pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bố chồng tặng phong bì cho con dâu tất cả các dịp lễ Tết
"Bố Nguyễn Văn Thùy - nhân ngày Quốc tế Lao động 1/5, thân tặng con dâu".
"Quà tặng 20/10 - ngày Phụ nữ Việt Nam, thân tặng con dâu".
Trong suốt 6 năm, chị Minh Hải (SN 1993, ở Thái Nguyên) đều đặn nhận được món quà rất đặc biệt từ bố chồng, khi thì một chút tiền mặt, khi thì bó hoa. Từng dòng chữ trên phong bì được ông Nguyễn Văn Thùy viết nắn nót, tỉ mỉ và còn ký tên ở dưới.
Chị Hải đăng tải những hình ảnh trên kèm dòng trạng thái: "Bố mất sớm, ông trời lại tặng cho mình một người bố thứ hai, thương mình như con đẻ, lúc nào cũng sợ con làm mệt, sợ con bán hàng không có khách, không có tiền".
Bài viết về "bố chồng quốc dân" khiến nhiều cư dân mạng trầm trồ, ngưỡng mộ. Nhiều người chúc mừng chị Hải đã tìm được đúng "bến đỗ" hạnh phúc, được gia đình chồng hết mực yêu thương.
Tâm sự về bố chồng, chị Hải kể, thói quen tặng quà này đã có từ trước ngày chị về làm dâu. Ngày đó, chị Hải bán bánh tráng trộn trước cửa nhà một người họ hàng bên chồng. Ông Thùy nghe tin con trai có người yêu nên vui lắm, lên nhà họ hàng hỏi thăm, tiện xem mặt nàng dâu tương lai.
"Lúc đó mình đang bán hàng thì bố đến chào, giới thiệu là bố của anh Tuấn rồi hỏi thăm. Xong bố lì xì cho mình 200 nghìn, bảo nhân ngày lễ Tết dương lịch bác có quà cho cháu.
Vậy là từ đó trở đi các ngày lễ bố đều gửi quà cho mình. Bố thường hay đi làm xa. Nếu bố về chơi đúng dịp lễ, trên phong sẽ có chữ ký của bố và câu “Bố của con”. Còn khi nào không về được, bố sẽ nhờ mẹ hoặc em trai viết phong bì gửi lời chúc, thế nên có mấy chiếc chữ nhìn sẽ khác hơn.
Thường bố gửi phong bì tất cả các ngày lễ, Tết vì thực ra bố cũng không biết mua gì. Bố muốn động viên mình là chính vì mình không đi làm nhà nước", chị Hải kể.
Chị Hải hạnh phúc vì có bố mẹ chồng yêu thương, tâm lý
Bố chồng giục con dâu về ăn Tết nhà ngoại
Chị Hải cho biết từng có một khoảng thời gian hai vợ chồng chị tách ra ở riêng, nhưng sau đó lại dọn về ở cùng bố mẹ chồng vì "ở với bố mẹ rất thoải mái". Biết con dâu mải bán hàng, ông bà thường giúp chị Hải việc nhà, tạo điều kiện hết sức.
Có khi, chị Hải sang nhà mẹ đẻ ở cả tháng, đi qua đi lại giữa hai nhà, không lo chuyện phân định "nhà chồng" hay "nhà vợ".
Nhớ kỷ niệm năm đầu tiên làm dâu, hôm 30 Tết, chị Hải gọi cho mẹ rồi khóc cả đêm vì nghĩ cảnh bố mất, mẹ ở nhà lủi thủi ăn tết một mình. Hôm sau ông Thùy biết chuyện, gọi chị Hải ra và nói rằng rất áy náy khi không nghĩ đến tình cảnh của con. Ông giục chị ăn cơm nhanh rồi sửa soạn cùng chồng về ăn Tết với mẹ.
"Không chỉ năm đó, mà 30 Tết năm sau nữa cũng như vậy. Vì mình bán hàng tới 30 Tết, bố mẹ chồng đã giục hai vợ chồng sớm về quê ngoại. Đây là điều mình thấy ý nghĩa nhất mà bố mẹ ưu ái.
Bố chồng mình là người có suy nghĩ hiện đại. Trước bố được đi học ở nước ngoài một thời gian dài nên tư tưởng của bố tiến bộ, văn minh lắm. Bố thật thà chất phác, sống tình cảm không chỉ với mọi người trong gia đình mà còn với bạn bè và hàng xóm", chị Hải tâm sự.
6 năm làm dâu, chị Hải luôn trân trọng tình cảm của bố mẹ chồng dành cho mình. Chị luôn cảm giác mình là "con ruột" của ông bà chứ không còn là con dâu nữa.
"Được bố tặng quà mình thích lắm, vì biết bố thương mình, trân trọng mình nhiều mới có thể làm như vậy được. Cảm thấy cuộc đời mình thật may mắn khi chọn được đúng chồng, được gia đình chồng yêu thương", chị Hải bộc bạch.