Biến lớp học thành hội nghị quốc tế bàn về ‘mang thai tuổi vị thành niên’

23/09/2019 - 16:24
Không giống những tiết học truyền thống, buổi học ngoại khóa dưới dạng Hội nghị mô phỏng Liên hiệp quốc CVA MUN - Hội đồng UNICEF đã khiến cô - trò lớp 11 chuyên Anh, trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) vô cùng hào hứng.

Không có bảng đen, phấn trắng, buổi học hôm đó diễn ra ở một không gian rộng hơn với các dãy bàn được kê theo hình chữ U - đúng “chuẩn” của các hội nghị. 30 học sinh của lớp 11 chuyên Anh, trường THPT Chu Văn An bỗng chốc biến thành đại biểu đến từ nhiều quốc gia trên thế giới để cùng bàn luận về một vấn đề nóng toàn cầu “Giảm thiểu mang thai ở lứa tuổi vị thành niên”.

 

Thay vào tiết học truyền thống là buổi học ngoại khóa hấp dẫn của cô - trò lớp 11 chuyên Anh, trường THPT Chu Văn An được tổ chức dưới dạng Hội nghị mô phỏng Liên hiệp quốc CVA MUN - Hội đồng UNICEF bàn luận về vấn đề “Giảm thiểu mang thai ở lứa tuổi vị thành niên”

 

Mang thai ở lứa tuổi vị thành niên là một hiện trạng đáng quan ngại còn tồn tại ở hầu hết các quốc gia, đặc biệt là những nước nghèo với trình độ dân trí thấp. Hội nghị CVA MUN với nội dung chính “Reducing Teenage Pregnancy” (Giảm thiểu mang thai ở lứa tuổi vị thành niên) được tổ chức tạo cơ hội cho học sinh tìm hiểu về thực trạng của vấn đề, những nguyên nhân và ảnh hưởng của tình trạng mang thai vị thành niên cũng như những nỗ lực mà các quốc gia khác nhau trên thế giới bao gồm nước phát triển, đang phát triển và kém phát triển đã thực hiện nhằm giảm thiểu tình trạng này.

Do sự thiếu hụt về kinh tế, việc giáo dục về giới tính vẫn còn bị xem nhẹ, hay do đặc trưng về văn hoá, việc mang thai ở lứa tuổi vị thành niên vẫn diễn ra hàng ngày trên khắp thế giới và đem lại nhiều hậu họa khôn lường; không những ảnh hưởng trực tiếp tới người mẹ trẻ, những sinh mệnh nhỏ bé, gia đình, bạn bè xung quanh mà còn gián tiếp đem lại những khó khăn cho nền kinh tế và sự phát triển của mỗi quốc gia.

Ban Điều hành: Chủ tịch đoàn và Ban thư ký

 

Tại hội nghị, tất cả 30 em học sinh của lớp được thử sức với nhiều vai trò khác nhau, từ đại biểu đại diện cho các nước thành viên (Nhật Bản, Anh, Mỹ, Thuỵ Sĩ, Singapore, Uganda, Mozambique, Nigeria, Thái Lan và Việt Nam) đến Chủ tịch điều hành cuộc họp và Ban Thư ký với nhiệm vụ ghi chép lại toàn bộ tiến trình buổi họp.

Xuyên suốt khoảng thời gian diễn ra hội nghị, rất nhiều những “caucus” (cuộc họp kín) được đề xuất nhằm đào sâu hơn vào gốc rễ của vấn đề. Nội dung các “caucus” chủ yếu đi sâu vào thực trạng ở mỗi nước, nguyên nhân khiến mang thai ở trẻ vị thành niên trở thành vấn nạn.

Những nỗ lực trong quá khứ cũng được học sinh đề cập đến để từ đó tìm ra những thách thức các quốc gia đang phải đối mặt. Bằng sự chuẩn bị kỹ càng và thái độ chuyên nghiệp, đại diện các nước thành viên đã đem đến cho hội nghị nhiều góc nhìn mới về vấn đề rất nóng này.

Để chuẩn bị cho Hội nghị, mọi thành viên tham gia đều bỏ ra rất nhiều công sức cho việc tìm hiểu, khai thác thông tin về vấn đề được đặt ra, đặc biệt là quan điểm của đại biểu các nước về vấn đề này. Để hội nghị diễn ra chuyên nghiệp, giống “format” một hội nghị UN, các học sinh còn cùng nhau làm quen với văn phong, ngôn ngữ quốc tế (tiếng Anh) cũng như quy trình tổ chức chặt chẽ của hội nghị.

 

Đại biểu đến từ Mozambique

 

Đại biểu Nigeria (thứ 3 từ trái sang) phát biểu ý kiến

 

Đại diện của Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

 

Đại diện của Thụy Sỹ cũng nêu quan điểm trước Hội nghị về vấn đề rất nóng hiện nay

 

Kết thúc cuộc họp, hội nghị đã nhất trí cao thông qua bản Dự thảo Nghị Quyết DR (Draft Resolution) nêu lên hướng giải quyết đối với hiện trạng nêu trên, như: Hỗ trợ về kinh tế cho các nước nghèo (Nigeria, Mozambique, Uganda) hay cung cấp đầy đủ những kiến thức giáo dục giới tính, các công cụ tránh thai tới mọi công dân, đặc biệt là vị thành niên, hỗ trợ việc làm cho các bố mẹ trẻ...

 

Học sinh vô cùng hào hứng với buổi học khác hẳn phong cách thường ngày

 

Được biết, năm học trước, những học sinh này cũng từng được tham gia một buổi học ngoại khóa tương tự dưới dạng Hội nghị mô phỏng ASEAN. Hội nghị mô phỏng Liên hiệp quốc CVA MUN lần này cho thấy, những tiết học “mở” với phương pháp học tập mới đã giúp học sinh cảm thấy hứng thú hơn trong học tập. Bên cạnh đó, còn mang lại cho học trò rất nhiều điều bổ ích không hề có trong sách vở: Rèn luyện sự tự tin trong việc sử dụng ngôn ngữ, nâng cao tinh thần làm việc nhóm và thu nạp thêm nhiều kiến thức xã hội…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm