Boxing nữ Việt Nam “tái xuất” đầy ấn tượng

08/11/2017 - 22:27
Tay đấm Nguyễn Thị Tâm đoạt HCV duy nhất cho Việt Nam tại Giải Vô địch boxing nữ châu Á vừa diễn ra tại Nhà thi đấu Nguyễn Du, TPHCM. Tuy nhiên, với việc có tới 5 võ sĩ vào chung kết, các cô gái đấm bốc Việt Nam đã có màn “tái xuất” đầy ấn tượng.

Sau 7 ngày thi đấu đầy quyết liệt, chiều ngày 9/11, các trận chung kết của Giải Vô địch boxing nữ châu Á 2017 đã diễn ra. Nguyễn Thị Tâm đã xuất sắc chiến thắng Pang Choi Mi (CHDCND Triều Tiên) ở hạng cân 51 kg để lên ngôi vô địch, đem về chiếc HCV lịch sử cho boxing nữ Việt Nam tại đấu trường châu lục. Như vậy, môn thể thao tưởng như đã rơi vào quên lãng, đã trở lại với những cô gái đầy mạnh mẽ, bản lĩnh, mang về chiến tích lịch sử cho thể thao Việt Nam.

1.jpg
Tay đấm Nguyễn Thị Tâm xuất sắc đoạt tấm HCV lịch sử cho boxing nữ Việt Nam tại đấu trường châu lục

 

Mặc dù vậy, theo giới chuyên môn thì việc chỉ đoạt 1 HCV là đáng tiếc cho các cô gái Việt Nam, bởi có tới 5 tay đấm nữ của Việt Nam lọt vào chung kết. Đáng kể nhất là Lê Thị Bằng đã góp mặt ở trận chung kết 54 kg sau khi vượt qua nhiều đối thủ rất mạnh như Aya Shinmoto (Nhật Bản), Liu Piaopiao (Trung Quốc) và Song Sim Kim (CHDCND Triều Tiên); Lừu Thị Duyên cũng chiến thắng nữ võ sĩ Triều Tiên Choe Hye Song ở trận bán kết hạng cân 60 kg, cùng với Nguyễn Thị Hương (dưới 81 kg) và Trần Thị Oanh Nhi (trên 81 kg).

Tâm sự sau khi đoạt HCV châu Á, Nguyễn Thị Tâm cho biết: “Quyền anh đã làm cho con người tôi thêm mạnh mẽ, tự tin. Có những lần tập luyện quá mệt hay thất bại, tôi khóc nhiều và có chán nản nhưng các tấm gương như võ sĩ Lừu Thị Duyên (HCV SEA Games 27), Nguyễn Thị Yến (HCV SEA Games 28)… đã giúp tôi đứng vững”.

luu-thi-duyen.jpg
Boxing là môn thể thao vô cùng khắc nghiệt

 

Thực tế dễ thấy không môn nào sánh được với boxing nữ về sự khắc nghiệt của việc tập luyện, thi đấu, giống như một sự tàn phá liên tục, lâu dài mà chỉ có một số ít có thể vượt qua. Bất cứ nữ võ sĩ nào khi bắt đầu đội mũ, so găng cũng là lúc bắt đầu phải nhận những cú đấm trời giáng từ các thầy hay các đàn chị, để thử khả năng chịu đòn như một quy định bất thành văn. Rồi ngày ngày, họ đều phải giơ mặt ra cho nhau đấm, với đủ các mức độ, chuyện “dính” thương tích là rất “bình thường”. Có đến quá nửa đã phải bỏ cuộc giữa chừng, có khi chỉ sau vài tháng hay vài tuần vì “hãi” quá.

4.jpg
Để trở thành võ sĩ quyền Anh, các cô gái đã phải chấp nhận rất nhiều hy sinh

 

Các cô gái đấm bốc đã chấp nhận hy sinh, vượt khó chịu khổ như thế song chỉ nhận được mức thu nhập bèo bọt đến khó tin: Cỡ tuyển thủ quốc gia trụ cột cũng chỉ nhận 4-5 triệu đồng/tháng, cộng tiền công tập luyện ngày nào tính ngày ấy. VĐV cấp tỉnh còn thấp hơn nhiều.

Trưởng bộ môn quyền Anh Tổng cục TDTT, TS Vũ Đức Thịnh, cho biết: "Để có được thành công này, chúng tôi đã tham mưu cho lãnh đạo Tổng cục TDTT tập trung phát triển boxing nữ. Thời gian vừa qua, chúng ta có những tay đấm nữ đạt đến đẳng cấp thế giới và giành được thành tích cao ở đấu trường quốc tế, như HCV trẻ thế giới, 2 HCĐ Á vận hội và 2 HCV SEA Games 2015. Năm nay, boxing nữ không được đưa vào thi đấu ở SEA Games nhưng chúng ta tập trung giành thành tích cao nhất ở đấu trường châu lục và xa hơn là Olympic".

2.jpg
Võ sĩ người Mông Lào Cai Lừu Thị Duyên từng giành HCV SEA Games, huy chương ASIAD

 

Tổng cục TDTT đang chú trọng đầu tư, đưa boxing trở thành một trong những môn thể thao trọng điểm, đặc biệt là boxing nữ. Nói rõ hơn về điều này, ông Thịnh khẳng định: "Gần đây, chúng tôi đưa boxing về khu vực ĐBSCL - một trong những địa bàn có nhiều tiềm năng để phát triển. Qua một vài năm đào tạo ở ĐBSCL, nhiều gương mặt mới được phát hiện, như Đỗ Hồng Ngọc (17 tuổi, Cần Thơ) đoạt HCV giải toàn quốc, HCV giải trẻ Đông Nam Á, đánh thắng cả các đối thủ Thái Lan và Philippines. Tiềm năng của boxing nữ Việt Nam rất tốt. Nếu chúng ta đầu tư đúng, đầu tư trọng điểm thì tôi tin rằng chúng ta sẽ có HCV ở Á vận hội và Olympic trong 3-4 năm tới".

Nói về định hướng trong tương lai, Chủ tịch Liên đoàn quyền Anh Việt Nam, ông Trần Minh Tiến cho rằng cần phải làm sao để chuyên nghiệp hóa boxing, nhất là boxing nữ, đưa môn này trở thành một nghề, tức là khi võ sĩ thi đấu là phải có tiền, có thưởng. "Có như vậy thì các em mới có chi phí để nuôi sống được bản thân và gia đình, đặc biệt là các tay đấm nữ. Làm được như vậy, chúng ta mới giữ được VĐV giỏi. Đó là một trong những vấn đề mà Liên đoàn quyền Anh đã đặt ra với lãnh đạo ngành TDTT. Phải giải quyết được vấn đề đó thì mới đưa boxing tiến lên và có thành tích sánh ngang với các nước trong khu vực, châu lục cũng như thế giới", ông Tiến nhận định.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm