pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bi kịch giết cha từ gia đình không có tiếng cười
Bị cáo Huỳnh Văn Quynh bị dẫn giải ra tòa
Những giọt nước mắt của bị cáo
Sau 2 phiên xử sơ thẩm và 5 ngày nghị án, chiều ngày 17/5/2022, HĐXX đã tuyên án, tuyên phạt bị cáo Trương Thị Bình (sinh năm 1977) 11 năm tù và Huỳnh Văn Quynh (sinh ngày 6/8/2002) 9 năm tù cùng tội danh Giết người. Bị hại Huỳnh Văn Quang trong vụ án này chính là chồng cũ của Trương Thị Bình và là cha ruột của Huỳnh Văn Quynh.
Đáng chú ý, trước đó đại diện Viện KSND TPHCM đã đề nghị HĐXX xem xét tuyên phạt bị cáo Trương Thị Bình 12-13 năm tù; Huỳnh Văn Quynh 10-11 năm tù, phạm tội khi chưa đủ 18 tuổi. Như vậy, TAND TPHCM đã tuyên phạt các bị cáo thấp hơn mức án đề nghị của Viện KSND cùng cấp.
Việc trả hồ sơ để điều tra, làm rõ các thêm các tình tiết; việc nhân chứng là con ruột cũng chính là người đại diện hợp pháp của bị hại đã làm đơn cứu xét xin HĐXX giảm án cho các bị cáo; việc HĐXX phải dành tới 5 ngày để nghị án, đã cho thấy đây là một vụ án khá phức tạp, cần một bản án thuyết phục về cả lý và tình.
Bị cáo Trương Thị Bình, sinh năm 1977 và nạn nhân Huỳnh Văn Quang, sinh năm 1977, kết hôn vào năm 2001, có 2 người con chung là Huỳnh Tấn V., sinh năm 2001 và Huỳnh Văn Quynh, sinh ngày 6/8/2002. Cả gia đình cùng sinh sống trong một nhà tại xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, TPHCM.
Do mâu thuẫn gia đình nên ông Quang và Bình đã ly hôn từ năm 2019 nhưng vẫn sống chung nhà và thường xuyên cãi vã, chửi bới nhau. Ông Quang nói với Bình sẽ bán nhà nhưng không chia tiền và sẽ đuổi 3 mẹ con Bình ra khỏi nhà nên Bình đã nảy sinh ý định giết ông Quang.
Vào khoảng 20h ngày 14/8/2020, ông Quang đi uống rượu về rồi cãi nhau với Bình về việc bán nhà. Bình đi vào phòng ngủ nói chuyện với con trai Huỳnh Văn Quynh: "Ba mày bán nhà bỏ mẹ con mình ra phòng trọ ở. Tao làm liều giết ổng, có gì mày phụ tạo". Quynh nghe xong đã đồng ý. Đến 20h30 cùng ngày, ông Quang đứng ở khu vực nhà bếp tiếp tục chửi Bình, Bình tức giận đi đến chỗ ông Quang đang đứng thì bị Quang dùng cây chổi đánh. Sau đó Bình liền quật ngã ông Quang xuống nền nhà, ngồi đè trên người ông Quang còn Quynh chạy đến giữ 2 chân để Bình dùng dây siết cổ ông Quang.
Thời điểm này, Huỳnh Tấn V., con trai của Bình và ông Quang đã chứng kiến sự việc nên van xin Bình đừng giết ông Quang nhưng Bình vẫn siết cổ ông Quang cho đến lúc chết. Sau khi ông Quang chết. Bình cùng Quynh khiêng ông để trên ghế bố trước hiên nhà. Đến sáng ngày 15/8/2020. Bình báo tin cho bà con hàng xóm xung quanh biết ông Quang chết do đột quy. Ngày 16/8/2020, Trương Thị Bình và Huỳnh Văn Quynh bị Cơ quan CSĐT Công an huyện Củ Chỉ ra lệnh bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp.
Trong suốt các phiên xử, cả hai bị cáo Trương Thị Bình và Huỳnh Văn Quynh đều chỉ im lặng và khóc. Bị cáo Bình với dáng vẻ lam lũ, khổ sở, trông già hơn rất nhiều so với tuổi tác. Lấy chồng năm 24 tuổi cho tới khi vụ án diễn ra, cuộc sống của bị cáo đã phải trải qua những trận đánh đập của chính người đầu ấp tay kề. Anh Huỳnh Tấn V., trong đơn cứu xét gửi tới Viện KSND TPHCM và TAND TPHCM đã cho biết: Mẹ của anh, là bị cáo Trương Thị Bình, phải bươn chải đủ nghề để nuôi sống gia đình. Nhưng làm được đồng nào phải về nộp cho chồng toàn bộ. Chưa dừng ở đó, bị cáo còn thường xuyên bị chồng đánh đập, bạo hành. Anh V. cũng trình bày rằng, cha của anh., tức bị hại Huỳnh Văn Quang, là người vũ phu, gia trưởng, không có việc làm ổn định và thường xuyên nhậu nhẹt. Chính vì hoàn cảnh éo le này cùng việc bị hại tuyên bố bán nhà, đuổi vợ cũ và hai con ra phòng trọ ở đã đẩy bị cáo Trương Thị Bình tới hành động giết người.
Cái ác bị kích hoạt
Riêng đối với bị cáo Huỳnh Văn Quynh, là một trường hợp điển hình của "nỗi đau mẹ trong trái tim con". Thời điểm phạm tội, Huỳnh Văn Quynh chưa đủ 18 tuổi. Bị cáo sinh ra và lớn lên trong gia đình không có tiếng cười, không có niềm vui, hạnh phúc. Ba thường xuyên nhậu nhẹt, đánh đập mẹ. Ở phía ngược lại, Quynh thấy mẹ đã phải đi làm vất vả nuôi cả gia đình, làm được bao nhiêu phải nộp tiền về cho chồng, mà cũng vẫn không được yên thân. Cho tới khi giọt nước tràn ly, ba Quynh đòi bán nhà, đuổi cả 3 mẹ con ra khỏi nhà, thì Quynh đã đồng ý trước lời đề nghị "phụ mẹ" để giết cha.
Hành động của Huỳnh Văn Quynh là hồ đồ nhất thời nhưng có lẽ đó chính là hành động kết thúc chuỗi ngày uất ức mà bị cáo này đã phải chứng kiến suốt thời ấu thơ.
"Khi bị cáo Huỳnh Văn Quynh vẫn bị Viện KSND TPHCM truy tố ở khoản 1 Điều 123 với tình tiết giết cha (khung hình phạt 12-20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình), tôi đã cho rằng án phạt này quá nặng. Bị cáo Quynh đã thành khẩn khai báo, phạm tội lần đầu, tuổi lại chưa thành niên. Khi nghe mẹ nói cha đòi bán nhà, đẩy mấy mẹ con ra ngoài phòng trọ ở, Quynh đã không đủ nhận thức và thời gian suy nghĩ chín chắn. Thêm nữa, việc chứng kiến ba thường xuyên đánh đập mẹ cũng để lại những "vết thương" về tâm lý cho Huỳnh Văn Quynh từ nhỏ tới lớn", luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, đại diện Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TPHCM, là người giám hộ cho bị cáo Huỳnh Văn Quynh, phân tích.
Trước khi tới phiên tòa chứng kiến việc tuyên án dành cho các bị cáo vào chiều ngày 17/5/2022, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ đã vô cùng trăn trở. Bà cho biết, tuổi thơ của một con người vô cùng quan trọng và đa số là những ký ức đẹp. Những đứa trẻ được sống trong tình yêu thương của cha mẹ, không phải chứng kiến bạo hành gia đình, thì chắc chắn lớn lên thường nhớ về quá vãng tuổi thơ. "Vậy nhưng, tuổi thơ của bị cáo Huỳnh Văn Quynh lại chỉ đáng quên. Những ngày cha say xỉn về đánh đập mẹ, nỗi đau cả thể xác và tinh thần của người mẹ tác động tới cảm xúc của trẻ thơ. Vì vậy, việc thương mẹ và ghét ba cũng có thể đã được hình thành từ rất lâu trong tâm khảm của đứa trẻ. Bạo hành gia đình đã châm ngòi cho bi kịch và hệ lụy, điển hình nhất là trong vụ án này. Ngay sau khi xảy ra thảm kịch, các thủ phạm bị bắt, căn nhà đã bị người ta xiết nợ. Một gia đình tan tác đúng nghĩa", luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cho biết.
Ác và Thiện đều có mặt trong cuộc đời, nằm sẵn trong phần Con và phần Người. Nếu cứ phải chứng kiến và sống trong môi trường cái ác tung hoành, thì hẳn rằng các nhân tố cũng rất dễ bị hoàn cảnh tác động. Ở đây, bạo hành gia đình đã kích hoạt để cái ác xuất hiện, dẫn tới bi kịch đau lòng của một gia đình.
"Hội đồng xét xử đã xem xét vụ án một cách toàn diện, tuyên phạt các bị cáo dưới mức án đề nghị của Viện KSND, cho thấy pháp luật rất nghiêm khắc mà cũng vô cùng khoan dung".
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ phát biểu sau phiên tòa