Biểu hiện dọa sảy thai, hóa ra là chửa trứng

13/03/2019 - 07:05
Đến tuần thứ 9 của thai kỳ bị ra máu âm đạo, chị Thanh Lan (41 tuổi) tưởng bị dọa sảy thai. Đi khám, bác sĩ phát hiện chị chửa trứng và phải chỉ định nạo hút thai.
Chửa trứng là tình trạng thai nghén bất thường, đa số là lành tính nhưng nếu không theo dõi và điều trị đúng thì những hệ luỵ là khó lường. Khoảng 10 - 30% các ca chửa trứng có thể gây biến chứng nguy hiểm.
 
chua-trung_1600x1200.jpg
Nếu không được phát hiện và điều trị sớm chửa trứng thì sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho mẹ bầu như mất máu, suy dinh dưỡng, băng huyết hoặc do thai ăn sâu vào tử cung gây chảy máu dữ dội trong ổ bụng

 

Chị Thanh Lan (ở Yên Bái) năm nay 41 tuổi, có hai con. Mặc dù không định sinh con thứ 3 nhưng do chồng chị ngại dùng bao cao su nên chị bị “lỡ” có thai. Khi phát hiện mang thai, chị Lan rất bối rối nhưng vẫn quyết định sinh thêm lần nữa. Tuy nhiên lần mang thai thứ 3 này chị bị nghén bất thường, hầu như không ăn uống được gì nên giảm cân thấy rõ.Đến tuần thứ 9 của thai kỳ chị bị ra máu âm đạo. Nghi bị dọa sảy thai chị Lan đã đến ngay bệnh viện để khám. Tại đây bác sỹ cho chị biết, chị bị chửa trứng và chỉ định phải nạo hút thai trước khi có những biến chứng nguy hiểm. 
 
12.jpg
Khoảng 10 - 30% các ca chửa trứng có thể gây biến chứng nguy hiểm

 

“Tôi chỉ biết thế nào là dọa sảy thai, sảy thai hoặc chửa ngoài tử cung, thai lưu… chứ chửa trứng thì chưa bao giờ nghe thấy cho nên rất hoảng”, chị Thanh Lan chia sẻ.
 
Bác sĩ Ngô Văn Anh – Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cho biết, chửa trứng là tình trạng bệnh lý của rau thai. Trong đó một phần hay toàn bộ bánh rau bị thoái hóa thành những túi dịch to, nhỏ, dính vào nhau thành chùm giống như chùm nho chiếm toàn bộ diện tích tử cung ấn át sự phát triển của bào thai.
 
Như vậy, chửa trứng là biểu hiện bệnh lý xuất hiện ở người phụ nữ có thai vì một lý do nào đó mà một phần hay toàn bộ bánh rau bị thoái hóa dẫn đến chửa trứng. Có chửa trứng lành tính và chửa trứng ác tính, đối với chửa trứng ác tính còn gọi là ung thư nguyên bào nuôi.
 
Về nguyên nhân cho đến nay y học vẫn chưa tìm ra được chính xác nguyên nhân gây chửa trứng mà chỉ mới đưa ra được một vài yếu tố ảnh hưởng như: Sai sót của yếu tố di truyền trong quá trình thụ tinh đã dẫn đến những bất thường ở bộ nhiễm sắc thể, hay gặp ở phụ nữ trên 40 tuổi hoặc dưới 20 tuổi; những người đã sinh đẻ nhiều lần, hoặc có tiền sử thai nghén lần đầu không bình thường, hoặc đã có những bất thường ở tử cung. Chửa trứng cũng xuất hiện ở phụ nữ thiếu dinh dưỡng, chế độ dinh dưỡng không đầy đủ, thiếu các chất dinh dưỡng như đạm, acid folic vitamin A... do vậy người ta thấy tỉ lệ mắc ở các nước đang phát triển cao hơn các nước phát triển.
 
Khi bị chửa trứng sẽ xuất hiện các biểu hiện sau: Thai phụ chậm kinh biểu hiện của có thai; thai phụ bị rong huyết, đây là triệu chứng quan trọng đầu tiên, chiếm trên 90% trường hợp chửa trứng; ra máu ở âm đạo tự nhiên có màu sẫm đen hoặc đỏ loãng, ra máu kéo dài; xuất hiện nghén nặng, kém ăn, đau đầu, nôn nhiều, bụng to nhanh và có thể không thấy biểu hiện tim thai.
 
Theo bác sỹ Vân Anh, đi kèm các dấu hiệu trên, thai phụ thường cảm thấy toàn thân mệt mỏi, có biểu hiện thiếu máu hoặc nhiễm độc thai nghén. Đôi khi có biểu hiện vàng da, nước tiểu vàng. Khi thăm khám sẽ thấy tử cung mềm, kích thước tử cung lớn hơn tuổi thai (trừ trường hợp chửa trứng thoái triển); không nghe được tim thai; nang hoàng tuyến xuất hiện trong 25-50%, thường gặp cả 2 bên. Khám âm đạo có thể thấy nhân di căn âm đạo, to bằng đầu ngón tay, màu tím sẫm, thường ở thành trước, dễ vỡ gây chảy máu, có thể có dấu hiệu tiền sản giật.
 
Khi siêu âm sẽ thấy hình ảnh tuyết rơi hoặc lỗ chỗ như tổ ong, có thể thấy nang hoàng tuyến hai bên, không thấy phôi thai (chửa trứng toàn phần). Trong chửa trứng bán phần thì khó phân biệt hơn với thai lưu, có thể thấy một phần bánh rau bất thường. Khi xét nghiệm định lượng Beta-hCG tăng cao trên 100.000 mUI/ml.
 
Điều trị chửa trứng tùy mức độ nặng hay nhẹ khác nhau mà có hướng xử trí cụ thể, đầu tiên đó là nạo hút thai trứng. Khi đã chẩn đoán xác định tiến hành nong nạo hoặc hút trứng càng sớm càng tốt sau đó lấy tổ chức làm giải phẫu bệnh để xác định lành tính hay ác tính. Nếu nặng hơn phải cắt tử cung, cắt tử cung toàn phần cả khối hoặc cắt tử cung toàn phần sau nạo hút trứng thường được áp dụng ở các phụ nữ không muốn có con nữa hoặc trên 40 tuổi và trường hợp chửa trứng xâm lấn làm thủng tử cung.
 
Sau khi điều trị phải theo dõi định lượng beta Hcg nếu beta Hcg giảm dần và hết thì chứng tỏ đã khỏi bệnh. Nếu chỉ số này không giảm hoặc vẫn tăng thì cần nhập viện khám kiểm tra lại. Theo dõi trong vòng 2 năm, trong thời kỳ này người phụ nữ không nên có thai, nếu có quan hệ tình dục thì phải áp dụng biện pháp tránh thai.
 
Để đề phòng chửa trứng đối với phụ nữ trước khi có thai cần khám sức khỏe sinh sản và nên khám cả hai vợ chồng, có chế độ dinh dưỡng và làm việc hợp lý, nên bổ sung sớm vitamin và khoáng chất trước khi có thai 3 tháng cho đến khi sau sinh.
 
“Cần đi khám thai ngay từ khi có biểu hiện chậm kinh bao gồm khám sức khỏe toàn thân, khám sản khoa, khám thai, siêu âm, xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, siêu âm để có đánh giá toàn diện về toàn trạng người mẹ cũng như của thai và phần phụ của thai”, bác sỹ khuyến cáo.
 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm