cô gái Việt gặp ngay "chân ái" mới người Úc
Trong những ngày đẫm nước mắt tại Úc của Nu, Matt đã tạo ra cầu vồng bằng tình cảm chân thành không toan tính.

Bất ngờ bị chia tay, “bơ vơ” đi làm nông trại kiếm sống 

Nuunuu Jones (tên thân mật là Nu, sinh năm 1988) lớn lên ở Nha Trang và hiện sống tại Melbourne, Úc. Nu có vài năm làm nhân viên chạy bàn tại một nhà hàng trong resort ở Thái Lan, nơi cô quen biết nhiều bạn bè là khách du lịch nước ngoài. 

Nu tự thấy mình là người vui vẻ, hoạt bát, được nhiều người yêu thích. Khi đó, cô có một người bạn trai người Úc. Tháng 8/2014, sau vài năm hẹn hò, hai người quyết định đi đến hôn nhân. Vị hôn phu đón Nu sang Úc theo diện visa đính hôn, thời hạn visa 9 tháng. 

Bị hủy hôn, xách va li rời nhà đi làm nông trại, nàng Việt gặp ngay chân ái mới người Úc - Ảnh 1.

Nuunuu Jones từng có chuyện tình nhiều drama trước khi gặp chân ái cuộc đời.

Khi họ yêu đương ở Thái Lan, mọi chuyện đều ổn. Nhưng sang Úc chung sống, văn hóa khác biệt, làm việc vất vả, ngày nào Nu cũng khóc. Từ một người tích cực, giàu năng lượng, Nu trở thành một cô nàng ủ dột. Người yêu chán dần, chần chừ không muốn cưới, dù họ đã mua nhẫn đính hôn. 

Chung sống đến sau Giáng Sinh, Nu bị… chia tay. Trước khi nói lời hủy hôn, bạn trai khi đó của Nu đã tổ chức một cuộc đi chơi vui vẻ rồi công bố: “Mình dừng lại đây đi, anh mua vé cho em về Việt Nam rồi. Anh là người đưa em sang đây thì có trách nhiệm đưa em về.”. 

Nu vô cùng sốc vì bị “đá” đau đớn, bơ vơ ở nước ngoài. Cô nhớ lại: “Thời điểm bị bạn trai cũ chia tay, mình xấu hổ vô cùng. Ngày đi Úc, bố mẹ làm mấy mâm cơm mời họ hàng coi như báo hỷ cho con. Giờ không được cưới, lại còn bị chia tay với lý do chung sống không hợp tính, bị mua máy bay về nước, mấy tháng sau đó bơ vơ không có gia đình hay bạn bè ở cạnh, mình chỉ nghĩ đến phương án tiêu cực.”.  

Tuy bị bỏ rơi, Nu vẫn nghĩ bạn trai cũ và cả bố mẹ anh ấy là người tử tế. Họ ngăn cản việc Nu tự hại, dỗ dành cô vượt qua cú sốc chia tay. Rời nhà bạn trai cũ, Nu quay cuồng tìm việc mới, tìm nhà ở trong thời gian chờ về Việt Nam. 

Khi cô kể câu chuyện của mình trên Facebook, những người bạn Úc quen biết hồi ở Thái Lan cũng vào hỏi thăm, giới thiệu việc làm. Nu quyết định chuyển đến bang khác làm nông trại. Ở đó, cô chỉ có duy nhất một người bạn quen sơ sơ là Matt Jones, quen hồi tháng 4/2014, khi Matt đi du lịch. 

Bị hủy hôn, xách va li rời nhà đi làm nông trại, nàng Việt gặp ngay chân ái mới người Úc - Ảnh 2.

Matt và Nu thời mới hẹn hò.

Nu dò tìm số điện thoại của Matt, đánh bạo gọi điện cho anh, nhờ anh ra sân bay đón và đưa mình đến nông trại. Dù không thân thiết, Matt vẫn nhiệt tình đáp lại lời “cầu cứu” của Nu. Cô nhớ lại: “Ngồi trên xe của Matt, mình vẫn còn khóc mãi, chưa thể nuốt trôi được cú sốc. Anh dỗ: Thôi mày đừng buồn, cánh cửa này đóng lại thì cánh cửa khác mở ra, không việc gì phải khóc”. “Cánh cửa khác” ấy, không ngờ lại do chính tay Matt mở ra. 

Cầu vồng sau mưa

Đến nông trại làm việc, Nu cũng hơi run vì nhân sự ở đây chỉ có cô và một người đàn ông độc thân khác. Người này, theo Nu nhận xét là có vẻ ngoài hơi... không đáng tin cậy. Matt cũng cùng cảm nhận với Nu, nên đưa cô đến rồi, anh vẫn nhắn tin, trò chuyện, bày tỏ ái ngại cho Nu. 

Nhà Matt cách nông trại Nu làm hơn 300km, nhưng chiều thứ sáu nào cũng vậy, hết giờ làm, anh lại lái xe xuống nông trại đón Nu đi chơi với lý do “không yên tâm để em ở đó cuối tuần cùng anh ta”. Hai người ăn tối xong, về đến nhà cũng 1 - 2 giờ sáng thứ bảy. Cả ngày thứ bảy và sáng chủ nhật, họ cùng nhau đi chơi, khám phá Melbourne rồi buổi chiều, Matt lại chở Nu về farm. 

Bị hủy hôn, xách va li rời nhà đi làm nông trại, nàng Việt gặp ngay chân ái mới người Úc - Ảnh 3.

Thực ra hồi ấy, mình khá hồn nhiên, nghĩ anh chỉ là bạn thân của mình thôi. Thậm chí còn nghĩ chắc anh... bê đê, không thích phụ nữ. Vì anh ở một mình, không có giúp việc hay bạn gái mà nhà cửa sạch không có miếng bụi. Anh đón mình về nhà nhưng hai đứa ngủ riêng phòng, tuyệt đối không có va chạm thân thể. 

Mình cũng say nắng anh rồi, mà nghĩ nếu anh là gay thì có tấn công cũng thế, hai người không thể đến được với nhau. Mình vừa bị bạn trai chia tay, giờ tỏ tình mà bị Matt từ chối nữa chắc không chịu nổi, nên cố gạt ý nghĩ đó ra khỏi đầu.”, Nu nhớ lại. 

Hết hạn visa, Nu định về Việt Nam ở hẳn. Matt nói sẽ bảo lãnh giúp cho cô ở Úc thêm để làm việc. Khi Nu về Việt Nam, Matt cũng đặt vé về chơi cùng, như một cách chia tay người bạn gái thân thiết. Nhưng cơ duyên với nước Úc và với Matt của Nu chưa cạn. 3 giờ trước khi máy bay cất cánh, Nu hay tin cô được duyệt visa 6 tháng nữa. 

Lúc Matt và và Nu quay lại Úc, cả hai đã thân thiết hơn nữa. Hết 6 tháng visa lần hai, Nu lại về Việt Nam. Lúc này, cô biết trong lòng mình đã rất yêu Matt, nhưng không muốn yêu xa, cũng không chắc chắn về tương lai. Ai ngờ, khi Nu vừa về được ít lâu, Matt cũng âm thầm đặt vé về Việt Nam. Hẹn gặp cô ở sân bay, Matt quỳ xuống cầu hôn.

Tháng 1/2017, họ tổ chức hôn lễ ở Việt Nam và tháng 4/2017 tổ chức hôn lễ ở Úc. Nu gọi đó là cơ duyên: “Có những điều trùng hợp kỳ lạ đưa đẩy chúng mình đến với nhau. Mình gặp anh khi anh đi du lịch Thái Lan, anh hiền queo. Sau này khi cưới nhau rồi anh mới kể, ở Thái Lan anh nằm mơ thấy cưới mình. Khi tỉnh dậy, anh cảm thấy vô cùng kỳ lạ vì khi đó hai đứa mới gặp nhau, giao tiếp sơ sơ thôi. 

Lạ nhất là anh gần như không bao giờ bắt máy số lạ ngoài giờ làm việc, nhưng không hiểu sao hôm mình gọi nhờ đón về nông trại, anh ấy lại nghe. Rồi nếu làm cùng với mình là phụ nữ, chắc hai đứa không thành, vì chẳng có lý do gì để anh tuần nào cũng lái xe đưa đi đón về. 

Hồi anh về Việt Nam chơi cùng, hai đứa cũng chưa xác định yêu nhau. Mẹ mình cứ trêu: ‘Làm con rể cô nhé!’, mặt ông ấy đỏ lên, chối đây đẩy, ‘no no no’ liên tục, mình phải bảo mẹ đừng trêu nữa. Vậy mà giờ có với nhau hai công chúa rồi!”. 

Cuộc sống an yên ở Úc 

Bé Kiara sinh cuối năm 2017, Sophia sinh cuối năm 2021 là kho báu của cặp đôi Matt và Nu. Từ khi có con thứ hai, Nu dành phần lớn thời gian để chăm sóc gia đình. Nu kể, giống như nhiều gia đình khác ở Úc, cô và chồng không có thời gian la cà cafe, trà đá, hẹn hò bạn bè. 

Phần lớn thời gian trong ngày của Nu là chăm sóc con cái, chở con đi học bơi, học múa, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ, cơm nước… luôn tay. Thứ bảy, chủ nhật khi chồng nghỉ làm, cả nhà sẽ đi chơi cùng nhau.

Họ sống ở vùng ngoại ô Melbourne, nhà nằm giữa 3 - 4 ha đất, rộng rãi và thưa thớt người, vì Matt muốn gần gũi với thiên nhiên. Thu nhập từ công ty sửa chữa đồ điện của anh khá ổn nên Nu không có áp lực phải cố kiếm thật nhiều tiền, mà dồn năng lượng vào chăm sóc các con. 

Matt ít nói, gần như giữa hai vợ chồng không có “chiến tranh”, nên nhìn chung Nu rất hài lòng về cuộc sống. Ông bà nội rất yêu thương con cháu, cưng con dâu.

Nếu có điều gì phiền muộn với Nu, thì đó là việc sống độc lập, tự mình chăm con ở nước ngoài khá thách thức. “Sinh hai đứa, mình gần như không biết đến ở cữ là gì. Hồi sinh bé đầu, chồng còn làm công ty, được nghỉ thai sản 2 tuần. Anh chỉ biết nấu đồ Tây, không biết nấu nướng kiểu cho bà đẻ nên mình tự nấu sẵn một ít cấp đông, còn lại nhờ một số người bạn Việt Nam nấu cho các món lợi sữa, kiểu đu đủ hầm rồi chồng lái xe đến lấy. Anh cũng phụ thay bỉm, còn lại mình tự chăm con.

Sinh bé thứ hai thì mình gửi bé lớn được cho bà nội 1 tuần. Anh mở công ty riêng rồi nên không nghỉ. Sau 1 tuần sinh mổ, mình vẫn đau nhưng tự lái xe cho bé lớn đi bơi, học múa, đau thì uống thuốc giảm đau, sinh hoạt, ăn uống bình thường không kiêng cữ gì. 

Rồi những khi ốm đau, nhớ nhà, nhớ bố mẹ ở Việt Nam vô cùng, chỉ ước có gia đình ở cạnh chăm sóc. Nhất là những lúc ốm mà vẫn phải gượng dậy chăm sóc, nấu nướng, cho con ăn, tủi thân lắm!”.

Việc giới thiệu tiếng Việt và văn hóa Việt với các con của Nu cũng có chút trở ngại. Ở nhà, Nu nói tiếng Anh là chính, bé lớn có thể hiểu một chút tiếng Việt nhưng không nói được. 

Ở Melbourne có khu người Việt, từ tiệm ăn, chợ búa cho đến tạp hóa bảng biển tiếng Việt, ở đó mọi người trò chuyện bằng tiếng Việt, mời nhau như ở nhà. Những khi “thèm” Việt Nam quá, Nu sẽ lái xe đến khu đó chơi, để cảm nhận không khí Việt Nam. 

Cô dự định cuối năm có thể sẽ cùng cả nhà về thăm ông bà ngoại cho thỏa nỗi nhớ, để ông bà được gặp hai cháu và giới thiệu cho con về quê hương Việt Nam.

Ảnh: NVCC

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm