Bộ trưởng nông nghiệp: Lúa gạo sẽ trở thành dược phẩm

06/11/2019 - 11:12
Không chỉ đảm bảo an ninh lương thực, lúa gạo Việt Nam sẽ trở thành thực phẩm, dược phẩm, tạo ra chuỗi ngành hàng mang giá trị kinh tế cao hơn. Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đã khẳng định như vậy tại phiên chất vấn của Quốc hội sáng 6/11.

Sáng 6/11, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn kéo dài 3 ngày. Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường là người “mở màn”, với nhiều vấn đề được đại biểu quan tâm như phát triển nông thôn mới, giải quyết bài toán “được mùa mất giá” hay phát triển lúa gạo thời gian tới…

Đại biểu Châu Chắc (đoàn An Giang) đặt câu hỏi về việc phát triển thương hiệu gạo Việt Nam, giải pháp hỗ trợ cho người trồng lúa. Tư lệnh ngành nông nghiệp cho rằng, đây là ngành hàng rủi ro, hiệu quả kinh tế không cao, bấp bênh.

"Nguyên nhân khách quan là thế giới với 7 tỉ người chỉ có 3,5 tỉ người ăn gạo, nhưng chỉ có dung lượng hàng hoá là 36 triệu tấn, với khoảng 32 tỉ USD/năm về thương mại. Như vậy các cường quốc đều tập trung cạnh tranh trong chuỗi giá trị này. Do đó, áp lực đối với ngành gạo là hiệu quả thấp, rất bấp bênh", Bộ trưởng cho biết.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường 

Hiện nay, Việt Nam có 7,8 triệu hecta đất canh tác, trong đó đất lúa chiếm tới 4,1 triệu hecta. Ông Cường cho hay, tới đây Chính phủ sẽ xin Quốc hội giảm dần diện tích đất lúa, khoảng 0,5 triệu hecta đất, tương đương giảm 5 - 6 triệu tấn thóc, 3 - 4 triệu tấn lúa.

"Chúng ta vẫn đảm bảo an ninh lương thực, kể cả trong 20 năm nữa vẫn đảm bảo được. Nhưng thay vào đó sẽ dành phần đất canh tác cho các cây trồng khác hiệu quả hơn", ông Cường nhấn mạnh.

Cụ thể, trước mắt sẽ tập trung tái cơ cấu theo hướng ưu tiên những nhóm giống phù hợp với phân khúc thị trường; nâng chuỗi giá trị ngành lúa, gạo cao lên. Dẫn lời Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng nhận định lúa gạo không còn chỉ là gạo bán, mà còn phải trở thành thực phẩm, dược phẩm.

“Đơn cử như dầu cám gạo có giá trị cao hơn cả sản lượng gạo tự nhiên, vậy nên tập trung vào hướng này. Các doanh nghiệp và người nông dân tại các vùng miền, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long, đang tập trung đi hướng này. Quảng Trị đã có mô hình 600 hecta làm lúa gạo hữu cơ, trong đó có chiết xuất một phần tạo ra sản phẩm tinh tuý nhất, dầu cám gạo, để đảm bảo chuỗi giá trị hạt gạo dài hơn” – Bộ trưởng chia sẻ.

Trước đó, báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn là vấn đề được Đảng, Nhà nước quan tâm, chỉ đạo bằng các quyết sách trong từng giai đoạn. Chỉ trong 3 năm đầu nhiệm kỳ, ông Cường cho biết khu vực nông nghiệp được thông qua 5 luật rất quan trọng.

Bên cạnh đó có 3 nội dung lớn được giám sát gồm: xây dựng nông thôn mới, an toàn thực phẩm và cơ cấu nông nghiệp. Các nội dung này đều giám sát tối cao, tạo bước bứt phá và sự phát triển rất tích cực.

“Việc tham gia trả lời chất vấn mang lại tác động tích cực cho công tác quản lý của ngành nhìn rõ hơn hiện trạng, đặc biệt là tồn tại, bất cập để tham gia quản lý, tham mưu, phối hợp thực hiện tốt hơn. Đây là cơ hội chúng tôi lắng nghe, rà soát lại việc làm được cũng như những bất cập để tổ chức thực hiện tốt hơn” – tư lệnh ngành nông nghiệp cho biết.

Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các bộ trưởng trả lời thẳng thắn, đúng trọng tâm câu hỏi, đặc biệt thể hiện trách nhiệm và có giải pháp cụ thể. Bà cho biết cuối phiên chất vấn, Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết để giám sát.

“Tôi kỳ vọng phiên chất vấn diễn ra dân chủ, sôi nổi, đáp ứng kỳ vọng của cử tri và nhân dân” – Chủ tịch Quốc hội nói.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm