pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bộ trưởng Bộ Tài chính: Cần trao quyền nhiều hơn cho người đại diện vốn Nhà nước
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại nghị trường
Thảo luận tại hội trường chiều 29/11 về Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội - cho rằng, doanh nghiệp nhà nước hiện đang nắm giữ một khối lượng tiền vốn và tài sản rất lớn nhưng hoạt động kém năng động. Hiệu quả mang lại thấp hơn doanh nghiệp tư nhân.
Nguyên nhân do cơ chế quản lý chồng chéo, trói buộc và cứng nhắc nên không phân định rõ trách nhiệm.
Với nguyên tắc có tiền nhà nước đầu tư thì cũng phải có cơ chế theo dõi, quản lý tiền vốn ở đó, ông Cường cho rằng cần mở rộng phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của luật.
Đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai -cho rằng, với mục tiêu "cởi trói" và tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp nhà nước, nên rà soát và giảm bớt quy định mang tính hành chính. Theo đó, cần tăng quyền tự chủ, tự quyết của hội đồng thành viên, gắn với đổi mới mô hình đại diện quyền sở hữu vốn mang tính "cách mạng hơn".
Hiện có nhiều tập đoàn quốc gia như dầu khí quốc gia, hãng hàng không quốc gia… cũng được xếp chung doanh nghiệp khác mà không có tiêu chí về doanh nghiệp đầu đàn, nòng cốt. Vì vậy, quy định luật cần phải có tiêu chí này để phân biệt được doanh nghiệp nòng cốt để phát huy vai trò.
Giải trình cuối phiên thảo luận, tân Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đồng tình quan điểm cần trao quyền nhiều hơn cho người đại diện vốn Nhà nước, bởi họ giữ vai trò quyết định hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhìn nhận lâu nay chế độ lương thưởng của người đại diện vốn tại doanh nghiệp Nhà nước vẫn là vấn đề khó khăn, trở ngại. Ở lần sửa đổi luật này, nhiều điều kiện, trách nhiệm giao cho người đại diện phần vốn.
Người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp có vai trò quan trọng, quyết định hiệu quả kinh doanh cũng như việc bảo toàn, phát triển của doanh nghiệp. Do đó, cần có cơ chế quản lý đánh giá, gắn với chế độ đãi ngộ phù hợp.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, người đại diện vốn cũng cần đủ thẩm quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo. Nếu đã chấp nhận như doanh nghiệp tư nhân thì phải có cơ chế, nhất là chế độ lương thưởng của người đại diện vốn.
"Nếu đưa ra cơ chế khắt khe, người đại diện vốn rất vất vả nhưng tiền lương thưởng theo thang bậc thì không bao giờ có người tài. Mà người tài thì họ cũng không làm hết khả năng", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.
Chấm dứt can thiệp mệnh lệnh hành chính vào đầu tư kinh doanh
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, cần chấm dứt can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính vào đầu tư kinh doanh, hoạt động của doanh nghiệp, đảm bảo hoạt động theo đúng nguyên tắc thị trường.
Theo báo cáo, hiện có 676 doanh nghiệp có vốn Nhà nước, 70% trong số này do Nhà nước giữ 100% vốn. Tổng tài sản của các doanh nghiệp Nhà nước là hơn 3,8 triệu tỷ đồng, tổng vốn 1,8 triệu tỷ đồng, tính tới cuối năm 2023.
Với đề nghị mở rộng đối tượng doanh nghiệp có vốn nhà nước từ 50% vốn trở xuống, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết sẽ nghiên cứu tiếp thu để báo cáo Chính phủ, bổ sung vào dự thảo cho phù hợp. Đồng thời, cơ quan soạn thảo cũng sẽ nghiên cứu quy định về chiến lược, kế hoạch phát triển, tránh việc tạo ra rào cản cho doanh nghiệp.
Về phân phối lợi nhuận, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng, cần thực hiện trên nguyên tắc bình đẳng các cổ đông tham gia, không để cao quá, sẽ không phù hợp.