Ép con học quá sức khiến con luôn mệt mỏi (Ảnh minh họa)
Mong muốn không bà mẹ nào phạm phải sai lầm giống mình, người phụ nữ ấy đã tìm tới Thanh Tâm chia sẻ và hi vọng Thanh Tâm có thể mang câu chuyện của mình đến với đông đảo bạn đọc. Với giọng nói ấm áp, nhẹ nhàng, ít ai nghĩ rằng chị đã ngoại tứ tuần, là mẹ của hai cậu con trai đáng yêu. Chị kể, trước đây vì bận rộn với công việc nên chị không có nhiều thời gian chăm sóc, rèn luyện con cái. Bé út suốt ngày theo chân anh trai đi chơi, “được” các anh dạy cho nhiều trò nghịch ngợm, trong đó có cả nói tục, chửi bậy, ghẹo gái,… Dù vậy nhưng chị không hề biết, mãi cho đến khi mấy bác hàng xóm kéo vào góp ý thì chị mới giật mình. Từ đó chị bắt đầu ép con vào khuôn khổ. Chị cấm các con đi chơi. Nếu con nghịch ngợm, chửi bậy, nhẹ thì bị chị mắng cho thậm tệ, còn nặng thì bị đánh một trận nên thân, phạt không cho ăn cơm. Phương pháp ấy đã nhanh chóng mang lại kết quả như chị mong muốn. Chị cứ dạy con theo cách của mình cho đến khi cậu cả đi học trung cấp, cậu út vào cấp một. Vì rất kỳ vọng vào bé út nên chị không tiếc tiền đầu tư cho con. Học chính, học thêm về lại phải học bài ở nhà. Mặc kệ nhiều người góp ý nên để cho bé có thời gian chơi đùa cùng các bạn, chị vẫn bắt bé phải học bài.
Năm nay cậu út nhà chị lên lớp 6. Để con có được kết quả thật cao trong đợt thi khảo sát chất lượng đầu năm và đủ điểm vào lớp chọn, chị tìm mọi cách “nhồi nhét” kiến thức vào đầu con. Dù là nghỉ hè nhưng cậu bé không hề được nghỉ. Ngày nào cũng đi học thêm không toán thì văn, không văn thì tiếng Anh. Ngoài giờ học thêm, bé còn phải học ở nhà. Bé chỉ được đi ngủ khi đồng hồ đã điểm 11 giờ khuya. Không tivi, không truyện tranh, không chạy nhảy cùng các bạn. Ngày thi càng đến gần thì áp lực càng lớn. Chị tranh thủ từng giờ từng phút để ôn luyện cho con. Thậm chí buổi tối trước ngày thi bé vẫn phải ôn bài đến 11 giờ, và chỉ mới 5 giờ sáng đã bị mẹ gọi dậy đọc bài lần cuối. Với phương châm “vào được tí nào hay tí ấy”, chị phớt lờ vẻ mệt mỏi của con trai. Ngay cả khi trưa về, bé mệt quá, ăn vào là nôn ra hết mà chị vẫn không chịu buông tha, vẫn bắt con đọc bài chuẩn bị cho môn thi buổi chiều.
Trong thời gian chờ điểm bé được mẹ cho học tiếng Anh cả ngày lẫn đêm với hi vọng khi vào lớp sẽ theo kịp bạn bè. May sao, bé đủ điểm vào lớp chọn. Chị mừng ra mặt và rất tự hào với phương pháp dạy con của mình. Nếu ai đó góp ý, chị đều giải thích rằng cho con học nhiều là để giảm bớt cái nghịch ngợm của con. Nhưng vui mừng chưa được bao lâu chị nhận ra con ngày càng biếng ăn, gầy guộc, thiếu sức sống. Bé ít nói ít cười, luôn tự giác ngồi vào bàn học, nhìn vào sách nhưng không hề tập trung. Các thầy cô giáo đều phản ánh với chị rằng bé hay ngồi một mình không chơi với ai, không hiểu và cũng không làm được bài.
Chị vội vã đưa con đi khám. Bác sĩ kết luận bé bị áp lực tâm lý quá lớn, căng thẳng thần kinh dẫn đến ảnh hưởng tới sức khỏe. May mà bé chỉ mới bị nên còn có thể chữa trị và bình phục được. Bác sĩ khuyên chị nên tạo cho con môi trường học tập và vui chơi lành mạnh, không nên đặt áp lực lên con. Thanh Tâm cũng trấn an và khuyên chị hãy vui chơi cùng bé, cho con tham gia các môn thể chất như đá bóng, bơi, võ… Đặc biệt, chị nên kéo bố và anh trai cùng tham gia “chiến dịch” này để cháu noi gương. Việc học nên được xen kẽ hài hoà, có thể giảm tần suất học để bé có thể hiểu bài và đủ thời gian làm bài tập. Hi vọng nụ cười, nét tinh anh sẽ nhanh chóng quay lại bên con.