Bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp: Giảm gánh nặng thi cử cho đội ngũ viên chức

Nguyễn Hải Phong
17/01/2024 - 16:35
Bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp: Giảm gánh nặng thi cử cho đội ngũ viên chức

Ảnh minh họa

Bà Trần Việt Hồng, giáo viên một trường THPT của huyện Chương Mỹ (Hà Nội), cho rằng, việc bãi bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức là một quyết định đúng đắn. Việc được xét thăng hạng mà không phải thi tức là giáo viên đã được ghi nhận quá trình cống hiến, phấn đấu của mình cho ngành Giáo dục. Giống như trước đây học đại học, sinh viên có kết quả học tập tốt thì được làm luận văn.
Việc làm cần thiết

Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định số 85/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức (sau đây gọi tắt là Nghị định số 85). Theo đó, các điều khoản liên quan đến thi thăng hạng viên chức trên toàn quốc được bãi bỏ. 

 Nghị định số 85 có hiệu lực từ ngày 7/12/2023 nhưng viên chức đã thi hoặc xét thăng hạng trước đó vẫn áp dụng theo quy định cũ trong thời hạn 6 tháng tiếp theo. Sau 6 tháng, nếu các đơn vị không hoàn thành phê duyệt kết quả thăng hạng viên chức đã thi hoặc xét thăng hạng thì phải thực hiện theo Nghị định này.

Trước đó, theo quy định tại Nghị định 115/2020, viên chức thi thăng hạng phải làm 4 bài thi gồm: Kiến thức chung 60 câu hỏi; Ngoại ngữ 30 câu trắc nghiệm; Tin học 30 câu trắc nghiệm và thi viết chuyên ngành. Nếu đơn vị tổ chức thi trắc nghiệm trên máy tính thì thí sinh không phải làm bài môn Tin học. Viên chức có bằng trung cấp chuyên nghiệp, công nghệ thông tin, cũng được miễn thi Tin học.

Đề xuất bỏ thi thăng hạng viên chức được Bộ Nội vụ đưa ra hồi tháng 5/2023. Lý do là toàn quốc có 1,8 triệu viên chức khiến kỳ thi thăng hạng hàng năm tốn kém, có nhiều tiêu cực. Hơn nữa, trong 6 năm (2012-2018) chỉ có 6 Bộ tổ chức thi. 

Các địa phương cử viên chức tham gia các kỳ thi này, thay vì tự tổ chức. Chỉ có Thành phố Hà Nội tổ chức thi. Những chức danh như kiến trúc sư, thẩm kế viên, đo đạc, địa chính, đạo diễn chưa được thi. 

Bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp: Giảm gánh nặng thi cử cho đội ngũ viên chức- Ảnh 1.

Ông Bùi Sĩ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội

"Bỏ thi thăng hạng viên chức để giảm gánh nặng thi cử, tốn kém. Trên thế giới không có nước nào thi hay xét thăng hạng viên chức", Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nói hồi tháng 6 và nhấn mạnh, đang tính toán để thời gian tới bỏ cả thi và xét thăng hạng viên chức để trả lương theo vị trí việc làm.

Là viên chức nên đội ngũ giáo viên cũng thuộc đối tượng, phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 85. Đây là lực lượng viên chức chiếm tỷ lệ lớn nhất cả nước với hơn 1 triệu người. Cô H. T. T. (SN 1976, giáo viên giảng dạy môn Giáo dục Công dân tại một trường trung học phổ thông trên địa bàn huyện Hoài Đức (Hà Nội), cho rằng, việc bãi bỏ hình thức thi, chỉ giữ lại xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức là một quyết định đúng đắn. 

Sau hơn 20 năm công tác với vai trò là giáo viên giảng dạy môn Giáo dục Công dân, Tiếng Anh đối với cô T. là không cần thiết. Mặc dù đã được học môn Tiếng Anh tại môi trường đại học nhưng quá trình giảng dạy, chưa bao giờ cô phải sử dụng đến môn Tiếng Anh. 

"Với việc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, chúng tôi sẽ không phải dành thời gian để ôn luyện thi như trước nên sẽ có nhiều thời gian tìm hiểu tài liệu, trau dồi kiến thức để có được những bài giảng hay, chất lượng", cô T. bộc bạch.

Bà Trần Việt Hồng, giáo viên một trường THPT của huyện Chương Mỹ (Hà Nội), cho rằng, việc bãi bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức là một quyết định đúng đắn. Việc được xét thăng hạng mà không phải thi, tức là giáo viên đã được ghi nhận quá trình cống hiến, phấn đấu của mình cho ngành Giáo dục. Giống như trước đây học đại học, sinh viên có kết quả học tập tốt thì được làm luận văn.

Ông Bùi Sĩ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, đánh giá việc bỏ hình thức thi, chỉ giữ lại xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức là việc làm cần thiết. Ông Lợi cho rằng, việc thi như trước đây tồn tại nhiều bất cập. 

Thứ nhất là nội dung tiêu chuẩn, đánh giá thi không thống nhất. Việc đưa về Trung ương để tổ chức thi dẫn đến nhiều rắc rối, không thể hiện tính minh bạch, tốn kém. 

Để đảm bảo quyền lợi của viên chức khi không thi thăng hạng nữa thì việc xét thăng hạng phải được tổ chức thường quy. Một số chứng chỉ như ngoại ngữ, tin học, nghiệp vụ không còn phù hợp với chức danh nghề nghiệp cần được loại bỏ. Viên chức đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện của hạng cao hơn, liền kề nên được xét thăng hạng, bổ sung chức danh nghề nghiệp sớm mà không cần chờ đến đợt”.

Ông Bùi Sĩ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội

"Bây giờ, khi đã có vị trí việc làm rồi, người ta sẽ căn cứ vào đó để xét cán bộ, công chức, viên chức nên chủ yếu phải dựa vào năng lực thực hiện cũng như kết quả làm việc để sắp xếp cho đúng. Tôi nghĩ rằng, Chính phủ sẽ chỉ đưa ra những tiêu chí để người sử dụng lao động, cơ quan quản lý công chức, viên chức sắp xếp, đánh giá sẽ tốt hơn", ông Lợi cho biết.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Xã hội của Quốc hội cũng cho rằng, việc bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp không ảnh hưởng đến quy định của Luật Viên chức 2010 do "hạng chức danh nghề nghiệp" không quy định tại Luật Viên chức. Như vậy, việc Chính phủ bỏ thi thăng hạng đối với viên chức sẽ góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm gánh nặng cho đội ngũ này.

Băn khoăn khi việc xét thăng hạng tập trung quyền hạn vào người đứng đầu

Nghị định số 85 cũng sửa đổi Điều 33 phân công, phân cấp tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp và thẩm quyền quản lý, sử dụng viên chức của đơn vị sự nghiệp công lập. 

Theo đó, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định này (đối với đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm chi thường xuyên thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện việc tuyển dụng viên chức): 

Tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp hạng I xếp lương loại A3 theo phân cấp, ủy quyền; tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp hạng I xếp lương loại A2 và từ hạng II trở xuống đối với viên chức làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập phù hợp với vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp đã được phê duyệt; 

quyết định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp, xếp lương, nâng bậc lương (thường xuyên, trước thời hạn), phụ cấp thâm niên vượt khung đối với viên chức giữ chức danh nghề nghiệp hạng I trở xuống (bao gồm cả chức danh nghề nghiệp hạng I xếp lương viên chức loại A3) thuộc phạm vi quản lý.

Liên quan đến quy định này, bà N. T. P. , giáo viên một trường THCS trên địa bàn huyện Thanh Trì (Hà Nội), bày tỏ lo ngại, nếu việc xét thăng hạng tập trung chủ yếu vào người đứng đầu đơn vị tổ chức liệu có đảm bảo được tính khách quan, công bằng? Liệu có thể dẫn đến tình trạng cá nhân nào được ưu ái thì dễ dàng được xét thăng hạng? 

Do đó, bà P. mong muốn khi tổ chức xét thăng hạng sẽ có một hội đồng giám sát, theo dõi quy trình nhằm đảm bảo tính minh bạch, tránh điều tiêu cực.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm