Thấy tôi ngạc nhiên khi đọc định nghĩa ấy. Em học sinh này giải thích: “Bố mẹ bắt con học thêm vào các buổi tối trong tuần. 9h tối con mới về nhà, chỉ kịp ăn cơm xong là lại học bài tập ở trường.
Bố mẹ thường xuyên quan tâm, chia sẻ và hãy lắng nghe những tâm tư nguyện vọng của con trẻ Ảnh minh họa |
Lại có học sinh khác viết cho tôi: “Với con, niềm vui là không bị bố mẹ chửi mắng. Bố mẹ sẽ nhận ra nỗ lực nhỏ bé của con và công nhận con không vô dụng”.
Thì ra, em học sinh tuổi teen của tôi đã sớm phải gánh trên vai nhiều kỳ vọng của bố mẹ như phải học giỏi, thi đỗ trường chuyên lớp chọn, đảm đang việc nhà, giỏi ngoại ngữ, đàn, hát...
Tuy nhiên, trong lớp, em chỉ là học sinh bình thường. Em không hư nhưng để là một học sinh tiêu biểu thì chưa đạt được. Vì thế mà bố mẹ em thất vọng, thường mắng con là kém cỏi.
Lại có học sinh tâm sự: “Niềm vui của con là được thấy bố mẹ vui vẻ bên nhau như trước và có nhiều thời gian quan tâm đến con hơn. Con không nghĩ gì khi phải ở trong căn nhà cũ kỹ và học trường làng. Bố mẹ cứ lo kiếm tiền để cố mua nhà to mà đi tối ngày thì con cũng không cần”.
Tôi hỏi em: “Bố mẹ con bận rộn lắm à?”. Học trò đó đáp: “Vâng, từ ngày bận kiếm tiền, bố chẳng còn thời gian trò chuyện với con nữa. Bố mệt mỏi nên lúc nào cũng cáu kỉnh.
Các bậc phụ huynh cũng không nên đặt nhiều kỳ vọng vô tình tạo áp lực cho con trẻ Ảnh minh họa |
2. Vào buổi họp phụ huynh cuối học kỳ 1, tôi đã dùng chính câu đã hỏi các học sinh để hỏi nhanh vài bậc cha mẹ. Và, câu trả lời của cha mẹ là: “Tôi đi làm đã mệt mỏi và vất vả rồi. Giờ, tôi chỉ thấy vui khi con mình học hành giỏi giang. Tại sao con nhà khác có điều kiện sống tồi hơn con tôi mà chúng vẫn ngoan và giỏi thế. Còn con tôi thì nói mãi mà không tiến bộ?”.
Tôi hỏi lại người mẹ: “Vậy, chị có nghĩ kỳ vọng của mình sẽ làm khổ con không? Sức của con chỉ nhấc được 5kg gạo mà chị lại muốn con nhấc 10kg?”.Chị trả lời: “Chẳng có gì là không làm được. Tôi nghĩ con nhà khác làm được thì con nhà mình cũng thế. Chỉ là con chưa thật sự cố gắng. Học sinh thì phải tận dụng thời gian để học. Mai kia lớn, thành đạt thì con nghỉ ngơi cũng chưa muộn”.
Người bố xuất hiện trong điều ước của em học sinh “không cãi nhau và dành thời gian nhiều hơn cho con” thì trả lời: “Tôi nghĩ mình đã và đang đem lại niềm vui cho con rồi. Tôi cố gắng kiếm tiền để lo cho con cuộc sống tốt. Chơi với con, đưa con đi chơi quá dễ, nhưng làm ra nhiều tiền mới khó. Niềm vui của tôi là con phải biết ơn bố mẹ chứ đừng đỏi hỏi bố mẹ phải thế này thế khác”.
Tôi hỏi người bố ấy: “Vậy, tại sao anh không thường xuyên chơi với con vì điều này dễ thực hiện mà?”. Anh cười xòa: “Đúng là trẻ con nên ước ao cũng trẻ con, vụn vặt như thế đấy cô giáo ạ”.
3. Đúng như người bố nói, niềm vui của những học sinh chỉ đơn giản như vậy, song dường như nhiều vị phụ huynh lại không hiểu và cứ bắt con phải vui theo “định nghĩa” của mình. Học sinh của tôi không cần tiền, không coi việc phải học tối ngày là hạnh phúc. Các em thèm được hưởng bầu không khí vui vẻ của gia đình.
Trong buổi họp phụ huynh hôm đó, tôi đã nói với các cha mẹ, hãy thử đặt mình vào vị trí của các con, cố gắng lắng nghe và hiểu các con hơn. Tôi tin rằng, những học sinh của tôi chắc chắn sẽ tiến bộ và thành đạt theo cách riêng, nếu người lớn cũng tôn trọng niềm vui của con trẻ.