pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bố và mẹ đều thấp lùn, con có thể cao được không?
Bộ gen di truyền của cả cha và mẹ luôn có vai trò quan trọng nhất trong việc xác định chiều cao của trẻ. Tuy nhiên, đây không phải là yếu tố duy nhất có ảnh hưởng mà còn có nhiều yếu tố bên ngoài khác như điều kiện sống và chế độ ăn uống lành mạnh. Chính vì thấy, nhiều bậc phụ huynh lo ngại bản thân quá thấp nên con sẽ không cao có thể xây dựng thời khoá biểu lành mạnh cho bé ngay từ bây giờ.
Dưới đây là bài viết của chuyên gia - bác sĩ dinh dưỡng Anh Nguyễn, chuyên gia tư vấn về y học bộ gen, Phó Tổng Biên tập tạp chí Harvard Public Health Review tại Đại học Harvard về vấn đề này.
Chiều cao của trẻ bị ảnh hưởng bởi 2 yếu tố chính
Thật ra, bạn có thể kiểm soát gần như hoàn toàn các yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ cho đến 11 tuổi, đó là những bằng chứng mới khi nghiên cứu về mối liên hệ về gen và môi trường trên gần 200,000 trẻ song sinh tại 20 quốc gia.
Cụ thể nghiên cứu như sau:
Như chúng ta đã biết, chiều cao của trẻ bị ảnh hưởng bởi 2 yếu tố chính: là gen di truyền và môi trường.
- Gen di truyền: là nguyên liệu di truyền từ bạn và chồng bạn. Nó gần như cố hữu và khó kiểm soát.
- Môi trường gồm các yếu tố như dinh dưỡng, giấc ngủ, vận động, bệnh...
Nghiên cứu của nhóm TS. Polderman, ĐH VU Amsterdam đã tìm thấy 20 tính trạng liên quan đến nhóm tuổi, vai trò của gen di truyền liên quan đến chiều cao nhưng chúng có tác động nhiều hơn ở độ tuổi từ 12-17 so với độ tuổi 0-11 tuổi. Một phân tích khác trên gần 200,000 trẻ song sinh từ 20 quốc gia bởi TS. Jelenkovic, ĐH Hensinski, đã nhận ra các nhân tố môi trường ảnh hưởng khá quyết định trong 11 năm đầu đời. Điều này có ý nghĩa gì? Có nghĩa rằng chúng ta nếu muốn phát triển chiều cao cho trẻ thì nên đầu tư sớm và ngay ở giai đoạn nhỏ này của trẻ sẽ mang lại kết quả rất cao.
Vậy chúng ta cần quan tâm điều gì?
1. Xây dựng các yếu tố tích cực cho cuộc sống của trẻ
Vận động
- Bé từ 3 tháng - 2 tuổi: Cha mẹ nên tương tác xã hội với bé, ít bế bồng bé khi bé phát triển kĩ năng bò trườn đi lại, dẫn bé đi công viên, chơi 1 số trò chơi ngoài trời.
- Các bé từ 3 tuổi, cha mẹ nên dành thời gian chơi cùng trẻ, khuyến khích trẻ tham gia các trò chơi vận động thể chất, sử dụng não bộ trong phối hợp vận động tay chân. Một số hoạt động vui hằng ngày có thể giúp bé tăng các hoạt động thăng bằng và sử dụng các cơ để thúc đẩy sự tăng trưởng chiều cao. Có thể khuyến khích trẻ sử dụng 1 chân cho 1 số hoạt động vui như nhảy lò cò, chạy bắt lấy mẹ. 1 cách tự nhiên là các bé rất thích đi lên xuống cầu thang, vì khi đi như vậy, trẻ thích sự kiểm soát thăng bằng và làm chủ được từng chân. Chạm các bộ phận xa trên đầu. Bạn có thể tạo 1 trò chơi vui là chạm các bộ phận trên cơ thể hoặc chạm ông mặt trời, chạm cô nàng Trăng, chạm nhánh hoa… Bé thường rất thích với tay chạm thứ gì trên đầu bé, vì khi đó, bé phải rướn người lên, động tác này làm bé 1 chút mất thăng bằng, nhưng cảm giác nhận lại được thăng bằng làm bé rất thích thú. Hơn nữa, các cơ của cơ thể được sử dụng như 1 yếu tố "kích thích" cho sự tăng trưởng.
- Bé từ 4-5 tuổi được khuyên nên học bơi 2 buổi/tuần và 2 buổi cách nhau 3 ngày, mỗi buổi không quá 45 phút. Khi bé 8 tuổi, có thể tăng 3 buổi/tuần. Mỗi buổi không quá 60 phút. Cường độ như vậy sẽ phù hợp với phát triển xương cho bé và đủ cho thời gian kiến tạo xương mới.
Vui vẻ
TS. Scott Montgomery Bệnh viện Hoàng gia London, Anh và nhóm của ông đã thực hiện nghiên cứu trên 1.300 gia đình và nhận thấy, những đứa trẻ thường xuyên sống trong môi trường căng thẳng có ít hormone tăng trưởng hơn và phát triển chậm hơn các trẻ khác. Do đó, tránh dùng các lời hổ báo hay đánh mắng trẻ, thay vào đó dùng thái độ vui vẻ, khuyến khích trẻ trò chuyện, chia sẻ và tham gia đóng góp ý kiến trong mọi hoạt động. Hãy luôn tạo bầu không khí thoải mái và vui vẻ trong gia đình, không chỉ là gắn kết tình cảm mà còn giúp trẻ phát triển tốt hơn.
2. Đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho trẻ
Trẻ nên bú sữa mẹ ngay sau sinh và duy trì nó lâu nhất có thể. Trẻ nên được tập ăn dặm từ 6 tháng tuổi, bắt đầu từ cháo nghiền rây nhuyễn rồi đến các thức ăn khác để trẻ quen dần vị thức ăn tự nhiên. Sau đó tăng độ thô dần. Đến hơn 1 tuổi trẻ cần làm quen với nhai và ăn được cơm nát.
Chế độ ăn cần cân bằng, đầy đủ các vitamin khoáng quan trọng cho sự phát triển chiều cao như vitamin D, sắt, kẽm, Canxi...
- Trong đó, vitamin D giúp hỗ trợ hấp thu canxi và nhu cầu trẻ cần 400 IU/ngày. Canxi là nguyên liệu quan trọng cho sự phát triển xương. Trẻ được khuyên nên ăn đa dạng để đảm bảo nhận đủ lượng canxi trẻ cần từ đa dạng các nguồn. Tuy nhiên, nếu vì một lí do nào đó mà trẻ không thể nhân đủ canxi từ thực phẩm hoặc nhu cầu canxi tăng cao trong giai đoạn tăng trưởng thì có thể bổ sung canxi cho trẻ. Nhưng việc hiểu và biết cách chọn lựa loại canxi nào là tốt, là phù hợp với trẻ cũng là điều quan trọng.
- Nguồn đạm cũng quan trọng cho tăng trưởng. Nên đa dạng nguồn đạm cho trẻ trong bữa ăn hàng ngày và trong tuần. Ví dụ. mỗi tuần, trẻ cần 2 ngày thịt bò, heo, 2 ngày cá và hải sản, 2 ngày thịt gà, gia cầm hay trứng và 1 ngày trẻ có thể lấy đạm từ những nguồn khác như các loại đậu, đậu hủ hoặc hải sản.
Bên cạnh đó, trẻ nên tránh bị thừa cân béo phì sau 2 tuổi. Hạn chế giới thiệu các thức ăn thức uống không lành mạnh cho trẻ như thức ăn nhanh, nước ngọt, gà rán.
3. Xây dựng các thói quen tốt cho sự phát triển chiều cao
Ngủ sớm
Ngủ là một phần quan trọng của tuổi nhỏ vì phần lớn thời gian trẻ ngủ (12-14 tiếng/ngày) trước 5 tuổi. Giờ ngủ nên thiết lập sớm khi trẻ bước sang 10 tháng tuổi để trẻ quen với việc tự đưa cơ thể vào giấc ngủ. Thiết lập giờ ngủ bằng việc tạo lập lại 3 bước bên dưới cho đến khi trẻ quen với giờ ngủ:
- Giờ lên giường cho hugging time: cha hoặc mẹ cùng bé có hoạt động trên giường như đọc sách, vui chơi, nói chuyện...không nên có các hoạt động liên quan đến màn hình điện tử.
- Hôn hoặc nói 1 câu nào đó để trẻ nhận ra đến giờ ngủ, tắt đèn (nếu được).
- Trong thời gian ngủ, trẻ có cựa quậy hay khóc, thậm chí ngồi dậy, bạn nên chờ 3-5 phút để trẻ tự rơi vào giấc ngủ, hơn là ôm vỗ bé liền, điều này là thông thường và hầu hết trẻ sẽ tự quay lại ngủ. Với trẻ khỏe mạnh bú đêm sau 1 tuổi là không khuyến khích vì chỉ là do thói quen chứ không phải là nhu cầu đòi sữa, nên giảm cữ bú đêm và đẩy về 4-5 giờ sáng trong 2 tuần, điều này có lợi ích cho giấc ngủ của trẻ.
Thói quen trên bàn học
Khi trẻ ngồi học, nên hướng dẫn và sớm xây dựng thói quen trẻ ngồi học trên bàn học, ngồi đúng tư thế hơn là nằm trên giường hay ngồi ghế sofa.