pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bị ong đốt, cậu bé Bo khóc lóc đòi nhường nhà cho “thủ phạm” và huyền thoại bác sĩ Mẹ
Chúng tôi là lũ trẻ sống ở khu đất bãi ven sông, ngay gần chợ đầu mối Long Biên. Nơi tôi ở cách đây hơn 30 năm thì chẳng khác mấy vùng thôn quê là bao. Dân cư khu vực này đa phần là người làm ăn buôn bán nên cũng “thả rông” bọn trẻ con chúng tôi tự chơi với nhau.
Lúc tôi học mẫu giáo và tiểu học thì đám trẻ con của khu An Dương chúng tôi và khu bãi Phúc Xá hay tụ tập lại thành đám đông rồi đi nghịch ngợm, phá phách theo kiểu trẻ con. Gì chứ từ khoản bấm chuông các nhà rồi ba chân bốn cẳng chạy bán sống bán chết đến hò nhau ra bãi đá sông Hồng, chúng tôi chưa từng ngán trò nào.
Mặc dù là con gái nhưng tôi được cái háu ăn, đủ loại thứ ngon và sữa tươi nên to con béo tốt lắm. Mấy đứa hàng xóm có khi hơn tôi vài tuổi vẫn gầy nhẳng gầy nhơ, chúng nó biếng ăn nên cứ thấy tôi đứng thập thò ngoài cửa là mừng lắm, kiểu gì tôi cũng ăn hộ chúng nó hết!
Cũng bởi da mềm thịt béo mà chúng nó bầu tôi làm “đại ca” bãi An Dương. Cứ chiều chiều vừa ngủ trưa dậy là tôi cầm đầu đám nhỏ lít nhít sang đấu khẩu với lũ trẻ bãi Phúc Xá. “Đại ca” bên bãi Phúc Xá là thằng cu Bo. Bố nó là người Tây Ban Nha nên ngoại hình cũng khác biệt hoàn toàn với lũ chúng tôi. Đương nhiên bao gồm cả việc to cao hơn tôi mặc dù nó kém tôi tận 2 tuổi.
Đúng là trẻ con một khi đã chơi thân thiết với nhau thì chẳng bao giờ quan tâm đến những vấn đề phiền hà như người lớn trong mối quan hệ giao tiếp xã hội đâu. Mới đầu, chúng tôi khá tò mò với nhóc Bo bởi đôi mắt nhạt màu bất thường, tóc hung loăn xoăn, da trắng trẻo và chiếc mũi cao tít của nó.
Thế nhưng bọn trẻ chúng tôi nhanh chóng gạt bay chuyện ngoại hình lạ mắt của Bo đi bởi vì chỉ số sức mạnh của nó cực kì đáng nể.
- Thằng Bo có gì lạ đâu mà chúng mày cứ nhìn nhỉ? Con Uyên da cũng trắng, thằng Tít tóc xoăn kìa, mũi bé Bông cũng cao nữa. Chúng mày định bắt nạt nó à?
Đây là câu mà thằng Ếch người bé xíu như cái kẹo mút dở hất hàm quát đám nhóc lạ không biết từ đâu “phượt” đến đại bản doanh của chúng tôi, lại còn nhìn chằm chằm vào thằng Bo khiến thằng bé suýt khóc nấc cả lên.
Mặc dù bãi An Dương chúng tôi rất hay đấu khẩu với bãi Phúc Xá nhưng chung quy lại vẫn là đám trẻ con chơi với nhau, bình thường thì không sao nhưng cứ hễ có ai động vào “đồng bọn” là y như rằng mấy đứa lại xù lông lên bảo vệ nhau.
Cách đây hơn 30 năm thì quả thật ngoại hình của nhóc Bo rất dễ gây chú ý với người khác, kể cả họ quan tâm đến thằng bé thì vẫn khiến đứa trẻ đó ngại ngùng, thậm chí là sợ hãi. Bo cao lớn vậy thôi nhưng nó hiền lắm, chỉ hơi “cục” mà thôi. Có mấy lần tôi trêu nó quá quá thế là Bo quay sang đẩy tôi nhẹ một cái khiến tôi ngã dúi dụi. Tôi đứng lên vừa bẩn thỉu vừa chảy máu tay nhưng chỉ mãi trầm trồ tán thưởng chỉ số sức mạnh của nó. Còn thằng Bo thì ôm mặt khóc tại chỗ vì lỡ tay làm tôi bị thương. Mãi về sau nó vẫn liên tục xin lỗi tôi vì nó hoàn toàn không cố ý.
Sau sự vụ bênh thằng Bo ở bãi đá sông Hồng đó, đám nhóc chúng tôi quyết định sáp nhập bãi An Dương và bãi Phúc Xá lại với nhau, quyết tâm trở thành anh em chí cốt, huynh đệ tình thâm. Kể từ đó làng xóm không ngày nào yên ổn nổi với đám trẻ con ầm ĩ như cái chợ vỡ, ồn ào hơn cái chợ đầu mối lẫn chợ Yên Phụ cộng lại!
Bỗng nhiên có một bận, liền tù tì mấy ngày liên Bo không ra chơi với chúng tôi. Đám trẻ chúng tôi lo lắng “anh em” bị làm sao nên rồng rắn kéo nhau sang tận nhà Bo để hỏi thăm. Đến nơi chỉ có một mình Bo ở nhà, thằng bé cũng không có chìa khoá để mở cửa. Thế là cả đám chúng tôi đành hỏi thăm nhau qua những song sắt.
- Chắc là Bo phải chuyển nhà rồi, không ở đây được nữa rồi…
Thằng Bo với một bên má sưng húp nước mắt ngắn dài bám vào song sắt được sơn xanh lá cây rồi mủi giải tâm sự với chúng tôi.
- Sao lại thế? Sao Bo lại phải đi đâu?
Chúng tôi đứa nào cũng lo hay là bố của Bo định đưa Bo về Tây Ban Nha thì sao. Đây là câu mà hơn chục đứa nhóc đồng loạt thất thanh lên hỏi một lúc, thằng Bo giật mình lại khóc tợn hơn. Cả lũ an ủi mãi mà nó vẫn khóc nức nở đến nấc lên từng cơn, nói mãi không được nổi một câu.
Giữa cái giây phút chia ly buồn rười rượi như vậy thì cô Lan, mẹ của Bo về. Thấy chúng tôi cô mở cửa để cả lũ cùng ùa vào trong nhà.
- Cô ơi! Cô đừng bắt Bo phải đi đâu nhé, bọn con hứa sẽ không rủ Bo nghịch ngợm làm phiền người lớn đâu ạ!
Tôi là đứa mở lời trước, vận dụng hết tất cả chiêu bài làm nũng đã từng xài với mẹ và các dì để lấy lòng cô Lan, mong sao cô sẽ không bắt Bo phải chuyển nhà đi mất.
Cô Lan ngơ ngác không hiểu chúng tôi đang nói gì từ thằng con mình cho đến mấy đứa nhóc đều nước mắt ngắn dài. Đúng lúc này thì thằng Bo lên tiếng.
- Hôm qua con xin bố rồi, nhà này có ong đốt đau lắm, không ở được nữa đâu mẹ ạ! Chúng ta phải chuyển nhà thôi, nhà này nhường cho ong ở.
Đến lúc này thì cả đám mới ớ ra là thằng Bo sưng má vì bị ong đốt. Chiều hôm đó nó thấy tổ ong ở trên cây sào phơi quần áo, liền dũng mãnh lấy gậy ra chọc, vừa chọc một cái thì ong dí cho chạy mất dép mà vẫn không thoát được. Thành quả chính là một bên má to gấp đôi bên còn lại của nó bây giờ.
Cô Lan ôm bụng cười một trận rồi xoa đầu nó bảo nó ngồi yên để mẹ bôi thuốc cho.
Trong lúc cô Lan vào nhà lấy thuốc, thằng Bo với ánh mắt sáng bừng và vẻ mặt rất tự đắc kể về mẹ mình.
- Bác sĩ Mẹ của Bo siêu cực kỳ luôn! Đau bụng mẹ cũng chữa được, ho mẹ cũng chữa được, mẹ còn chữa được cả ong đốt luôn cơ!
Cả đám chúng tôi cùng thi nhau khoe mẹ, hoá ra mẹ đứa nào cũng siêu hết, hình như các mẹ đều là bác sĩ hết hay sao mà không có bệnh nào trên đời mẹ không chữa được!
Mãi về sau khi đã lớn, lũ chúng tôi mới biết thật ra cô Lan không phải bác sĩ mà mẹ chúng tôi cũng không có ai là bác sĩ hết. Thế nhưng huyền thoại về bác sĩ mẹ thì cả đám chẳng bao giờ quên được. Nó trở thành hình ảnh dịu dàng nhất trong suốt những năm tháng tuổi thơ dữ dội của đám trẻ con đất bãi chúng tôi.