Bộ tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy”: Khắc phục tình trạng tuyên truyền "chay", "hiểu qua loa"

P.V
01/07/2021 - 14:03
Bộ tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy”: Khắc phục tình trạng tuyên truyền "chay", "hiểu qua loa"
“Dạy chay”, tuyên truyền “chay” hay nói theo kinh nghiệm - đó là thực trạng trong công tác truyền thông về phòng chống ma túy lâu nay. Tuy nhiên, vấn đề này sẽ được khắc phục khi Bộ tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy” ra đời.

Một cuộc tìm hiểu và đánh giá nhận thức của phụ huynh học sinh và giáo viên về kiến thức cũng như kỹ năng hỗ trợ xử lý tình huống khi nghi ngờ và phát hiện con em mình sử dụng chất gây nghiện được thực hiện bởi của Viện nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD) đã cho kết quả: 32,5% phụ huynh học sinh và giáo viên không biết về các loại ma túy và tác hại của các loại ma túy; 29,5% có hiểu biết một chút; 25% biết khá rõ và 13% biết rõ về ma túy.

Tuy nhiên, phần lớn kiến thức mà phụ huynh và giáo viên hiểu về ma túy mới chỉ dừng lại ở việc ma túy là chất gây nghiện, có tác động tiêu cực đến người sử dụng. Để hiểu và nhận diện đó là loại ma túy nào và tác hại ra sao, gây hậu quả thế nào với người sử dụng thì hầu như chưa nắm vững. Bên cạnh đó, kỹ năng nhận diện và xử lý khi nghi ngờ con em mình có dấu hiệu sử dụng ma túy, cũng chiếm tỷ lệ rất thấp.

Trong các cuộc khảo sát của Viện PSD với hơn 5.000 cha mẹ, có tới 68,7% cha mẹ không biết đến những loại ma túy trá hình nguy hiểm trong các thực phẩm đồ ăn, nước uống đã và đang xâm nhập, tấn công vào học sinh, sinh viên. Cho thấy, họ chưa có nhận biết đúng và đầy đủ về ma túy cũng như các kỹ năng để phát hiện và ngăn ngừa con em mình sử dụng ma túy, nghiện ma túy.

Khảo sát trên rất đúng với thực tế diễn ra trong xã hội. Có không ít phụ huynh đã rất sốc khi hay tin con mình nghiện ma túy. "Không thể thế được", "Cháu ở nhà ngoan lắm mà"… đó là những phản ứng thông thường của các bậc phụ huynh.

Tuy nhiên, sau khi bình tâm lại và được hỏi về các triệu chứng của con họ mới "ngã ngửa" với câu trả lời "Ôi chết rồi, đúng là cháu trông rất mệt mỏi, người gầy, ngủ ngày đêm thức, học hành sa sút…".

Không có kiến thức về cách nhận biết những biểu hiện của người nghiện ma túy và khi biết được sự thật, họ sẽ thiếu đi cách xử trí phù hợp. Đơn cử như nhiều phụ huynh đã "nổi cơn tam bành", suy sụp khi biết con mình nghiện. Thậm chí có trường hợp còn có tư tưởng buông xuôi như "cai sao được, 10 người cai, 9 người tái nghiện".

Không chỉ phụ huynh, nhiều giáo viên hay những người làm công tác về truyền thông phòng chống ma túy cũng chỉ hiểu một cách "nôm na" rằng ma túy rất nguy hiểm và cần tránh xa. Có người con khuyên máy móc kiểu "không được tiếp xúc với kẻ xấu", "tránh xa người nghiện".

Cách tuyên truyền này vô hình chung chỉ mang tính hù dọa gây hiệu ứng kỳ thị, xa lánh, hoàn toàn không dẫn dắt người nghe đến tận cội rễ của vấn đề để họ hiểu. Có ý kiến cho rằng, phòng chống ma túy một cách rầm rộ bằng cờ hoa, biểu ngữ, khẩu hiệu là cần thiết nhưng cách này chỉ "trấn áp", làm cho đối tượng khép mình, lẩn trốn mà không gợi lên ý thức tự giác, tích cực muốn thay đổi.

Chỉ khi nào, đối tượng được tuyên truyền được trang bị đầy đủ những kỹ năng cụ thể, tỉ mỉ thì tác dụng mới lâu dài và bền vững. Tuy nhiên, kiến thức đó ở đâu, khi người cần truyền tải thông điệp cũng đang "rỗng".

"Tôi vẫn bảo con đừng a dua đua đòi, đừng có bóng cười, shisha gì đấy nhé nhưng khi con hỏi lại ‘bóng cười là gì hả bố’ tôi thật sự bối rối vì… đã thấy nó bao giờ đâu", anh Nguyễn Hoàng Phong, ở Hà Nội, chia sẻ.

Bộ tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy”: Khắc phục tình trạng tuyên truyền "chay", "hiểu qua loa"  - Ảnh 1.

Nhiều kỹ năng về phòng, chống ma túy đã được đề cập đến trong bộ tài liệu này

Rơi vào cảnh "trớ trêu" như anh Phong không phải là hiếm bởi thực tế từ trước đến nay, những cuốn tài liệu về Kỹ năng phòng, chống ma túy không có. Từ thực tế trên, Bộ tài liệu Kỹ năng phòng, chống ma túy của Viện Nghiên cứu Tâm lý người sử dụng ma túy PSD đã ra đời và đáp ứng được mong mỏi bấy lâu nay.

Bộ tài liệu sẽ trang bị kiến thức cơ bản và nâng cao về ma túy, cách thức nhận biết các chất ma túy, dấu hiệu nhận biết người sử dụng ma túy đồng thời trang bị kỹ năng ứng phó với những tình huống nguy cơ liên quan đến hành vi sử dụng ma túy cho học sinh, cha mẹ học sinh và giáo viên, cán bộ quản lý.

Ngoài ra, bộ tài liệu còn có thể trở thành nguồn tài liệu tham khảo, nghiên cứu cho những người đang hoạt động trong lĩnh vực phòng chống ma túy nói riêng, những nhà công tác xã hội, xã hội học, tâm lý học, giáo dục học… để hỗ trợ chuyên nghiệp cho các khách hàng là học sinh, giáo viên, cha mẹ học sinh và những đối tượng khác với những vấn đề liên quan đến ma túy và hành vi sử dụng ma túy.

Khi đã có bộ tài liệu, tình trạng tuyên truyền "chay", "hiểu qua loa" sẽ không còn. Từ người truyền tải thông điệp đến người "thụ hưởng" thông tin đều thấy hấp dẫn và cuốn hút khi đi tận gốc cội của vấn đề.

"Bộ tài liệu cung cấp rất đầy đủ và chi tiết về tệ nạn và tác hại của ma túy. Trong đó cuốn Kỹ năng phòng, chống ma túy dành cho cha mẹ học sinh rất phù hợp, giúp tôi có thêm những kiến thức trong việc nhận biết ma túy và tác hại của nó. Cuốn sách vô cùng bổ ích", chị Mai Hương (phụ huynh học sinh) chia sẻ.

Có thể nói, Bộ tài liệu "Kỹ năng phòng, chống ma túy" ra đời giống như một "món ăn tinh thần", làm vơi đi phần nào đó những băn khoăn, trăn trở; đồng thời đáp ứng sự kỳ vọng và mong muốn của cộng đồng (đặc biệt là các bậc phụ huynh và giáo viên) về tính hiệu quả và bền vững trong công tác giáo dục phòng, chống ma túy.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm