Bí thư Hà Nội: "Sẽ xử lí nghiêm nếu có trục lợi mua sắm thiết bị y tế"

H.Y
06/01/2022 - 12:00
Bí thư Hà Nội: "Sẽ xử lí nghiêm nếu có trục lợi mua sắm thiết bị y tế"

Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng

Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, việc mua sắm vật tư y tế là cần thiết, cấp bách vì liên quan đến sức khỏe, tính mạng người dân, nhưng phải thực hiện đúng quy định, nghiêm cấm mọi hành vi tư lợi.

Yêu cầu nêu trên được Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đưa ra tại Kết luận hội nghị Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về công tác phòng, chống Covid-19 trên địa bàn.

Bí thư Thành ủy Hà Nội lưu ý, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tiếp tục diễn biến phức tạp với số ca F0 phát sinh hằng ngày tăng cao, số ca ngoài cộng động chiếm tỷ lệ lớn. Vì vậy, phải xác định công tác phòng, chống dịch là nhiệm vụ chính trị ưu tiên hàng đầu trong những ngày tới để vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, trước hết là chuẩn bị theo phương châm "4 tại chỗ" sẵn sàng ứng phó ở mức cao hơn.

Ông Đinh Tiến Dũng yêu cầu các sở, ngành chức năng và các địa phương phối hợp rà soát vật tư y tế tiêu hao để tiến hành mua sắm vật tư tiêu hao, vật tư xét nghiệm tạo điều kiện cho y tế cơ sở chỉ tập trung thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn.

"Việc mua sắm vật tư y tế là cần thiết, cấp bách vì liên quan đến sức khỏe, tính mạng người dân; nhưng phải thực hiện đúng quy định pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch. Thành phố nghiêm cấm mọi hành vi tư lợi. Nếu phát hiện sẽ xử lý nghiêm theo quy định pháp luật" - ông Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Bí thư Hà Nội: "Sẽ xử lí nghiêm nếu có trục lợi mua sắm thiết bị y tế" - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại quận Đống Đa. Nguồn: Thành uỷ HN

Người đứng đầu Đảng bộ TP Hà Nội cũng biểu dương ngành Y tế đã ban hành quy trình, tập huấn và tổ chức tiêm vaccine tại nhà cho người dân khó khăn trong việc đi đến điểm tiêm góp phần giảm số lượng người nguy cơ cao chưa tiêm vaccine từ 23.000 xuống còn 15.000 người; hoan nghênh các doanh nghiệp hỗ trợ và Thành đoàn Hà Nội có sáng kiến lập trạm "ATM ôxy" miễn phí...

Tiếp tục kết luận tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo sát sao công tác quản lý lễ hội dịp Tết nguyên đán và đầu xuân mới phù hợp với tình hình dịch bệnh và bám sát chỉ đạo của Chính phủ; lấy mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn phòng, chống dịch và bảo vệ sức khỏe người dân.

Bên cạnh đó, việc phòng chống dịch là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị nên thành phố kiên trì phân cấp, giao quyền, kết hợp với tăng cường kiểm tra, giám sát và hỗ trợ để các địa phương phát huy cao nhất hiệu quả công tác phòng, chống dịch tại cơ sở; tiếp tục rà soát năng lực y tế cơ sở để bố trí các trạm y tế lưu động; tiếp tục huy động đội ngũ cán bộ y tế nghỉ hưu, y tế tư nhân, sinh viên y tế tham gia phòng, chống dịch; đẩy mạnh tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 3 cho người đủ điều kiện, tiêm mũi 2 cho trẻ từ 12-17 tuổi; tiêm vaccine cho người đủ điều kiện nhưng chưa tiêm...

Đặc biệt, các cơ quan liên quan cần kiến nghị với Chính phủ, Bộ Y tế hỗ trợ thành phố đủ cơ số thuốc để điều trị sớm các ca F0 nhằm hạn chế rủi ro và giảm số lượng bệnh nhân phải chuyển tầng điều trị.

Ngày 5/1, Hà Nội có 2.505 F0 mới, đánh dấu 4 ngày liên tiếp ghi nhận trên 2.000 ca bệnh. Hơn 2 tuần qua, số ca mắc tại thành phố này liên tiếp tăng cao.

Theo đánh giá cấp độ dịch mới nhất, Hà Nội vẫn ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình, màu vàng). Thành phố có 2 huyện ở cấp độ 1 (màu xanh); 18 quận, huyện, thị xã ở cấp độ 2 và 10 quận, huyện ở cấp độ 3 (nguy cơ cao, màu cam - tăng 2 khu vực so với cách đây một tuần).


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm