Bong tróc da đầu ngón tay: Nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa

Vân Anh (Tổng hợp)
13/12/2023 - 10:58
Bong tróc da đầu ngón tay: Nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa
Bong tróc đầu ngón tay thường không phải là tình trạng gây lo ngại. Điều này thường là do các chất kích thích từ môi trường hoặc các nguyên nhân như da khô. Tuy nhiên, đôi khi, bong tróc đầu ngón tay có thể cảnh báo bệnh lý tiềm ẩn.

Bong tróc da đầu ngón tay là tình trạng khá nhiều người gặp phải, đặc biệt khi bắt đầu vào mùa đông hoặc rửa tay quá nhiều. Mặc dù bong tróc da đầu ngón tay thường không gây lo ngại nhưng đây cũng có thể là triệu chứng của một số bệnh lý da liễu.

1. Nguyên nhân gây bong tróc da đầu ngón tay

Có 2 nguyên nhân lớn gây ra tình trạng bong tróc da đầu ngón tay:

1.1. Do thói quen và môi trường

Bong tróc da đầu ngón tay thường liên quan đến thói quen hoặc các yếu tố bên ngoài hơn là những gì đang diễn ra bên trong cơ thể bạn. Một số ví dụ:

- Rửa tay thường xuyên

Rửa tay là một trong những biện pháp giảm sự lây lan của vi khuẩn, virus gây bệnh nhưng rửa tay quá nhiều có thể làm mất đi hàng rào lipid trên bề mặt da. Điều này có thể khiến xà phòng thấm vào các lớp da nhạy cảm hơn, dẫn đến kích ứng và bong tróc da đầu ngón tay cũng như các vùng da khác trên bàn tay. Đặc biệt, sử dụng nước nóng có thể làm trầm trọng thêm vấn đề.

- Thời tiết khô

Vào những mùa có thời tiết khô hanh, chẳng hạn như mùa đông khiến da dễ mất đi độ ẩm và bị khô, bong tróc, nứt nẻ. Nếu không dưỡng ẩm thường xuyên, bạn dễ gặp tình trạng này và các triệu chứng càng ả nên trầm trọng.

- Cháy nắng

Cháy nắng gây tổn thương da thông qua tia cực tím (UV). Da có thể bị đổi màu, ấm, đau và mềm trước khi bắt đầu bong tróc. Có thể mất vài ngày để da bắt đầu bong tróc sau đợt cháy nắng ban đầu.

- Sử dụng các chất tẩy rửa mạnh

Việc sử dụng các chất tẩy rửa mạnh trong cuộc sống hàng ngày hay trong công việc, chẳng hạn trong nông nghiệp, xây dựng và sản xuất có thể khiến da đầu ngón tay bị bong tróc, đổi màu da, sưng, đau, phồng rộp.

Bong tróc da đầu ngón tay: Nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa- Ảnh 1.

Một số thói quen hoặc yếu tố môi trường có thể khiến da bị mất đi độ ẩm và dẫn tới bong tróc (Ảnh: ST)

1.2. Do bệnh lý

Các tình trạng bệnh lý tiềm ẩn có thể khiến da đầu ngón tay bị bong tróc, bao gồm:

- Chàm

Chàm tay là một tình trạng khá phổ biến, bệnh có thể do di truyền hoặc do tiếp xúc với chất gây dị ứng hoặc chất kích thích, chẳng hạn như xà phòng, dầu gội và các sản phẩm làm đẹp khác.

Ngoài gây bong tróc da đầu ngón tay, các triệu chứng khác của chàm tay bao gồm: đau, sưng tấy hoặc phồng rộp, nứt nẻ, có mủ hoặc chảy máu trong những trường hợp nặng.

- Dị ứng

Da trên đầu ngón tay cũng có thể bong tróc nếu bạn bị dị ứng với thứ gì đó. Ví dụ, bạn có thể tiếp xúc với niken khi đeo đồ trang sức rẻ tiền. Dị ứng này sẽ khiến da bị đổi màu và ngứa, sau đó sẽ phồng rộp và cuối cùng là bong tróc.

Ngoài ra, một số tình trạng dị ứng da khác có thể khiến da đầu ngón tay bị bong tróc như dị ứng latex, acrylic trong móng tay giả, thực phẩm hoặc thực vật, một số loại thuốc.

Bong tróc da đầu ngón tay: Nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa- Ảnh 2.

Các tình trạng dị ứng có thể khiến da bị đầu ngón tay bị bong tróc kèm theo đó có thể là ngứa, phồng rộp hoặc đổi màu (Ảnh: ST)

- Thiếu Niacin (vitamin B-3) hoặc ngộ độc vitamin A

Hấp thụ quá ít hoặc quá nhiều vitamin nhất định có thể khiến da bạn bị bong tróc, kể cả ở đầu ngón tay.

Chẳng hạn, thiếu Niacin (vitamin B-3) có thể dẫn đến viêm da, tiêu chảy và thậm chí là chứng mất trí nhớ. Bổ sung quá nhiều vitamin A có thể gây kích ứng da và nứt móng tay cùng các triệu chứng khác như buồn nôn, chóng mặt, đau đầu, mệt mỏi.

- Vẩy nến

Bệnh vẩy nến là một tình trạng da gây ra các mảng da bong tróc tạo thành vảy, đổi màu da.

Bệnh vẩy nến là một bệnh tự miễn, có nghĩa là nó xảy ra do sự thay đổi trong hệ thống miễn dịch của một người. Trong bệnh vẩy nến, cơ thể gửi nhầm tế bào T để tấn công các tế bào da khỏe mạnh. Tế bào T là một loại tế bào bạch cầu giúp chống nhiễm trùng.

Khi tế bào T tấn công da, nó sẽ gây ra sự sản xuất quá mức các tế bào da, sau đó tích tụ thành các mảng mảng bám và đóng vảy.

Các yếu tố bên ngoài, bao gồm chấn thương, chế độ ăn uống, độ ẩm và căng thẳng, có thể gây ra các đợt vảy nến bùng phát. Do đó, những người bị bệnh này cần có chế độ chăm sóc tốt để kiểm soát các triệu chứng.

Bong tróc da đầu ngón tay: Nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa- Ảnh 3.

Bệnh vảy nến có thể khiến đầu ngón tay bị bong tróc và nứt nẻ (Ảnh: ST)

- Tróc tế bào da và sừng bàn tay

Quá trình tiêu sừng tẩy tế bào chết thường xảy ra trong những tháng mùa hè. Tình trạng này có thể gây ra mụn nước, cuối cùng sẽ bong tróc. Điều này sẽ khiến da bị đổi màu, có cảm giác khô và nứt nẻ. Xà phòng và chất tẩy rửa gây kích ứng có thể khiến tình trạng trở nên tồi tệ hơn.

- Bệnh Kawasaki

Bệnh Kawasaki, hay hội chứng Kawasaki, là một tình trạng hiếm gặp, chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em dưới 5 tuổi. Triệu chứng dễ nhận thấy nhất là sốt cao kéo dài hơn 5 ngày. Bệnh lý này còn có thể gây bong tróc da ở đầu ngón tay.

2. Cách điều trị và phòng ngừa bong tróc da đầu ngón tay

Để điều trị bong tróc da đầu ngón tay thì cần dựa vào nguyên nhân gây bệnh. Đối với các nguyên nhân do môi trường, thói quen thì việc điều trị sẽ dễ dàng và nhanh chóng hơn so với các nguyên nhân do bệnh lý.

2.1. Cách điều trị và phòng ngừa bong tróc da đầu ngón tay do môi trường, thói quen

Nếu bạn bị bong tróc trên da đầu ngón tay do các yếu tố bên ngoài, bạn chỉ cần thay đổi các thói quen thì tình trạng bong tróc sẽ tự biến mất. Tuy nhiên, một số biện pháp tại nhà có thể giúp làm dịu da nhanh chóng bạn cũng có thể áp dụng như:

- Thoa kem dưỡng ẩm để làm dịu các vùng bong tróc.

- Sử dụng lô hội để giữ cho vùng da được dịu mát và giữ ẩm khi bị cháy nắng. 

Bên cạnh việc điều trị, phòng ngừa bong tróc da trên đầu ngón tay cũng là điều cần thiết. Một số lời khuyên cụ thể cho tình trạng này như:

- Rửa tay vừa đủ: Việc rửa tay hoặc rửa tay với xà phòng là điều cần thiết để tránh các loại vi khuẩn, virus gây bệnh. Nhưng bạn có thể rửa với tần suất hợp lý, chẳng hạn như nên rửa tay sau khi đi vệ sinh, tiếp xúc với người ốm hoặc trước khi ăn. Thời gian rửa tay khoảng từ 30 giây đến 1 phút. Rửa tay bằng các sản phẩm dịu nhẹ.

- Thoa kem dưỡng ẩm: Da đầu ngón tay bị bong tróc do các yếu tố bên ngoài thường là do da bị mất đi độ ẩm, dẫn tới khô da và tróc vảy. Do đó, bạn nên thoa kem dưỡng ẩm thường xuyên, đặc biệt sau khi rửa tay để giữ độ ẩm cho da tay, giúp da mềm mịn.

- Thoa kem chống nắng: Thoa kem chống không chỉ phòng ngừa tình trạng cháy nắng mà còn bảo vệ da khỏi các nguy cơ nám sạm hoặc nghiêm trọng hơn là ung thư da.

- Tránh xa các chất kích ứng hoặc chất tẩy rửa mạnh: Nếu biết mình bị kích ứng với sản phẩm gì, bạn nên tránh xa và tìm các sản phẩm thay thế lành tính hơn, chẳng hạn như các sản phẩm tự nhiên.

Bong tróc da đầu ngón tay: Nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa- Ảnh 4.

Thoa kem dưỡng ẩm sẽ giúp giảm triệu chứng và phòng ngừa tình trạng bong tróc da đầu ngón tay (Ảnh: ST)

2.2. Cách điều trị và phòng ngừa bong tróc da đầu ngón tay do bệnh lý

Tuỳ vào bệnh lý, cách điều trị bong tróc da trên đầu ngón tay sẽ khác nhau. Bạn nên đến bệnh viện kiểm tra da và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, như sử dụng kem mỡ, kem dưỡng ẩm,...

Ngoài ra, mọi người có thể kiểm soát và phòng ngừa các triệu chứng các bệnh da liễu bùng phát bằng cách: thoa kem dưỡng ẩm thường xuyên, tránh sử dụng nước nóng, tránh tiếp xúc với các chất gây kích ứng hoặc chất tẩy rửa mạnh bằng cách đeo găng tay khi làm việc...

Có thể nói, bong tróc da đầu ngón tay có thể kiểm soát và phòng ngừa. Tuy nhiên, nếu tình trạng này khiến bạn bị đau, nhiễm trùng hoặc cản trở cuộc sống hàng ngày thì bạn nên đến bệnh viện để được bác sĩ đánh giá và hướng dẫn cách điều trị.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm