Chị Hồ Thị Lai (bên phải) thăm hỏi chị Nguyễn Thị Thanh Thuỷ, người được Hội LHPN xã hỗ trợ phương tiện sinh kế để vươn lên thoát nghèo |
Từ thực tiễn công tác, chúng tôi nhận ra rằng, muốn sâu sát với hội viên, trước hết phải biết mặt các chị em. Thứ nhất là để gần gũi họ, thứ hai là có biết mặt thì mới tiếp cận được chị em, biết hoàn cảnh, biết nhu cầu của họ. Khi đã xác định được “3 biết” là: Biết mặt, biết hoàn cảnh, biết nhu cầu, câu hỏi đặt ra với chúng tôi là: Biết rồi thì làm gì? Trong khả năng của mình, nếu chọn hỗ trợ tiền hay vật chất là khó thực hiện vì nguồn lực ít. Suy đi, tính lại, chúng tôi thấy hỗ trợ kiến thức và hỗ trợ sinh kế là thiết thực nhất.
Tháng 3 năm đó, chúng tôi triển khai mô hình “3 biết, 2 hỗ trợ”. Khi tổ chức họp Ban Chấp hành Hội LHPN xã để triển khai, không ít cán bộ chi hội cho rằng, việc biết mặt hơn 3.000 hội viên trên địa bàn trải rộng 12 thôn là điều khó thực hiện. Lâu nay, việc đến nhà hội viên họ vẫn làm. Trước những ý kiến đó, chúng tôi đã phải giải thích để các chị nhận thức đầy đủ hơn mục đích của mô hình cũng như cách thức đến nhà hội viên thế nào để nắm bắt hoàn cảnh, nhu cầu của chị em một cách hiệu quả nhất.
Thời gian đầu triển khai mô hình này rất khó khăn. Địa bàn xã rộng, muốn đến nhà chị em chúng tôi thường phải đi vào buổi tối. Dù đoạn đường không xa nhưng lúc đó điều kiện hạ tầng chưa được tốt như bây giờ, đường không có đèn điện, lại vắng bóng người. Tôi nhớ lúc đó con tôi chưa tròn 1 tuổi nhưng vì công việc, tôi cứ gồng mình mà đi, nhiều lúc là nhờ chồng đưa đến nhà hội viên. Mình đến với chị em không phải một lần là họ đã tin tưởng để chia sẻ với mình mà phải đi nhiều lần. Tôi nhớ có một chị hội viên do bận rộn việc buôn bán ngoài chợ nên rất ít tham gia công tác Hội. Sau khi tôi cùng Chi hội trưởng qua thăm hỏi thường xuyên, lúc chị gặp khó khăn mình hỗ trợ kịp thời, dần dần chị thay đổi cách nghĩ và nhiệt tình hơn với hoạt động Hội.
Đến nay, cán bộ Hội LHPN xã, các chi hội trưởng đều biết mặt từng hội viên trong Chi hội của mình, tới nhà ai cũng biết, biết tận ngõ, gõ tận nhà. Từ mô hình này chúng tôi nắm bắt nhu cầu của chị em chặt chẽ hơn. Nhờ đó, tỷ lệ thu hút hội viên hằng năm đều tăng 2%. Mỗi khi giúp được chị em nào, tôi đều thấy rất vui. Suy cho cùng, mục đích, đối tượng của mô hình đều hướng tới hội viên, mang lại sự quan tâm, hỗ trợ thiết thực cho chị em.