Bí thư Hà Nội: "Quyết tâm dời nhà máy gây ô nhiễm ra khỏi nội đô!"

D.H
09/06/2020 - 15:28
Bí thư Hà Nội: "Quyết tâm dời nhà máy gây ô nhiễm ra khỏi nội đô!"
Đó là thông tin của Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ bên lề Quốc hội hôm nay 9/6, xung quanh nội dung Quốc hội bàn thảo về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô.

Trao đổi với báo chí, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho hay, Hà Nội sẽ tính toán, điều chỉnh lại quy hoạch Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Sắp tới, Hà Nội sẽ trình Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Thủ đô ở tất cả các thể chế, chính sách về chính quyền đô thị, tăng cường phân cấp, phân quyền cho các đô thị đặc biệt, thành phố lớn như Hà Nội…

Bí thư Hà Nội: "Quyết tâm dời nhà máy gây ô nhiễm ra khỏi nội đô!" - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ bên lề Quốc hội

Theo ông, việc vận hành chính quyền đô thị không tổ chức hội đồng nhân dân cấp phường cần Nghị định hướng dẫn cơ cấu tổ chức, bộ máy, vận hành… Nghị quyết Quốc hội đã giao cho Bộ Nội vụ phối hợp với Hà Nội xây dựng cơ chế vận hành ban hành trong năm nay, để từ năm 2021 áp dụng thực hiện.

Với việc rà soát, tính toán, điều chỉnh lại vấn đề quy hoạch thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, ông Vương Đinh Huệ cho hay sẽ kiên quyết đưa các nhà máy có thể gây ô nhiễm ra khỏi khu vực nội đô; còn một số bệnh viện, cơ sở trường đại học có thể giữ lại trong nội đô, làm đầu mối về giao dịch quốc tế, đào tạo bậc cao… "Tinh thần là sẽ không di dời một cách máy móc các trụ sở cũ của các trường đại học ra khỏi nội thành" – ông nhấn mạnh.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng thông tin, thành phố đang cân nhắc một số phương hướng giải quyết theo cách mới. Chẳng hạn, sau khi các bệnh viện, trường học di dời ra khỏi nội đô thì cơ sở cũ của các đơn vị này tại nội đô sẽ được sử dụng để xây dựng thành mô hình "khách sạn bệnh viện" hoặc đầu mối đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đầu mối về quan hệ giao dịch quốc tế. Tương tự, các trường đại học cũng vậy.

Theo ông, ở các nước phát triển, nội đô vẫn có các trường đại học có tuổi đời hàng trăm năm, có những trụ sở bệnh viện lớn dùng làm cơ sở nghiên cứu khoa học bậc cao, đầu mối giao lưu quốc tế. Với Hà Nội, đối với các cơ sở thuần túy điều trị, khám chữa bệnh có thể ra ngoại thành sẽ thoải mái hơn, không cần thiết phải giữ lại đầu mối trong nội thành.

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng xem xét cơ chế đặc thù, phân cấp, phân quyền, quan trọng nhất là tăng thẩm quyền cho Hà Nội trong việc quyết định một số vấn đề.

"Đơn cử, một số quận, huyện nội đô có kinh tế phát triển, kết dư ngân sách cao trong khi một số huyện rất khó khăn như Ba Vì còn chưa thể hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Hà Nội muốn sử dụng phần ngân sách kết dư này để ủng hộ cho các địa phương khác nói chung và một số huyện khó khăn của Hà Nội nói riêng giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới…thì Luật Ngân sách không cho phép", Bí thư Vương Đình Huệ nêu ý kiến.

Hay như một loạt hệ thống chợ dân sinh rất thiết yếu không có khả năng xã hội hóa cao, những chợ hạ tầng thiết yếu không đủ hấp dẫn nhà đầu tư, thì họ sẽ không bỏ tiền ra.

"Nếu muốn sửa chữa lại hệ thống các chợ này, theo luật không được dùng kinh phí sự nghiệp, thế nhưng Nghị quyết lần này cho phép Hà Nội sử dụng kinh phí sự nghiệp về kinh tế, y tế, giáo dục…để mua sắm, bảo dưỡng các hệ thống, thiết chế này" – ông Vương Đình Huệ cho hay.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm