pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bi kịch của lão nông bán gia súc nuôi con học đại học
Một bộ phim tài liệu có tên "Father" (Người cha) ở Trung Quốc từng khiến dư luận nước này phải bàn tán xôn xao. Nhân vật chính trong bộ phim là hai cha con ông Hàn Bội Nhân và Hàn Thắng Lợi.
Gia đình họ Hàn làm nghề nông, sống tại một làng quê nghèo khó ở tỉnh Thiêm Tây. Nhà nghèo khó, Hàn Thắng Lợi vì là con trai cả nên từ nhỏ đã rất ngoan ngoãn, hiểu chuyện. Khi đi học, anh luôn học giỏi, trở thành niềm kỳ vọng của bố.
Ông Hàn Bội Nhân hy vọng thông qua học tập, con trai một ngày nào đó có thể giúp cả gia đình đổi vận. Là một người cha yêu thương con điển hình, ông Hàn luôn khao khát con có thể "hóa rộng, hóa phượng", cố gắng vun đắp, dành dụm hết cho con mà không đòi hỏi gì cho bản thân.
Năm 2002, Hàn Thắng Lợi thi đỗ Đại học Dầu khí Tây An, trở thành tâm điểm chú ý của cả làng vì là sinh viên đại học duy nhất ở làng quê nghèo khó. Anh chọn học ngành truyền thông vì nghe nói ngành này lương cao, lương lên tới 5.000 - 6.000 NDT/tháng (17 - 20 triệu đồng).
Bán hết ngũ cốc, gia súc, lên thành phố làm thuê để con được ăn học
Tuy nhiên niềm vui đỗ đạt vừa đến thì nỗi lo gạo tiền cũng ập tới cửa. Nhà họ Hàn phải xoay xở cho con khoản tiền 6.000 NDT học phí (một kỳ) được thông báo trong giấy nhập học. Ngẫm cảnh nhà nghèo khó, Hàn Thắng Lợi định bỏ học và đi làm nhưng ông Hàn Bội Nhân không đồng ý.
Dù vậy, thu nhập hàng năm từ 4 sào ruộng của gia đình ông quả thật quá bèo bọt, không đủ để vừa nuôi con ăn học, vừa chu toàn sinh hoạt phí ở nhà. Suy đi tính lại, ông Hàn quyết định bán hết chỗ ngũ cốc và gia súc ở nhà, được tổng cộng 3.000 NDT (khoảng 10 triệu đồng). Số tiền còn thiếu, ông chạy vạy vay mượn hàng xóm.
Tuy nhiên ngoài 6.000 NDT học phí ra thì Hàn Thắng Lợi còn cần cả phí sinh hoạt. Cuối cùng, ông Hàn Bội Nhân quyết định đến Tây An cùng con. Con đi học, còn ông đi làm thuê nuôi con.
Phải nói rằng, Hàn Bội Nhân là người cha cực kỳ truyền thống. Khi thấy con đỗ đại học, vinh quang, ông không ngại khổ cực, quyết tâm bằng mọi giá để con có được tấm bằng. Về phần Hàn Thắng Lợi, anh hiểu vì sao bố không cho mình đi làm nên cố hết sức học tập chăm chỉ. Anh mong thành tích học tập của mình có thể là niềm an ủi cho bố.
Mỗi tháng Hàn Thắng Lợi được bố chu cấp 200 NDT (hơn 600 nghìn đồng) tiền sinh hoạt phí. Anh chi tiêu tằn tiện hết mức có thể, mỗi ngày chỉ tốn 3 NDT (khoảng 10 nghìn đồng) cho việc ăn uống, hầu như chẳng bao giờ ăn thịt. Cũng vì vậy mà Hàn Thắng Lợi rất gầy gò.
Trong khi các bạn cùng lớp tận hưởng cuộc sống đại học thì Thắng Lợi đi nhặt ve chai để có thêm sinh hoạt phí. Mặc kệ ánh mắt của người khác, Hàn Thắng Lợi thường lục lọi thùng rác để tìm vỏ chai rỗng. Mỗi khi không có tiết học, anh thường đứng ở sân trường, chờ có sinh viên nào uống nước xong thì sẽ nhặt lại vỏ chai của họ.
Một thời gian sau, các bạn học biết được hoàn cảnh gia đình của Hàn Thắng Lợi nên thường chủ động đưa vỏ chai nước của anh. Số tiền nhặt ve chai có thể giúp cậu sinh viên nghèo đủ ăn trong ngày.
Năm đó phòng ký túc xá của Hàn Thắng Lợi có 6 người. 5 sinh viên có điện thoại di động, 3 người có máy tính, chỉ riêng Hàn Thắng Lợi không có gì. Cũng may, anh có thể liên lạc với bố thông qua điện thoại công cộng trong ký túc xá.
Về phía ông Hàn Bội Nhân, khi đi làm ở thành phố vì không có kỹ năng gì nổi trội nên chỉ có thể làm những công việc lặt vặt ở công trường. Nhiều hôm, ông không có việc làm và phải vay tiền của các công nhân khác để chu cấp tiền sinh hoạt phí cho con trai. Một số người khi nghe thấy ông Hàn vay tiền liền giả ngủ, giả điếc. Nhưng cũng có một số người tốt bụng, khi biết ông vay tiền để nuôi con ăn học đã sẵn lòng cho vay.
Những khoản vay này, ông Hàn đều cẩn thận ghi hết lại vào sổ.
Kỳ vọng nhiều để rồi thất vọng thật nhiều: Hiện thực quá nghiệt ngã
Từng thi đỗ đại học với số điểm tốt nhưng khi lên môi trường đại học, Hàn Thắng Lợi hóa ra cũng không thực sự xuất sắc. Điểm số của Hàn Thắng Lợi rất bình thường, ngay đến làm bài kiểm tra tiếng Anh cơ bản cũng không xong nên không thể xin trợ cấp, học bổng của trường. Vậy nên, Hàn Thắng Lợi chỉ mong thuận lợi tốt nghiệp đại học là được.
Theo ông Hàn Bội Nhân, vì con trai có bằng đại học nên sau khi tốt nghiệp có thể tìm được công việc tốt. Ông sẽ không phải vất vả nữa nhưng sự thật đã giáng cho người cha già nghèo khổ này một đòn mạnh.
Giống như những sinh viên sắp tốt nghiệp khác, Hàn Thắng Lợi đã chuẩn bị sơ yếu lý lịch, in một chồng dày và mang đến chợ tuyển dụng. Đi loanh quanh chợ tuyển dụng hết 2 tiếng đồng hồ nhưng Hàn Thắng Lợi không tìm được công ty nào phù hợp với chuyên ngành truyền thông của mình, cũng không dám tiếp cận với các nhà tuyển dụng để giới thiệu bản thân. Cuối cùng, anh lặng lẽ rời đi.
Điều này cũng một phần do tính cách của Hàn Thắng Lợi. Một số bạn học của Thắng Lợi chia sẻ, mình thậm chí còn không nhớ đã nói chuyện với anh hay chưa. Có thể thấy, Thắng Lợi không mấy hòa đồng và khá hướng nội, mặc dù chuyên ngành học của anh là truyền thông. Được biết trong 4 năm học, Thắng Lợi cũng không có mấy trải nghiệm thực tế mà chỉ nắm kiến thức sách vở đơn thuần.
Sau đó, Hàn Thắng Lợi tiếp tục đạp xe đi đến các chợ tuyển dụng khác nhưng không tìm được việc mong muốn. Công việc chẳng những ít mà còn nhiều đối thủ cạnh tranh, mức lương thì thấp thảm hại.
Sau khi trở về ký túc xá, nhìn thấy các bạn cùng phòng nhàn nhã chơi game, còn bản thân thì quá chật vật, Hàn Thắng Lợi đâm ra lo lắng. Anh dần buông bỏ bản thân, muốn làm những công việc lao động tay chân như bồi bàn, bảo vệ...
Một năm sau khi tốt nghiệp, Hàn Thắng Lợi đến tỉnh Thanh Hải làm công việc lắp đặt băng thông rộng với mức lương 600 NDT (khoảng 2 triệu đồng)/tháng. Còn bố anh trở về quê mở một siêu thị. Lúc này, hai bố con họ Hàn vẫn còn rất tràn đầy hy vọng về tương lai. Nhưng ngày qua ngày, hy vọng ấy vụt tắt.
Sau khi làm việc ở Thanh Hải được 3 năm, Hàn Thắng Lợi xin nghỉ, về Tây An làm một công việc có mức lương 1.500 NDT (khoảng 5,1 triệu đồng).
Điều này khiến ông Hàn Bội Nhân hoàn toàn suy sụp. Để con trai có thể ăn học đàng hoàng, ông Hàn Bội Nhân đã phải lao động rất khổ cực, vay mượn của họ hàng, làng xóm, bạn bè đến hàng chục nghìn NDT. Nhưng cuối cùng, con trai ông lại chỉ có thể kiếm được 1.500 NDT/tháng.
Về phía Hàn Thắng Lợi - người luôn được bố lấy ra làm niềm tự hào, đi kể với mọi người, giờ đây cũng không biết phải đối mặt ra sao với những câu hỏi về mức lương, công việc của mình. Thậm chí, thu nhập của Hàn Thắng Lợi còn thấp hơn cả người em gái ruột nghỉ học từ cấp 2.
Vì đâu nên nỗi?
Xem xong bộ phim tài liệu về hai cha con ông Hàn, nhiều người không khỏi chạnh lòng vì nó phản ánh thực tế xã hội. Tuy nhiên nhiều người cũng đặt ra những câu hỏi:
Đầu tiên, một số người cho rằng ông Hàn đã gây áp lực và kiểm soát con trai quá nhiều khiến cậu không có chính kiến độc lập, tính tình lại càng nhu nhược. Khi đến hội chợ việc làm, Hàn Thắng Lợi không dám bày tỏ bản thân, đi 2 tiếng đồng hồ mà không thu được kết quả gì.
Bên cạnh đó, ông Hàn không phải muốn con trai học thêm kiến thức, mà là muốn con kiếm được nhiều tiền, muốn thông qua con trai thay đổi vận mệnh gia tộc.
Một số người cũng đặt câu hỏi: Tại sao Hàn Thắng Lợi không đi làm thêm mà lại đi nhặt ve chai trong trường học? Thực ra đây cũng là do anh ấy quá hướng nội, thậm chí sống trong mặc cảm lâu ngày. Cho dù rất có năng lực, Hàn Thắng Lợi cũng chưa chắc đã thể hiện ra được. Với tính cách ấy, phải chăng việc học cũng chỉ là vô ích?
Bên cạnh đó, Hàn Thắng Lợi khi chọn chuyên ngành học cũng không tìm hiểu kỹ nó có phù hợp với bản thân hay không mà hoàn toàn chọn ngành học vì nghe nói rằng nó lương cao. Suy cho cùng, bi kịch của gia đình họ Hàn hoàn toàn xuất phát từ nhận thức...