Bóng đá truyền sức mạnh cho trẻ em gái Ấn Độ vượt qua số phận “cô dâu nhí”

Kim Ngọc
25/09/2020 - 08:30
Bóng đá truyền sức mạnh cho trẻ em gái Ấn Độ vượt qua số phận “cô dâu nhí”

Bé gáí Ấn Độ luyện chơi bóng trước bức tranh tường về cựu đội trưởng bóng đá Baichung Bhutia. Ảnh: Aran Sankar K./AP

Rajasthan - Ấn Độ, nơi nạn tảo hôn vẫn tồn tại ngoài vòng pháp luật, hơn một thập kỷ trước, một sáng kiến thành lập đội bóng đá cho trẻ em gái giúp giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới và giúp các "cô dâu nhí" tự tin đấu tranh cho quyền lợi của mình.

"Lần đầu tiên cháu đến trại bóng đá là ngay ngày kết hôn. Cháu không đồng ý, nhưng cha cháu không chịu" cô bé 15 tuổi cuồng bóng đá nói với Thomson Reuters Foundation qua điện thoại.

"Bây giờ cháu quyết đoán hơn. Cháu không còn ngại ngùng nữa. Cháu đã bắt đầu chơi bóng lại khoảng một tháng trước. Sẽ không nảy sinh vấn đề cháu rời khỏi đội bóng nữa"- Meera, người đã kết hôn trong một đám cưới lớn cùng với hai chị gái của mình vào 3 năm trước cho biết.

Để phù hợp với tập tục thông thường đối với các cô gái kết hôn sớm ở Rajasthan, hầu hết các cô dâu trẻ sẽ không làm lễ 'gauna' - nghi lễ tiễn con gái về nhà chồng cho đến khi đủ 18 tuổi - độ tuổi kết hôn hợp pháp ở Ấn Độ.

Nhưng khi đại dịch Covid - 19 bùng phát ở Ấn Độ, một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới khiến trường học đóng cửa và vùng nông thôn gặp khó khăn , Meera lo sợ 'cơn ác mộng' có thể đến sớm đối với các cô gái trong làng cô.

Bóng đá truyền sức mạnh cho trẻ em gái Ấn Độ vượt qua số phận “cô dâu nhí” - Ảnh 1.

Khủng hoảng do COVID-19 dẫn đến tình trạng tảo hôn ở Ấn Độ (Ảnh: Báo Tuổi trẻ thủ đô)

Theo dữ liệu của UNICEF năm 2018, khoảng 27% trẻ em gái ở Ấn Độ kết hôn trước khi đủ 18 tuổi, giảm so với 47% của một thập kỷ trước đó. Nhưng đã có nhiều cảnh báo rằng, cuộc khủng hoảng do COVID-19 có thể dẫn đến tình trạng tảo hôn và làm ảnh hưởng đến tiến bộ đã đạt được.

Theo thống kê của UNICEF, trong số 223 triệu phụ nữ và trẻ em gái ở Ấn Độ kết hôn khi chưa đủ tuổi, gần một nửa đã kết hôn trước khi bước sang tuổi 15.

Cơ hội đi nhiều nơi nhờ bóng đá

Meera và các đồng đội của mình lần đầu tiên đến với trò chơi nhờ một chương trình do tổ chức phi lợi nhuận Mahila Jan Adhikar Samiti (MJAS) phát động cách đây 4 năm, nhằm chống lại nạn tảo hôn và giúp các bé gái thực hiện ước mơ của mình. Chương trình tập trung vào bốn ngôi làng ở quận Ajmer của Rajasthan, nơi thường xảy ra tình trạng tảo hôn.

Khi Indira Pancholi, người sáng lập MJAS và là người đứng đầu của tổ chức Girls Not Brides ở Rajasthan nhận được tiền tài trợ cho một sáng kiến dựa trên thể thao, cô đã đi hỏi các cô gái trò chơi yêu thích của họ để tìm ra trò chơi phù hợp. Nhưng cuối cùng, họ đã chọn bóng đá. Pancholi nói "Chúng tôi không biết tại sao họ lại chọn bóng đá, nhưng từ những cuộc trò chuyện, họ nhận ra rằng họ muốn chạy trên một sân cỏ rộng lớn.

Hơn 1/4 trong số 170 cô gái thuộc đội của Meera cũng đã từng kết hôn hoặc đính hôn khi còn nhỏ.

Khi lệnh phong tỏa do COVID – 19 khiến Ấn Độ rơi vào bế tắc hồi tháng 3, Sudhir Joseph, Thư ký chung của Hiệp hội bóng đá Rajasthan, lo lắng nhiều người trong số họ sẽ bỏ cuộc.

"Tôi sợ rằng các bé gái sẽ bỏ học, nhưng họ vẫn quan tâm đến đá bóng", anh nói. Sudhir Joseph cũng cho biết thêm rằng, trò chơi đã nâng cao sự tự tin của các bé gái và mở rộng tầm nhìn của họ bằng cách cho phép họ đi đó đi đây để chơi bóng. "Bóng đá đã đưa họ ra khỏi nhà và nhìn thấy thế giới bên ngoài ngôi làng mình", anh nói.

Khi Rashi, 17 tuổi, trở về từ trại bóng đá lần đầu tiên, cô mặc quần đùi và áo phông chứ không phải váy rộng, áo và khăn quàng cổ dài như cô đã từng mặc, cha mẹ cô đã rất giận dữ.

"Dân làng phản đối và nói rằng các nhà vận động đang làm chúng tôi hư hỏng bằng cách bắt chúng tôi chơi trò chơi của nam giới. Ngay cả những bé gái không tham gia đội bóng cũng cho rằng chúng tôi là người hư hỏng" - Rashi, người đã kết hôn 2 năm trước và từ chối cho biết tên thật của mình chia sẻ.

Tuy nhiên, họ quyết tâm không được thu mình lại và tiếp tục nỗ lực.

Từng chút một, cha mẹ và hàng xóm bắt đầu chấp nhận những bé gái chơi bóng khi họ mang cúp về nhà từ các giải đấu địa phương hoặc các trận đấu ở các thành phố lớn.

Ramlal Bhadana, một thành viên của hội đồng làng Hasiyawas ở Rajasthan cho biết: "Chúng tôi sống ở một ngôi làng hẻo lánh, vì vậy chúng tôi không biết đây là gì (các bé gái chơi bóng đá) ... Nhưng các em chưa bao giờ bỏ lỡ một ngày luyện tập nào, kể cả bây giờ, và họ bắt đầu học tốt. Năm em gái từ làng của chúng tôi đang học đại học", anh nói.

Can đảm để thể hiện chính mình

Pancholi cho biết, bóng đá hóa ra là một "chiến lược tuyệt vời", nêu bật sự thành công trong việc thuyết phục gia đình các bé gái cho họ tham gia các trại kéo dài một tuần.

Meera nói, các trại bóng đá giúp các bé gái được giải phóng, cải thiện kỹ thuật và chiến lược trên sân cỏ, đồng thời tìm hiểu về luật tảo hôn, lựa chọn nghề nghiệp và gặp gỡ các quan chức pháp lý từ quận ở quê cô.

Meera, người muốn trở thành một huấn luyện viên bóng đá khi cô ấy kết thúc trường học đã dành thời gian rảnh rỗi trong lúc nghỉ học đến thăm các gia đình địa phương để khuyến khích họ cho con gái tham gia đội bóng đá. Cô bé chia sẻ vẫn cần phải làm nhiều việc. Cô tâm sự: "Cháu muốn những bạn gái có đủ can đảm để lên tiếng và không bị mắc kẹt trong hôn nhân. Ngoài ra, nếu có nhiều người tham gia vào đội bóng, việc dân làng nhìn thấy các bạn gái chơi bóng sẽ trở nên bình thường hơn".

Nguồn: Reuters
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm