Bơm xi măng sinh học: Kỹ thuật mang lại niềm hy vọng mới cho người bị thoái hóa cột sống

Bình An
25/11/2020 - 15:43
Bơm xi măng sinh học: Kỹ thuật mang lại niềm hy vọng mới cho người bị thoái hóa cột sống
Liên quan tới vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Bác sĩ Trịnh Tú Tâm – Trưởng Đơn vị Điện quang can thiệp và Điều trị đau, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô để tìm hiểu rõ hơn về phương pháp bơm xi măng sinh học nhằm chữa xẹp đốt sống.
Bơm xi măng sinh học: Kỹ thuật mang lại niềm hy vọng mới cho người bị thoái hóa cột sống - Ảnh 1.

Bác sĩ Trịnh Tú Tâm – Trưởng Đơn vị Điện quang can thiệp và Điều trị đau, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô. (Ảnh: BS cung cấp)

PV: Bác sĩ có thể cho biết, nguyên nhân nào gây nên tình trạng xẹp đốt sống?  

Bác sĩ  Trịnh Tú Tâm: Như chúng ta đã biết, cột sống có 3 chức năng cơ bản là nâng đỡ cột sống, nâng đỡ cơ thể, bảo vệ tủy sống, các dãy thần kinh cũng như các vận động. Cấu trúc xương của người trẻ đủ cứng và đủ chịu được sức nén, sự dẻo dai để chịu đựng đối kháng.

Tuy nhiên, quá trình lão hóa của mỗi con người sẽ gây ra sự loãng xương, giảm mật độ xương và chất lượng xương. Khi trọng lượng của cơ thể lớn hơn khả năng hỗ trợ tải trọng của cột sống có thể gây tình trạng xẹp đốt sống, phù nề thân đối sống, thậm chí là gẫy đốt sống, chèn ép đốt sống dẫn đến liệt hoặc rối loạn cơ tròn, gây nên tình trạng đại tiện, tiểu tiện không tự chủ.

Bơm xi măng sinh học: Kỹ thuật mang lại niềm hy vọng mới cho người bị thoái hóa cột sống - Ảnh 2.

Hình ảnh phim X-quang của bệnh nhân bị vỡ lún đốt sống L1 sau chấn thương. (Nguồn ảnh: Bs cung cấp)

PV: Xẹp đốt sống sẽ gây ra tình trạng như thế nào cho bệnh nhân? 

Bác sĩ  Trịnh Tú Tâm: Tình trạng xẹp đốt sống sẽ khiến bệnh nhân đau đớn dữ dội đặc biệt là khi đi lại, khi thay đổi tư thế và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, thậm chí gây ra nhiều biến chứng nếu bệnh nhân nằm lâu.

Trước đây, để phục hồi bệnh lý này, người ta sẽ phải phẫu thuật và dùng phương pháp mổ mở như dùng nẹp vít nối bắc cầu từ đốt sống lành phía trên xuống đốt sống lành phía dưới của đốt sống bị tổn thương. Tuy nhiên, đây là một phẫu thuật xâm lấn nhiều và với trường hợp loãng xương thì phương pháp này không tối ưu vì kết cấu xương ít, xương bị loãng, khi bắt vít vào mật độ xương thưa sẽ làm nó không chắc chắn.

Bơm xi măng sinh học: Kỹ thuật mang lại niềm hy vọng mới cho người bị thoái hóa cột sống - Ảnh 3.

Phần đốt sống bị tổn thương của bệnh nhân sau khi được bơm xi măng sinh học. (Nguồn ảnh: BS cung cấp)

PV: Phương pháp bơm xi măng sinh học là gì và nó ưu việt hơn phương pháp khác như thế nào?

Bác sĩ  Trịnh Tú Tâm: Hiện nay, phương pháp bơm xi măng sinh học vào thân đốt sống sẽ khắc phục được những hạn chế này. Bản chất của xi măng sinh học là một chất lỏng và nó sẽ cứng dần lên khi được bơm vào cơ thể và có tính gắn kết mạnh giúp hàn gắn các vi xương nhỏ trong thân đốt sống giúp đốt sống bệnh nhân chắc chắn hơn và có thể trở lại với cuộc sống bình thường sớm hơn.

Kỹ thuật này cũng ít xảy ra tai biến, biến chứng. Ngoài phương pháp phẫu thuật, trước đây xẹp đốt sống còn được điều trị nội khoa bằng cách cho bệnh nhân nằm bất động tại chỗ hoặc dùng thuốc giảm đau. Tuy nhiên, thuốc giảm đau chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn. Còn nằm bất động tại chỗ có thể gây ra những biến chứng như thuyên tắc tĩnh mạch sâu, viêm phổi do ứ động hoặc loét vùng tỳ đè. Một số trường hợp không vận động được phải đóng bỉm có thể gây viêm nhiễm đường tiết niệu.

Kỹ thuật bơm xi măm sinh học có ưu điểm vượt trội là vết chọc kim vào chỉ 3-5mm ở trên da và thời gian làm thủ thuật được rút ngắn, thông thường khoảng 30-45 phút và làm bền vững đốt sống mà không cần gây mê, không gây mất máu.

Bơm xi măng sinh học: Kỹ thuật mang lại niềm hy vọng mới cho người bị thoái hóa cột sống - Ảnh 4.

Một ca bệnh được BS. Trịnh Tú Tâm tiến hành phẫu thuật bằng phương pháp bơm xi măng sinh học. (Ảnh: BS cung cấp)

Mới đây, chúng tôi vừa tiếp nhận một bệnh nhân nữ 86 tuổi bị chấn thương cột sống. Bệnh nhân kể: "Con bác ở xa và chỉ có 2 vợ chồng già ở cùng nhau, bác bị ngã 3 ngày  rồi nhưng nhà neo người nên cố nằm ở nhà xem đỡ đau không, nhưng không những không đỡ mà ngày càng đau, không ngồi dậy, đi lại được, ho cũng đau hoặc cố nói to 1 chút do ông chồng nặng tai mà cũng thấy đau, phải đóng bỉm nằm tại giường do không đi vệ sinh được...”.

Đến lúc đau quá bệnh nhân mới gọi người nhà để đưa vào. Vừa làm can thiệp vừa nói chuyện và bệnh nhân bảo: “Bác cứ tưởng đau lắm, nghe đến “đổ xi măng” đã sợ thế mà thú thật chẳng đau gì cả”. Sau can thiệp ít phút, bệnh nhân đã có thể ngồi dậy và người nhà cũng ngỡ ngàng vì không nghĩ trước khi vào phòng can thiệp còn phải khiêng mà sau đó đã thấy bệnh nhân khỏe mạnh và vui vẻ như vậy.

PV: Bơm xi măng sinh học được thực hiện cho đối tượng bệnh nhân như thế nào thưa bác sĩ?

Bác sĩ  Trịnh Tú Tâm: Chỉ định chính cho phẫu thuật này đó là những trường hợp:

- Thứ nhất, gẫy thân đốt sống do loãng xương gây đau nhiều.

- Thứ hai, gẫy lún thân đốt sống do chấn thương nhưng không có chỉ định phẫu thuật làm cứng đốt sống.

- Thứ ba, hủy thân đốt sống do u hoặc do u máu tiến triển.

PV: Chi phí để thực hiện phương pháp bơm xi măng hiện nay như thế nào và có được bảo hiểm y tế chi trả hay không?

Bác sĩ  Trịnh Tú Tâm: Có khá nhiều loại xi măng sinh học. Có những loại xi măng không có bóng hoặc xi măng kèm theo sten. Các loại xi măng này giá thành khác nhau. Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô đã thực hiện hơn 500 ca thay xi măng sinh học và hầu hết sử dụng loại không có bóng là loại có giá thành rẻ nhất với giá thành khoảng hơn 20 triệu và kỹ thuật này được Bảo hiểm y tế chi trả toàn bộ.

PV: Khả năng hồi phục sau khi tiến hành phương pháp bơm xi măng sinh học như thế nào thưa bác sĩ? Sau bao lâu bệnh nhân có thể hồi phục hoàn toàn?

Bác sĩ  Trịnh Tú Tâm: Thông thường, chúng tôi có thể kiểm tra sự thành công của kỹ thuật ngoài việc kiểm soát xi măng có trào ra khỏi đốt sống trong quá trình bơm không, có tai biến tại vùng chọc hay không, thì khoảng 30-45 phút sẽ cho bệnh nhân ngồi thử dậy, đi lại nhẹ nhàng. Sau đó sẽ cho bệnh nhân nằm nghỉ tại giường và khoảng 4-5 tiếng sau bệnh nhân có thể hoạt động sinh hoạt bình thường. Bệnh nhân có thể ra viện sau 1-2 ngày nếu như không có các bệnh lý khác phối hợp.

Bơm xi măng sinh học: Kỹ thuật mang lại niềm hy vọng mới cho người bị thoái hóa cột sống - Ảnh 5.

Bệnh nhân hoàn toàn khỏe mạnh và vui vẻ sau phẫu thuật chỉ một thời gian ngắn. (Nguồn ảnh: BS cung cấp)

PV: Vậy sau khi về nhà, bệnh nhân đã được bơm xi măng sinh học cần lưu ý điều gì?

Bác sĩ  Trịnh Tú Tâm: Như đã nói ban đầu, nguyên nhân gây vỡ lún đốt sống thường gặp ở người cao tuổi bị loãng xương hoặc do chấn thương nên việc kiểm soát và điều trị phối hợp tình trạng loãng xương là điều vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, việc đi lại của bệnh nhân cần thận trọng hơn tránh bị trượt ngã.

Khi đốt sống bơm xi măng trở nên chắc chắn vì các đốt sống lân cận sẽ trở nên yếu hơn và nếu bệnh nhân chấn thương sẽ gây vỡ lún đốt sống lân cận.

PV: Những sai lầm gì người dân thường gặp khi mắc các bệnh về cột sống, đốt sống? 

Bác sĩ Trịnh Tú Tâm: Thông thường bệnh nhân đến với chúng tôi trong tình trạng khá muộn. Bệnh nhân chia sẻ là đã cố điều trị tại nhà như nằm bất động hoặc có trường hợp còn đi chữa các thầy lang làm cho tình trạng xẹp đốt sống còn nặng hơn, đã có biến chứng chèn ép vào tủy sống hoặc chèn ép vào dãy thần kinh. Lúc này việc can thiệp kết quả cũng bị hạn chế đi rất nhiều.

PV: Vậy Bác sĩ có khuyến cáo gì đối với cộng đồng trong việc phòng ngừa và điều trị các bệnh này?

Bác sĩ Trịnh Tú Tâm: Dựa vào nguyên nhân thường gặp đối với bệnh lý này là do loãng xương, chấn thương, chúng tôi khuyến cáo người dân, đặc biệt là người cao tuổi, phụ nữ sau mãn kinh cần có chế độ sinh hoạt điều độ về dinh dưỡng và tập luyện, nên bổ sung khoáng chất và vitamin cùng với ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Đồng thời hạn chế sai tư thế khi thực hiện các động tác, tránh các tư thế xấu.

Thực tế có bệnh nhân đến với chúng tôi sau khi với tay kéo cánh cửa sổ hoặc lấy cốc nước ở xa chứng 1m đã làm cho cột sống bị xẹp xuống. Với người trẻ không có gì đặc biệt nhưng đôi khi, với người cao tuổi thì đó lại là quá sức.

Không chỉ thế, người dân cũng nên đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện xẹp đốt sống kịp thời để điều trị hoặc trường hợp có tổn thương di căn ở thân đốt sống để phát hiện sớm và điều trị trước khi quá muộn.

PV: Trân trọng cảm ơn bác sĩ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm