Bị trượt đốt sống mà cứ ngỡ đau lưng thông thường

14/03/2019 - 18:03
Bị đau lưng suốt 2 năm trời, nhưng người bệnh chủ quan tự mua thuốc uống qua loa. Đến khi triệu chứng ngày càng nặng, tê chân trái đến bệnh viện thăm khám thì được phát hiện bị trượt đốt sống, thoát vị đĩa đệm, chèn ép rễ thần kinh cần phải phẫu thuật.
Mới đây, Bệnh viện Quốc tế City (TPHCM) tiếp nhận bệnh nhân P.Đ.T (38 tuổi, ngụ ở Khánh Hòa) với triệu chứng đau lưng, tê yếu chân trái đã 4 tuần kèm theo hiện tượng rối loạn tiêu, tiểu. Qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị trượt đốt sống L4-5, thoát vị đĩa đệm chèn ép rễ thần kinh cần phải phẫu thuật tránh yếu liệt hai chân và có thể bí tiêu, tiểu.
 
Bệnh nhân cho biết, anh đã bị đau lưng 2 năm nay nhưng 6 tháng trở lại đây đau nhiều hơn kèm tê chân trái. Ban đầu, anh chủ quan tự mua uống thuốc về uống. Gần đây, khi thấy tiêu, tiểu khó, đau lưng nặng, tê chân trái, ảnh hưởng đến sinh hoạt nên đến bệnh viện thăm khám.
 
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ chỉ định phẫu thuật cho bệnh nhân bằng phương pháp giải ép các rễ thần kinh và lấy bỏ đĩa đệm thoát vị. Đồng thời hàn xương liên thân đốt, nâng chiều cao đĩa đệm L4-L5, cố định xương L4-L5 bằng vít chân cung và tái tạo dây chằng trên gai. Ca phẫu thuật thành công và bệnh nhân đã được xuất viện.
bs-si-va-bn.jpg
Sức khỏe bệnh nhân ổn định sau phẫu thuật và đã được xuất viện
TS.BS Võ Văn Sĩ , Khoa Ngoại Thần kinh - Cột sống, Bệnh viện Quốc tế City cho biết, trong giai đoạn đầu của bệnh lý trượt đốt sống, thường người bệnh chưa có triệu chứng hoặc chỉ có đau lưng thoáng qua. Về sau, độ trượt ngày càng gia tăng, đĩa đệm càng hư biến, mô xơ chỗ khuyết eo dày hơn sẽ chèn ép các rễ thần kinh đi ngang qua tầng này. Khi đó, bệnh nhân thấy đau nhiều, co cứng cơ ở thắt lưng, chân tê yếu, gây khó khăn trong sinh hoạt. Thời điểm này thường là bệnh đã trở nặng bắt buộc phải phẫu thuật.
 
Cũng theo bác sĩ Sĩ, thực tế có khá nhiều trường hợp đau thắt lưng, đau chân nhưng vì biểu hiện không liên tục, nên nhiều bệnh nhân lầm tưởng với đau lưng thông thường nên tự ý mua thuốc uống mà không đến khám chuyên khoa. Đến khi bệnh ngày càng nặng, đau nhiều mới đến khám thì hầu hết các trường hợp đều phải chỉ định phẫu thuật.
 
Đối với bệnh nhân đã được điều trị phẫu thuật trượt đốt sống, sau khi ra viện, cần kiểm tra định kỳ theo hẹn để đánh giá kết quả phục hồi chức năng cột sống và phát hiện sớm di lệch thứ phát có thể xảy ra. Ngoài ra, bệnh nhân cần phải có chế độ tập luyện hợp lý, lao động thích hợp để bảo tồn tối đa chức năng cột sống sau này.
 
 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm