Bỏ điểm sàn vào đại học, lo trường tư trục lợi

20/12/2016 - 18:52
Năm 2017, lần đầu tiên trong lịch sử tuyển sinh đại học, điểm sàn chính thức bị xóa bỏ. Nhiều tranh luận trái chiều xung quanh quyết định này. Trong đó, lo ngại lớn nhất là khối trường tư thục có cơ hội vợt thí sinh để trục lợi.

Dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017 vừa được Bộ GD&ĐT công bố. Dư luận quan tâm khi Bộ sẽ không đưa ra ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) như mọi năm. Các trường được tự quyết định cách tuyển sinh, điều kiện đầu vào tùy điều kiện của từng trường.

 Quyết định bỏ điểm sàn của Bộ GD&ĐT nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Ảnh: Đ.Hải.

“Ngưỡng điểm chung không còn phù hợp với xu thế đào tạo các ngành nghề ngày càng đa dạng. Bộ GD&ĐT sẽ yêu cầu các trường ĐH, CĐ công bố công khai điều kiện xét tuyển trong đề án tuyển sinh của mình sớm nhất sau kỳ thi để thí sinh dễ dàng lựa chọn” - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết.

Ủng hộ quyết sách này, PGS.TS Hoàng Minh Sơn (Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội) cho rằng, các trường được quyền lựa chọn phương án xét tuyển đầu vào theo học bạ hoặc tổ chức thi riêng. Điều này khiến điểm sàn sẽ không còn ý nghĩa như trước đây.

Bộ GD&ĐT quy định các trường phải công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng, thực hiện kiểm định chất lượng, công khai tình hình sinh viên ra trường có việc làm đối với từng ngành đào tạo… Điều này buộc các trường không thể tuyển sinh bằng mọi giá được. “Không có điểm sàn, các trường sẽ hết sức cân nhắc để quyết định ngưỡng này sao cho hợp lý. Chất lượng đào tạo mới là yếu tố thu hút thí sinh, giúp nhà trường tồn tại lâu dài” - ông Sơn nhấn mạnh.

 Bỏ điểm sàn có tạo cơ hội cho các trường tốp dưới "vợt" thí sinh bằng mọi giá? Ảnh: D.Hà

PGS.TS Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng ĐH Cần Thơ, cũng cho rằng, việc bỏ điểm sàn là hợp lý. Mấy năm gần đây, do chất lượng đề thi và việc tổ chức thi đã ổn định, mức điểm tối thiểu để đỗ tốt nghiệp THPT đã ngang bằng với điểm sàn xét tuyển ĐH, CĐ. Vì vậy, duy trì 2 mức điểm giống nhau là không cần thiết. Việc làm điểm sàn còn tốn kém và mất thời gian. Năm nào cũng họp, các trường ĐH cả nước phải bay ra Hà Nội một ngày rồi về để làm điểm sàn. Việc bỏ điểm sàn còn giúp thí sinh đỡ phải 2 lần chờ đợi hồi hộp, lo lắng.

Tuy nhiên, một số chuyên gia giáo dục lại lo ngại tình trạng nhiều trường tăng cơ hội tuyển sinh để đủ chỉ tiêu, đặc biệt là khối trường tư thục. 

“Điểm sàn nhằm khống chế tình trạng tuyển sinh tràn lan, vượt chỉ tiêu của các trường. Nếu bỏ điểm sàn, các trường cứ tha hồ tuyển, điều này dẫn tới đầu vào yếu, cộng thêm chương trình giảng dạy không đảm bảo chất lượng sẽ khiến cho sinh viên ra trường không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Trong khi đó, sinh viên thất nghiệp ngày càng tăng” - lãnh đạo 1 trường ĐH phân tích.

Thực tế cho thấy, để duy trì hoạt động giảng dạy, rất nhiều trường đã phải lấy điểm sát sàn của Bộ, thậm chí tuyển bằng học bạ THPT, đi đến tận các trường cấp 3 phát tờ rơi quảng cáo… Tuy nhiên, vẫn có trường phải đóng cửa ngành học, dồn sinh viên xuống khoa khác vì không đủ lớp dạy. Đây chính là lý do khiến nhiều người lo ngại các trường tận dụng cơ hội để kinh doanh giáo dục.

Bộ GD&ĐT sẽ hỗ trợ cung cấp dữ liệu cho các trường bằng việc xây dựng Cổng thông tin tuyển sinh, bao gồm các thông tin về: Chỉ đạo điều hành công tác tuyển sinh; cơ sở dữ liệu về kết quả kỳ thi THPT quốc gia; đề án tuyển sinh/điều kiện tuyển sinh của các trường; hệ thống nhập dữ liệu thống kê nguyện vọng của thí sinh và các thông tin khác cần thiết cho công tác tuyển sinh.

Các trường tùy theo chiến lược phát triển, tính chất đặc thù của ngành nghề đào tạo và điều kiện đảm bảo chất lượng, uy tín... để đưa ra điều kiện đầu vào tương ứng, riêng của trường mình.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm