Bộ ảnh ‘Tuyệt tình cốc’: Chiêu 'tiếp thị bằng cơ thể' trơ trẽn

01/03/2017 - 19:00
Clip hậu trường bộ ảnh 'Tuyệt tình cốc' với 2 cô gái mặc hở hang 'không biết ngượng' uốn éo trước 'rừng' ống kính của nam giới đang khiến dư luận dậy sóng. Thậm chí nhiều người bức xúc cho rằng đây là chiêu 'tiếp thị bằng cơ thể' thật trơ trẽn.
2.jpg
2 cô gái mặc thiếu vải trong bộ ảnh "Tuyệt tình cốc" đang làm dậy sóng dư luận

Những ngày qua, tại Việt Nam, cộng đồng mạng xã hội 'sục sôi' với clip buổi chụp bộ ảnh "Tuyệt tình cốc" quay cảnh 2 cô gái ăn mặc thiếu vải ở một hồ nước tại huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Bộ ảnh thực chất mang tính quảng cáo cho một studio. Nhưng nội dung của bộ ảnh khiến những người quan tâm đến nữ quyền không thể không lưu tâm. Có lẽ không cần mô tả thêm về bộ ảnh quá "nóng" và "sốt" này. Điều đáng nói là, các cô gái nghĩ gì khi lấy cơ thể của mình đi tiếp thị?

Thực ra, trào lưu tiếp thị bằng cơ thể đã diễn ra từ lâu trong làng giải trí Việt. Nhưng cô gái cố tình trưng trổ cơ thể để mong tạo scandal, từ đó mà có một chỗ đứng trong showbiz. Thế nên mới có những bộ hình như khỏa thân để bảo vệ môi trường, khỏa thân để chống biến đổi khí hậu, khỏa thân để bảo vệ động vật hoang dã, hay nhiều khi lý do đơn giản của khỏa thân chỉ là... muốn chụp hình bên... ngựa.

Do đó, không có gì ngạc nhiên khi 2 cô gái trong bộ hình "Tuyệt tình cốc" có thể mặc trang phục kiệm vải, khoe hầu hết các bộ phận cơ thể nhạy cảm trước công chúng, tạo dáng khêu gợi, mà... chả cần lý do gì.

Họ là những người rất trẻ. Và có lẽ, họ thấy rằng họ chẳng làm điều gì khác thường với trào lưu đã quá quen thuộc ngoài kia. Thế nên, 1 trong 2 nhân vật chính không ngại chia sẻ bộ ảnh lên trang cá nhân kèm lời chú thích "Em hư như này anh có yêu không ạ!".

Đã có một cuộc tranh cãi trên nhiều diễn đàn mạng về chuyện phụ nữ nên ngoan hay nên hư để được đàn ông yêu. Kết quả cuối cùng không rõ thế nào. Nhưng dù phe ngoan hay phe hư chiến thắng trong cuộc tranh cãi ấy thì cả hai phe đều đã thất bại trong cuộc chiến khẳng định giá trị của bản thân trước đàn ông.

Phụ nữ nên ngoan hay nên hư để được đàn ông yêu - ngay cái sự xác lập vấn đề tranh cãi ấy đã là một thất bại nghiêm trọng của phụ nữ trong một xã hội văn minh. Nó thể hiện tính yếu thế, tính bị động, tính phụ thuộc, tính công cụ của người phụ nữ trước đàn ông.

Phụ nữ sinh ra không phải để làm nhiệm vụ cho đàn ông yêu. Họ là một nửa của thế giới, một nửa của xã hội. Họ được tạo hóa ban cho thiên chức sinh nở và họ chỉ thực hiện thiên chức ấy trước tạo hóa và cho tạo hóa, hoàn toàn không phải cho người đàn ông. Bởi suy cho cùng, đàn ông cũng từ phụ nữ để được sinh ra.

Xã hội tiêu dùng ngày hôm nay vô tình hay hữu ý đã biến phụ nữ trở thành một công cụ giải trí cho đàn ông. Từ phim ảnh, âm nhạc cho đến các trang quảng cáo, nơi mà một cô gái đẹp chỉ có nhiệm vụ ăn mặc gợi cảm trong tấm hình để thu hút cộng đồng tìm đến sản phẩm kia. Từ những tư vấn trên các trang thông tin mạng bày cách giường chiếu cho người phụ nữ để giữ chân chồng, thay vì tư vấn cho họ tự nâng cao giá trị bản thân, biết trân trọng giá trị bản thân để trở nên hạnh phúc hơn.

Bộ ảnh "Tuyệt tình cốc" đã phản ánh phần nào tâm thế của xã hội trong vấn đề bình đẳng giới. Lâu nay, câu chuyện bình đẳng giới ở Việt Nam vốn dĩ đã tồn tại rất nhiều vấn đề. Các chị em phụ nữ cứ đến dịp lễ tết lại bàn chuyện bình đẳng giới và cho rằng mình đang chịu quá nhiều thua thiệt trước phái mạnh. Họ cho rằng đàn ông ở nước ta quá gia trưởng chứ không "văn minh", "ga-lăng" được như đàn ông Tây, luôn đặt phụ nữ lên trên hết. "Lady first", đó là thông điệp xã hội đã thấm nhuần vào tư tưởng và lối sống của người phương Tây. Nhưng tại sao nó chưa thể phổ biến ở Việt Nam?

Chính là vì những cô gái còn đang nghĩ chuyện nên hư hay nên ngoan để được đàn ông yêu, những cô gái xem việc phô bày cơ thể mình như một cách chứng minh lợi thế với đàn ông trước các cô gái khác. Khi bạn chưa học được cách tôn trọng chính bản thân mình, mà trước hết là tôn trọng cơ thể mình, thì sao có thể mong cầu sự tôn trọng ấy từ người khác? 

hoa-hau-the-gioi.jpg
 Cuộc thi Hoa hậu Thế giới - Miss World đã bỏ phần thi áo tắm từ nhiều năm nay

Năm 2011, một cuộc biểu tình lớn của phụ nữ Anh đã xảy ra ở London để phản đối cuộc thi Hoa hậu Thế giới. Những người biểu tình cho rằng: sắc đẹp của người phụ nữ cũng là nhân phẩm của họ, không thể phơi bày ra để cho người ta soi xét, chấm điểm và bình phẩm. Như thế là hạ thấp nhân phẩm phụ nữ.

Lẽ dĩ nhiên, cuộc thi nhan sắc hàng đầu thế giới vẫn diễn ra và vẫn được hàng triệu khán giả toàn cầu ủng hộ bởi người ta tin rằng đó là cách tôn vinh vẻ đẹp của phụ nữ 

Dù là tôn vinh hay là hạ thấp theo quan điểm của các nhóm xã hội khác nhau, thì tất cả đều gặp nhau ở điểm: sắc đẹp ngoại hình của người phụ nữ là tài sản quý giá cần được trân trọng. Có lẽ cũng bởi vậy mà cuộc thi Hoa hậu Thế giới trong 2 năm qua đã quyết định bỏ phần thi áo tắm, phần thi mà nhiều nền văn hóa cũng như nhiều nhóm bảo vệ nữ quyền cho rằng có sự thô thiển và thiếu tôn trọng phụ nữ khi bắt các cô gái phải chứng minh sự hơn thua của từng số đo trên cơ thể trước mắt hàng triệu người.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm