Tin tổng hợp

Biến rác thành tiền, giúp chị em thoát nghèo

14/10/2019 - 06:38 PM
Vượt qua nhiều biến cố trong cuộc sống, quyết tâm làm việc, sáng tạo với niềm tin sẽ làm được điều gì đó cho đời, chị Trịnh Thị Hồng (Đà Nẵng) đã sáng chế ra quy trình biến rác thải hữu cơ trong nhà thành chế phẩm sinh học giúp chị em thoát nghèo. Chị Hồng là 1 trong 10 gương mặt tiêu biểu được nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2019.
Cô bé mồ côi thắp lửa đam mê 
 
Sinh năm 1965, Trịnh Thị Hồng mồ côi cha từ trong bụng mẹ. Một tháng sau, mẹ cũng qua đời. Hồng là con út trong gia đình có 5 chị em, tất cả anh chị em phải tự bươn chải nuôi nhau trong vòng tay yêu thương của bà con lối xóm và sự giúp đỡ của những nhà hảo tâm.
 
Khó khăn vất vả nhưng Hồng vẫn rất chăm học. Tuy nhiên, chưa kịp hoàn thành chương trình học lớp 5, ngôi trường dành cho trẻ mồ côi mà cô bé đang theo học bị đóng cửa.
 
Nghỉ học, Hồng phải làm nhiều nghề kiếm sống, từ công nhân ở xưởng may, cho tới nông dân trên đồng ruộng... nhưng chị luôn nung nấu ước mơ khởi nghiệp, làm giàu để có ngày đền ơn, giúp đỡ những người đã cưu mang mình.
 
Nghị lực là thế nhưng số phận lại như trêu ngươi người con gái đầy nhiệt huyết. Khi ước mơ khởi nghiệp còn dang dở thì chị biết tin mình mắc bệnh ung thư. Khó khăn chồng chất, chị vẫn gắng gượng tham gia lao động với một niềm tin sẽ làm được điều gì đó cho đời.
 
Chị Hồng nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm tiêu dùng từ thiên nhiên, sử dụng 100% rau, củ, quả, lá cây, dược liệu

 

Chị Hồng nhớ lại: Chị nung nấu ý định biến rác thành sản phẩm có ích bắt đầu từ năm 2011. Khi đó, chị làm Trưởng ban Công tác Mặt trận khu dân cư Hòa Phú 5, phường Hòa Minh, TP Đà Nẵng. Một lần, xe chở rác của Công ty Môi trường bị sự cố 4 ngày liền, rác ở khu phố tồn đọng, bốc mùi hôi thối. Chị suy nghĩ làm sao sáng chế sản phẩm sinh học thân thiện với môi trường từ các loại rác hữu cơ như rau, hoa, vỏ quả, cơm nguội,… cùng với một số thảo dược khác để sản xuất ra các dòng sản phẩm như nước rửa chén, nước giặt, dầu gội đầu, sữa tắm, nước lau nhà…
 
Thử nghiệm, thất bại, rồi lại thử nghiệm và lại thất bại. Cứ như vậy hàng trăm lần, nhưng chị Hồng không hề bỏ cuộc. Chính thời điểm đang vùi đầu vào các thử nghiệm cũng là lúc người phụ nữ có vóc dáng nhỏ nhắn này phát hiện bị ung thư vú.
 
"Lúc đầu sốc lắm, nhưng nghĩ đến những công việc, ước mơ còn dang dở, mình tuân thủ phác đồ, xạ trị đều 2 năm, mỗi năm 4 lần. Vừa chiến đấu với bệnh tật, vừa tìm cách chinh phục các thử thách trong công việc mình đã đặt ra, cuối cùng, mình đã thành công", chị Hồng chia sẻ.
 
Bằng lòng kiên trì, sau 5 năm mày mò nghiên cứu, chị đã thành công với quy trình ủ rác thải thực vật, biến những thứ phế thải thành sản phẩm nước rửa chén, lau nhà sinh học. Minh Hồng Biotech ra đời vào năm 2015, nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm tiêu dùng từ thiên nhiên, sử dụng 100% rau, củ, quả, lá cây, dược liệu…
 
Bằng công nghệ sinh học tiên tiến nhất, chị đã sản xuất thành công các mặt hàng tiêu dùng không hóa chất. Sản phẩm có ưu điểm: có thể tẩy rửa sạch vết bẩn mà không cần dùng tới hóa chất và giá rẻ gấp 1,5-9,5 lần so với các chế phẩm cùng loại trên thị trường đã tạo được tiếng vang tại Việt Nam cũng như quốc tế.
 
 
Các sản phẩm sinh học của chị Hồng được giới thiệu tại nhiều triển lãm trong và ngoài nước

 

Đến nay, sản phẩm của chị ngày càng đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng nhiều của người dân trong thành phố và 63 tỉnh/thành trên cả nước; được Cục Sở Trí tuệ Việt Nam cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hoá năm 2015; được Cục Sở Trí tuệ Việt Nam cấp Chứng nhận nhãn hiệu hàng năm 2018. Ngoài ra, chị cũng được mời tham dự các diễn đàn, hội thảo trong và ngoài nước như: Diễn đàn khoa học và công nghệ do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức, Hội nghị Kết nối cung cầu do Bộ Công Thương và UBND thành phố tổ chức, tham gia Hội chợ Thiết bị Công nghệ Techmart tại Hà Nội, tham dự Triển lãm Quốc tế Techdomo 2018. Hội nghị sáng kiến phát triển cộng đồng tại Philippin, Nepan, Thái Lan...
 
Đặc biệt, sản phẩm đã tham gia cuộc thi sáng tạo do HATCH FAIR tổ chức năm 2016,  dự án chế phẩm sinh học đa dụng là đội duy nhất được lựa chọn để tham gia cuộc thi Thế giới tại Phần Lan năm 2016. 
 
Năm 2019, chị tham gia cuộc thi Ý tưởng Sáng tạo - Công nghệ thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển công bằng cho phụ nữ nông thôn (gọi tắt là Tech4Equality) tại Hà Nội đạt giải 3. Đặc biệt, chị đã được Vườn ươm doanh nghiệp thành phố Đà Nẵng đào tạo và hướng dẫn thành lập doanh nghiệp, qua đó quản lý tốt chất lượng sản phẩm, giải quyết việc làm cho người nghèo tại địa phương.
 
Đóng góp vì sự tiến bộ của phụ nữ
 
Hiện nay công ty của chị Hồng đã giải quyết việc làm bán thời gian 132 hộ nghèo tại nhà với thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng; thu gom, xử lý 94.000kg rác hữu cơ tại cộng đồng/tháng và sản xuất được 59.200 lít sản phẩm các loại.
 
Không giấu nghề, chị Trịnh Thị Hồng còn chia sẻ công thức, chuyển công nghệ cho 32 hộ gia đình, chủ yếu là hộ phụ nữ nghèo tham gia các quá trình xử lý, chế biến sản phẩm trực tiếp tại các hộ, sau khi đã ra thành phẩm sẽ chuyển về cơ sở của chị Hồng để chế biến thành sản phẩm đưa ra thị trường. Từ đó, chị đã tạo điều kiện tăng thu nhập ổn định cho các hộ phụ nữ nghèo từ 4-8 triệu đồng/tháng/hộ, giải quyết việc làm đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường.
 
 
Chị Hồng hướng dẫn quy trình làm sản phẩm sinh học từ rác hữu cơ cho chị em phụ nữ các địa phương

 

Tích cực tham gia hoạt động cộng đồng, chị Hồng đã sáng kiến ra nhiều mô hình để giúp cộng đồng dân cư phát triển theo hướng tích cực. Tiểu biểu như mô hình “Tổ góp vốn tình thương” đã giải quyết cho 220 hộ lượt gia đình vay vốn, số tiền xoay vòng hiện này là hơn 1,6 tỷ đồng; mô hình “Tổ tiết kiệm 2T” (tiết kiệm, tận dụng) đã gây quỹ hơn 216 triệu đồng với 618 thành viên tham gia đã thường xuyên hỗ trợ bảo hiểm y tế, quà, phương tiện sinh kế cho các hộ nghèo; các mô hình “Đội thiếu niên tiền phong  bảo vệ môi trường”, “Con ngoan, trò giỏi”, “Tuyên truyền - tìm hiểu Pháp luật” giúp nâng cao nhận thức và hiệu quả giáo dục, tuyên truyền vận động các hộ tại địa phương xây dựng đời sống văn hóa văn minh đô thị. 
 
Trong công tác Hội, chị Hồng đã tham gia tích cực các hoạt động của Hội Phụ nữ các cấp; tham gia các diễn đàn, ngày hội trưng bày sản phẩm do Hội LHPN các cấp tổ chức; tích cực tham gia Ngày hội “Phụ nữ khởi nghiệp” do TW Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN thành phố tổ chức; tham gia các Hội thi của cấp Trung ương và được hỗ trợ 3.000 USD để mở rộng kinh doanh; tham gia các diễn đàn trong và người nước… được Hội Phụ nữ các cấp tặng Bằng khen, Giấy khen.
 
Chị Trịnh Thị Hồng hiện là Phó Chủ tịch Hội Từ thiện và bảo vệ quyền trẻ em quận Liên Chiểu và là Giám đốc công ty cổ phần Công nghệ sinh học Minh Hồng, Phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng.
 
Với những đóng góp thiết thực, hiệu quả cho cộng đồng, đặc biệt các hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ, chị Trịnh Thị Hồng vinh dự là 1 trong 10 cá nhân tiêu biểu được TW Hội LHPN Việt Nam trao giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2019.  

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn