Bị lạm dụng - trục lợi, Quỹ BHYT bội chi gần 3.000 tỷ đồng

18/08/2016 - 14:32
Chỉ trong vòng 6 tháng áp dụng Luật BHYT sửa đổi, bổ sung (từ ngày 1/1/2016), tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT diễn ra ở nhiều nơi nên quỹ này bội chi gần 3.000 tỷ đồng.
Kể từ năm 2010, thông qua các biện pháp quản lý của cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam nhằm tăng cường kiểm soát chi phí, nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ, các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) tích cực cung cấp các dịch vụ y tế theo hướng chi phí hiệu quả, vì vậy mỗi năm quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc quỹ BHYT có kết dư. Thế nhưng, ngày 17/8, BHXH Việt Nam cho biết, quỹ BHYT bội chi tới gần 3.000 tỷ đồng.

Theo lý giải của ông Phạm Lương Sơn, Phó tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, sở dĩ có tình trạng bội chi quỹ BHYT do sau 6 tháng áp dụng Luật BHYT sửa đổi, bổ sung, tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT diễn ra ở nhiều nơi và ngày càng tinh vi.
 
Ông Sơn đơn cử, chỉ tính riêng trong tháng 7, qua giám định đã phát hiện có trường hợp đi khám bệnh tới 27 lượt/tháng, thậm chí trong một buổi đi khám ở 2 - 3 cơ sở khác nhau, lấy thuốc đem bán. Cụ thể hơn, chỉ riêng việc thay đổi giữa dùng chai thủy tinh và chai nhựa để đựng nước cất tại một số tỉnh thành đã chênh lệch 15 tỷ đồng. Tại một tỉnh phía Bắc, trong 3 tháng, riêng chi phí chỉ định điện tim, siêu âm đã lên đến 12 tỷ đồng.
kham.jpg
Quỹ BHYT lại bội chi sau nhiều năm kết dư
Các cơ sở KCB đã lạm dụng quỹ dưới nhiều hình thức khác nhau như: chỉ định sử dụng các kỹ thuật quá mức cần thiết, không phù hợp với chẩn đoán bệnh; chỉ định nhiều thuốc đắt tiền, nhiều xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh. Có những cơ sở y tế 100% bệnh nhân khi tới khám, điều trị được chỉ định nội soi tai mũi họng, mặc dù nhiều trường hợp không cần thiết. Hay có trường hợp nhân viên y tế chỉ định bệnh nhân cắt túi mật song khi chẩn đoán vẫn ghi… dịch mật trong suốt. Thậm chí, có cơ cở KCB mua sắm thuốc, vật tư y tế vượt quá số lượng trúng thầu, lắp đặt máy móc xã hội hóa không đúng quy định.
 
Chưa hết, với phòng khám tư nhân còn có "chiêu" lạm dụng quỹ BHYT bằng cách mua bánh mỳ kẹp thịt, nước uống để hút bệnh nhân tới khám tại cơ sở mình.

Trước tình trạng trên, BHXH Việt Nam đã thống kê và cho thấy, 6 tháng đầu năm, tổng chi KCB tại các tỉnh là 30.372 tỷ đồng, trong khi tổng quỹ KCB BHYT là 28.220 tỷ đồng, quỹ đang bị âm 2.152 tỷ đồng. Số tiền bội chi tăng thêm 2.897 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2015.

Ông Phạm Lương Sơn cho hay, BHXH Việt Nam sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối liên thông dữ liệu giữa cơ sở KCB và cơ quan BHXH để phục vụ việc giám định, thanh toán BHYT theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, sẽ thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ quy trình cấp thẻ và quy trình khám chữa bệnh BHYT, nhất là trong việc xử lý những cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật về BHYT.

Theo cơ quan BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 12/2015, tổng số tiền cơ quan BHXH thu được trong năm 2015 ước đạt 211.000 tỷ đồng, đạt 103,63% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm