Âm thanh 'đỉnh' từ… nhạc số

16/09/2015 - 16:09
Các nhà sản xuất thiết bị Hitech vẫn kiên trì với con đường tạo ra những sản phẩm Hi-end từ nguồn nhạc số.
KẺ THÁCH THỨC DỄ THƯƠNG
Về lý thuyết, nhạc số với định dạng MP3 không đảm bảo độ trung thực của âm thanh, vì đã bị “cắt bớt” một số dải tần để làm nhẹ file dữ liệu. Vì vậy mà trong thời gian dài vừa qua, chỉ những người nghe nhạc “dễ tính” mới “chịu” nghe nhạc MP3 tải từ mạng. Ngay cả CD một thời được coi là “cuộc cách mạng về lưu trữ âm thanh” cũng chịu chung số phận, khi những người chơi Hi-end bài bác, cho rằng âm thanh CD nghe “chối tai” hơn so với nghe đĩa than hay băng từ.

 Dù bị bài bác nhưng số lượng người dùng các thiết bị nhạc số vẫn không ngừng gia tăng

Tuy vậy, số lượng người dùng và sẵn sàng sở hữu các thiết bị nhạc số vẫn không ngừng gia tăng. Trong khi đó, các nhà sản xuất cũng liên tục tung ra thị trường những thiết bị tương thích hoặc dành riêng cho iPod. Các phần mềm rip nhạc đẳng cấp xuất hiện liên tục và ngày càng hoàn hảo. Các mẫu music server nối nhau ra mắt thị trường, cùng với tốc độ gia tăng chóng mặt của các website bán nhạc lossless như hdtracks.com, itrax.com, burningshed.com, boomkat.com, Linn Record, Chesky và cả iTunes của Apple…
Theo nhiều chuyên gia âm thanh, nếu nhạc từ CD “truyền thống” chỉ có độ phân giải 16-bit/44,1KHz thì chất lượng âm thanh của những sản phẩm được cung cấp bởi các website nói trên có thể lên đến 24-bit/96KHz, thậm chí 24-bit/192KHz. Từ đó chuẩn âm thanh HDCD ra đời, như một sự thách đố đối với dòng âm thanh Analog.
Nhạc số đang dần trở thành trào lưu mới trong việc thưởng thức âm thanh. Trước hết, nhạc số có lợi thế hơn hẳn so với các dàn Analog ở tính tiện lợi, bao gồm thiết bị gọn nhẹ, tính cơ động cao, vận hành đơn giản, không phải quá cẩn thận trong việc lưu trữ tư liệu và nhất là vô cùng phong phú về nguồn tư liệu. Nếu như khi chơi đĩa than hay băng từ, việc mua được một đĩa nhạc hay một cuốn băng gốc có nội dung phù hợp với mong muốn là "một sự kiện trọng đại” và khá tốn kém, thì việc kiếm bất cứ bản nhạc nào trong kho tàng nhạc số lại là điều khá đơn giản. Vì thế mà ngay từ bây giờ, đã có người khẳng định nhạc số là tương lai của âm thanh, là một xu hướng phù hợp với công nghệ.
 Không chỉ cần giá rẻ
Một trong những rào cản khiến cho âm thanh dòng Analog hiện mới chỉ phổ biến trong giới “quý tộc” là do giá cả quá đắt. Một dàn máy bao gồm đầy đủ các thiết bị, chất lượng khá hiện có giá trung bình khoảng 500 triệu đồng. Trong khi đó, giá của các loại máy chủ âm nhạc (music server) cho âm thanh khá hay chỉ có giá khoảng trên dưới 1.000 USD (khoảng 21 triệu đồng).

 Những "tín đồ âm thanh" kỹ tính sẵn sàng chi những khoản tiền lớn để sở hữu những dàn máy chất lượng

Tuy vậy, chỉ với giá rẻ thì vẫn chưa đủ thuyết phục các “tín đồ âm thanh”. Một trong những hạn chế lớn nhất của music server là không thể nâng cấp. Nếu muốn có những music server cho âm thanh đẳng cấp như Olive O6HD, Sooloos, Cary MS-1, Sonore, Aurender cho phép kết nối với DAC rời (digital-analog convert: Thiết bị chuyển từ tín hiệu số sang tín hiệu analog) thì giá đắt gấp 5-7 lần.
Giới chơi âm thanh “bình dân” ở Việt Nam không thiên về giải pháp chơi music server, mà “chịu khó” chơi lossless (một loại định dạng nén từ âm thanh gốc của CD không làm mất nhiều chi tiết) từ máy tính. Đây vẫn là lựa chọn hàng đầu cả về chi phí lẫn chất lượng. Từ loại định dạng này, các nhà sản xuất đã cho ra đời nhiều sản phẩm giải nén lossless đẳng cấp, mà tiêu biểu nhất là Jplay - thiết bị được cho là sẽ “biến chiếc máy tính thành Hi-end transport”. Ít cầu kỳ hơn, cách chơi phổ thông nhất với nguồn phát máy tính hiện nay là dùng cardsound có cổng coaxial hoặc optical, kết nối với DAC ngoài đến bộ giàn truyền thống.

Âm thanh đỉnh từ nhạc số hiện là sự lựa chọn phù hợp với giới chơi âm thanh "bình dân"

Gần đây, giới nghe nhạc tìm ra hướng phát triển mới mẻ hơn, đó là lấy tín hiệu âm thanh từ cổng USB, kết nối trực tiếp với DAC hoặc chạy qua thiết bị được gọi là USB Converter. Trên thị trường có nhiều hãng sản xuất USB Converter nhưng phổ thông và quen thuộc nhất trong giới audiophile ở Việt Nam là M2Tech, Musical Fidelity, Konnekt… Cách kết nối thì qua USB Converter cho chất lượng âm thanh cao hơn, sạch sẽ, chi tiết và được kiểm soát tốt hơn. Giá USB Converter trên thị trường hiện khá đa dạng, nhưng chỉ cần khoảng 3 triệu đồng là có thể sắm được một thiết bị có chất lượng khá tốt như M2Tech Hiface hay Musical Fidelity V-Link. Về DAC, các sản phẩm trong khoảng 10 triệu đồng trở xuống. Như vậy, với tầm dưới 20 triệu đồng, bạn có thể sở hữu nguồn phát nhạc số cả phần cứng lẫn phần mềm khá tốt.
Sự bùng nổ của các nhà cung cấp nguồn âm thanh, các loại thiết bị, phần mềm… đã giúp cho chất lượng nhạc số được cải thiện đáng kể. Nhiều người lạc quan cho rằng, trong tương lai không xa, nhạc số sẽ có sức cạnh tranh mạnh mẽ với âm thanh Analog và trở thành một dòng Hi-end đúng nghĩa.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm