Bi kịch sau án mạng giành quyền nuôi con

03/11/2016 - 08:19
Bực tức vì vợ cũ gây khó dễ trong việc thăm nuôi con, Linh đã gây án mạng. Mất mẹ, cha vào tù và mối thù hận, tranh giành tài sản, quyền giám hộ giữa 2 bên họ hàng tiếp tục ập xuống đứa trẻ mới 7 tuổi.
1- Theo cáo trạng, năm 2006, Phạm Xuân Linh (35 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TPHCM) và chị Phạm Ngọc Dung kết hôn, sau đó họ có 1 con gái là P.N.T.V.

Năm 2013, cả 2 thuận tình ly hôn. Theo phán quyết của tòa, chị Dung được quyền nuôi dưỡng bé V. Sau đó, Linh cưới vợ mới, còn chị Dung đã sang lại được sạp quần áo ở chợ rồi làm ăn rất phát đạt.

Dịp cuối tuần, Linh thường xuyên đến đón con về nhà mình ở huyện Bình Chánh chơi. Sáng ngày 10/5/2015, Linh đến nhà Dung đón bé V. đi chơi thì cả 2 đã xảy ra cãi vã về vấn đề thăm nom và chăm sóc bé V.

Tức giận do bị vợ cũ gây khó dễ trong việc thăm con nên Linh đã nảy sinh ý định giết chị Dung. Sau khi đưa bé V. về nhà, Linh giả làm nhân viên điện lực, đeo kính đen, bịt khẩu trang, mang theo 1 túi xách, trong có chứa 1 con dao và cuộn băng keo để thực hiện kế hoạch đã vạch sẵn.

Tưởng Linh là thợ sửa điện nên Dung đã mở cửa cho vào nhà. Khi lên đến lầu 1, Linh đã dùng con dao trong túi xách kề cổ uy hiếp Dung. Trong lúc giằng co, lưỡi dao đã cắt 1 nhát vào cổ Dung gây thương tích. Tiếp theo, Linh nắm 2 vai, đập mạnh đầu chị Dung xuống nền nhà. Nghe tiếng kêu cứu, hàng xóm báo bảo vệ dân phố đến bắt giữ hung thủ. Nạn nhân được mọi người đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng đã tử vong vì vết thương quá nặng.

anh-nen-ks.jpg

2- Vừa qua, TAND TPHCM mở phiên xử sơ thẩm đối với bị cáo Phạm Xuân Linh về tội giết người. Hành vi gây án của đã quá rõ. Bị cáo nhận tội và thành khẩn khai báo. Buổi xét xử sẽ diễn ra nhanh chóng nếu không có tình tiết bất ngờ nảy sinh, nhất là sự xuất hiện đột ngột của ông N. - ông ngoại của cháu bé.

Năm 1980, ông N. sống chung với 1 người phụ nữ và đến năm 1981 thì họ có 1 con gái là chị Dung. Tuy nhiên, ông N. sau đó bỏ đi, không liên lạc với Dung.

Sau này, khi biết tin dữ xảy ra với chị Dung, ông N. yêu cầu cơ quan chức năng giám định ADN. Kết quả giám định xác nhận ông N. là cha ruột của chị Dung.

Trước khi mất, chị Dung sở hữu nhiều tài sản có giá trị như: Nhà cửa, xe hơi, nữ trang… Tin buồn chưa kịp nguôi ngoai, ông N. vội vã mời thừa phát lại đến niêm phong, kiểm tra tài sản trong căn nhà mà chị Dung từng sinh sống.

Sau đám tang của mẹ, cháu V. sang sống ở nhà ngoại. Chưa được bao lâu, ông N. đến nhà, tự ý đưa cháu V. về Tiền Giang mà không hỏi ý kiến bất kỳ ai, tạo ra nghi án “bé gái bị bắt cóc” từng gây xôn xao dư luận ở Sài Gòn.

Trong phiên tòa, luật sư của ông N. cho hay, theo luật pháp ông N. đủ tư cách giám hộ cháu V. Nghe xong, người cậu thứ nhất của chị Dung phản bác: “Suốt 34 năm qua, cha con họ đã xa cách. Tại sao đến khi con gái chết, ông N. mới quay lại nhận nuôi cháu ngoại? Chúng tôi không chấp nhận cháu Dung có người cha như thế”.

linh.jpg
Bị cáo Phạm Xuân Linh tại phiên tòa

Nghe 2 bên giành tài sản, quyền giám hộ cháu V., những người dự khán đều ngao ngán. Đứa trẻ chưa hiểu mình mất mẹ vì lỗi của cha, cũng chẳng hay mình đang là đối tượng giành giật của người thân. Đương nhiên, nó cũng chưa hề biết mình là người thừa kế một nửa tài sản do mẹ để lại.

Chủ tọa phải giải thích, tòa chỉ xử vụ án hình sự, còn việc xác định ai là người giám hộ của cháu bé, nếu 2 bên không thống nhất được thì có thể khởi kiện bằng 1 vụ án dân sự khác. Khi đó, phiên xử bị cáo Linh lúc này mới được nối lại.

Được phép nói lời sau cùng, bị cáo Linh run rẩy, nghẹn ngào: “Hôm nay chính là ngày sinh nhật của con gái tôi. Bị cáo không hề có ý muốn hại cô ấy, chỉ vì một phút nóng giận mà để con phải gánh chịu bi kịch đau lòng đến vậy”.

Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử nhận định: Hành vi của bị cáo đặc biệt nguy hiểm cho xã hội. Tuy nhiên, xét thấy bị cáo đã biết ăn năn hối cải, đặc biệt cháu bé đã mất mẹ nên xem xét khoan hồng để bị cáo có cơ hội về nuôi con. Từ đó, tòa tuyên phạt bị cáo Phạm Xuân Linh 15 năm tù về tội “Giết người”. Về tổn thất tinh thần, bị cáo phải bồi thường 69 triệu đồng, chia đôi cho ông N. và cháu V. Khoản tiền trên và phần thừa kế của cháu V. sẽ giao cho người giám hộ quản lý (sau khi cơ quan có thẩm quyền quyết định người giám hộ). Ngoài ra, phần yêu cầu cấp dưỡng cũng được tách ra giải quyết bằng vụ án khác khi cháu V. có người giám hộ.

Hành vi phạm tội của bị cáo Phạm Xuân Linh được quy định tại điểm n (Có tính chất côn đồ), điểm o (Có tổ chức), Khoản 1, Điều 93 Bộ luật Hình sự, với mức bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm