Biết ơn đời vì đã có âm nhạc

Tản mạn của Thanh Anh
05/12/2021 - 13:46
Biết ơn đời vì đã có âm nhạc

Nhạc sĩ Leonard Cohen thời trẻ

Leonard Cohen, người đàn ông của tôi, của riêng tôi, dù ông là người của vạn người từng biết đến những bài hát nhạc tình đê mê mãnh liệt của ông, đã từng biết đến những bài thơ của ông, từng đắm đuối với chất giọng khàn đục của ông thì ông vẫn là của riêng tôi...

Leonard Cohen, người đã theo tôi trên mọi chuyến tàu, mọi chuyến xe, trên mọi nẻo đường, một mình, nhưng chưa từng cô đơn, vì tôi mang theo bên mình âm nhạc của ông, giọng hát khàn đục vừa gợi cảm, vừa bí ẩn của ông.

Ông đã viết những dòng này cho Suzanne, người tình của ông, nàng thơ của ông, vậy mà tôi cứ ngỡ ông viết cho mình: "Anh muốn cùng em đi rong chơi/ Cùng nhau lên đường, ôi cuộc đi mù quáng".

Vào một đêm mùa thu năm 2015, tôi nằm trong rừng, dưới lưng đá buốt lạnh, tôi đã nghe đi nghe lại bản "Halelujah" của ông. Cảm thấy như chỉ còn âm nhạc vọng lại từ trong rừng sâu. Tôi nhớ mười mấy năm trước khi nghe bản nhạc này đầu tiên, tôi còn nghĩ đó là một khúc nguyện cầu của tôn giáo. Sau này, khi bước vào thế giới âm nhạc của Cohen, tôi mới dần hiểu rằng, âm nhạc là âm nhạc thôi, chúng ta vốn không cần nỗ lực phân tích để làm gì. Hãy cứ đắm chìm vào âm nhạc như đắm chìm vào câu chuyện tình của mình, để hạnh phúc để khổ đau, để trải qua đủ mọi cảm xúc của đời sống, để biết rằng mình đang sống, thế thôi.

Tôi luôn tưởng tượng ra cảnh Cohen, ngồi bên dòng sông, tay cầm cây bút, viết lên cuốn sổ, những dòng chữ vội vã, rồi rót vào đó thứ âm nhạc huyền bí mà chúng ta có nghe hàng vạn lần cũng chẳng thể hiểu được. Chỉ có âm nhạc xâm chiếm tâm trí mà thôi. Âm nhạc không cần thuyết minh.

"Đừng lo, chúng ta xấu xí thật đấy, nhưng chúng ta còn có âm nhạc", Cohen từng nói như vậy. Cũng vì có lời Cohen đã nói mà tôi yên tâm thật, đi lòng vòng thế nào, vẫn có âm nhạc, giống như tôi luôn giữ trong máy nghe nhạc một số bài hát. List bài hát của tôi không mấy khi thay đổi. Tôi vốn là đứa lười nghe bài hát mới, toàn nghe đi nghe lại những người đã cũ kỹ từ mấy mùa, nghe đi nghe lại, vì thích thôi. Hỏi tôi ý nghĩa, có khi tôi cũng không biết phải trả lời ra sao. Nếu bắt buộc phải giải thích, thì có lẽ bởi vì những bài hát cũ giống như người bạn cũ, càng nghe càng đượm, càng chia sẻ càng thấy yên tâm, càng yên tâm càng thấy an ủi. Cứ như thế, tôi tạo nên dòng chảy âm nhạc của riêng mình, hạnh phúc trong bầu không khí của riêng mình.

Biết ơn đời vì đã có âm nhạc - Ảnh 1.

Nhạc sĩ Leonard Cohen khi về già

Bởi vì đã say đắm âm nhạc, một đứa vụng về chẳng chút hoa tay nào như tôi đã dành thời gian đi tập violin mỗi tuần. Tôi chưa từng nghĩ có thể chơi giỏi, nhưng khi chạm cây đàn, khi tự mình kéo từng nốt "thô", tôi run rẩy vì cảm thấy, đến một lúc tôi có thể chơi một bản nhạc. Và như thế, có lẽ phần nào, tôi có thể đến gần hơn với âm nhạc mà tôi tha thiết, bằng cách ấy.

Cũng giống như xem phim, tôi chỉ thích âm nhạc một mình, tức là mở máy nghe nhạc, hoặc laptop và cắm headphone, cứ thế để mình trôi trong những miền lưu lạc, giữa những điều tưởng lạ mà thực rất thân quen. Tôi hiếm khi đến những sân khấu lớn, nhưng dĩ nhiên cũng có đôi ba lần, như một đêm thu heo may, tôi có một cuộc gặp gỡ và rồi có cơ hội được đến buổi trình diễn bản Sonata số 9 của Beethoven. Bản nhạc buồn bã nhất trần gian mà tôi từng cảm thấy.

Khi ngồi trong một sân khấu lớn để thưởng thức âm nhạc, những hình ảnh gắn liền với thanh âm trở nên sống động vô cùng. Cảm xúc đi đến độ thăng hoa tột cùng, có khi chỉ biết bật khóc, vì âm nhạc đã chạm vào nơi sâu thẳm của tâm hồn mình. Chỉ biết bật khóc mà không thể cất lời. Khi ấy ngôn ngữ thật bất lực.

Tôi luôn nhớ những khoảnh khắc đặc biệt của âm nhạc gắn liền với đoạn đường đã sống của mình. Tôi luôn biết ơn vì cuộc đời có âm nhạc. Tôi luôn biết ơn vì khi buồn quá, khi vui quá tôi đều có thể ngồi xuống, bật một bản nhạc, và dịu dàng với bản thân mình. Tôi luôn biết ơn bởi dù cuộc đời chấp chới đầy âu lo, dù cuộc đời vội vã đầy nỗi chia lìa, thì âm nhạc vẫn ở đây, đẹp đẽ rạng ngời, với những vọng âm không bao giờ ngừng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm