Biết chị gái trộm tiền, góp ý thế nào để không mất thể diện

06/02/2018 - 20:10
Cháu đã suy nghĩ rất nhiều về phương cách nói chuyện hoặc xây dựng một tình huống hoặc một cách nào đó khác để chị cháu tự biết mình đã làm sai và sửa đổi nhưng phải làm sao để chị cháu dừng việc ấy lại mà không làm mất thể diện của chị...
Cháu chào cô Thanh Tâm!

Cháu 26 tuổi, đang sống tại Gia Lai. Chị cháu 28 tuổi, đã có 1 con trai 4 tuổi, chồng thường xuyên bài bạc, kinh tế gia đình khó khăn.

Chị làm ruộng, trồng rau màu. Trong quá trình làm vườn, chị cháu thường xuyên đổi công cho một người chị họ tên Linh (gọi mẹ cháu bằng dì ruột). Nhà chị Linh mở cửa hàng tạp hóa nên khá bận rộn, trong khi đổi công làm vườn, thỉnh thoảng không có người bán hàng quán, chị Linh lại nhờ chị cháu bán giúp hàng.
Cháu đã suy nghĩ rất nhiều về phương cách nói chuyện hoặc xây dựng một tình huống hoặc một cách nào đó khác để chị cháu tự biết mình đã làm sai và sửa đổi. Ảnh minh họa: Internet

Gần đây, chị Linh có tâm sự với cháu rằng, chị ấy đôi ba lần thấy chị cháu lấy của chị ấy vài ba chục ngàn đồng sau mỗi lần bán hàng giúp, có lần chị cháu làm việc ấy khi có mặt con trai của chị ấy. Chị Linh vốn rất thương chị cháu vì chị ấy hiền lành, chịu khó.

Chị Linh còn nói với cháu, dạo gần đây chồng chị gái cháu đánh bài mất mấy chục triệu, làm ăn được đồng nào hai vợ chồng góp vào trả nợ nên khó khăn rồi nảy sinh việc lấy tiền ở hàng quán của chị. Chị Linh nói cháu lựa lời nhắc nhở chị cháu để chị ấy tự biết mình sai và sửa đổi. Chị ấy không tiếc vài ba chục ngàn đồng hay giận chị gái cháu mà muốn chị gái cháu tự sửa đổi để hoàn thiện mình.

Cháu đã suy nghĩ rất nhiều về phương cách nói chuyện hoặc xây dựng một tình huống hoặc một cách nào đó khác để chị cháu tự biết mình đã làm sai và sửa đổi nhưng phải làm sao để chị cháu dừng việc ấy lại mà không làm mất thể diện của chị. Cháu nhờ cô tư vấn giúp cháu một cách sao cho chị cháu không biết rằng chị Linh và cháu đã biết việc làm không tốt của chị.

Cháu có nghĩ đến cách này, cô xem giúp cháu có hợp lý không ạ: Cháu căn cứ vào tình huống chị cháu làm việc xấu khi có con trai 4 tuổi ở đó, cháu sẽ nói xạo chị ấy là thằng Cún kể với em là có lần thấy chị lấy tiền trong tủ nhà bác Linh nên em hỏi lại chị xem thế nào, đừng làm gì để trẻ con nó thấy nó nói linh tinh gây mất đoàn kết anh chị em, rồi nó học thói hư tật xấu.

Nhưng cháu thấy cách này cũng chưa hay lắm vì có liên quan đến cháu nhỏ của cháu còn ngây thơ chưa biết gì, lỡ chị gái cháu hỏi lại thằng bé là con thấy mẹ lấy tiền trong tủ nhà bác Linh lúc nào mà nói với dì. Nếu nó không nhìn thấy mà hỏi nó câu đó thì cũng không hay mà nó có nhìn thấy lại càng không hay cô ạ.

                                                                                                              Thu Hạnh (Gia Lai)

Thu Hạnh thân mến!

Chị em gái với nhau cô tin là cháu hiểu tính cách của chị mình. Từ xưa đến nay, chị ấy từng có lòng riêng không? Có tham đồ của người khác không? Với tính cách như vậy thì khi gặp khó khăn, liệu chị ấy có vì túng thiếu làm liều không? Từ đó cháu hãy cân nhắc và tìm hiểu xem điều chị Linh nói có chính xác không.

Qua những gì cháu kể, chị em cháu và Linh khá thân mật. Trong tình huống chị cháu thực sự có bớt tiền khi bán hàng thật, thì việc chị Linh không làm ầm ĩ mà thông qua cháu để nhắn lời đến chị gái cũng chứng tỏ thiện chí của chị ấy, muốn giúp đỡ và để mọi chuyện êm đẹp.

Như vậy càng cần tìm hiểu những nguyên nhân khiến cho chị mình làm việc đó. Do lòng tham, quen tay hay do chị ấy quá khó khăn và bế tắc trong cuộc sống của mình.

Khi bắt đầu bằng sự cảm thông chân thành, sự giúp đỡ thật tâm thì không lo làm người kia tổn thương, xấu hổ. Ba chị em có thể đi café tâm sự.

Cô tin rằng tình huống khó xử này sẽ được tháo gỡ bằng cách giản dị nhất.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm