Brazil phế truất tổng thống, chính trường 'nổi sóng'

01/09/2016 - 17:46
Với kết quả 61 phiếu thuận và 21 phiếu chống, Thượng viện Brazil đã chính thức kết tội “vi phạm luật ngân sách” đối với nữ tổng thống Dilma Rousseff và đã quyết định phế truất bà. Sóng ngầm đã nổi lên ở Brazil và khu vực Nam Mỹ.
dilma-rousseff-1.jpg
Tổng thống Brazil Dilma Rousseff trong phiên điều trần cuối cùng tại thượng viện
Sự ra đi của bà Dilma đã đặt dấu chấm hết cho 13 năm lãnh đạo của phe cánh tả tại Brazil. Kết quả cuộc bỏ phiếu của thượng viện đã gây ra những phản ứng trái ngược. Trong khi những người phản đối ăn mừng bằng việc hát quốc ca và vẫy cờ Brazil thì những người ủng hộ bà Dilma bật khóc, cho rằng bà vô tội. Bị miễn nhiệm vì cáo buộc vi phạm luật ngân sách, bà Dilma phủ nhận tất cả hành vi sai trái, thề kháng án lên tòa án tối cao để bác bỏ cái gọi là một cuộc đảo chính chính trị nhằm lật đổ bà.
dilma-rousseff-2.jpg
Người ủng hộ bà Dilma xuống đường tuần hành
Giới quan sát dự báo quyết định bãi nhiệm bà Rousseff sẽ châm ngòi cho các cuộc biểu tình lớn ở Brazil, đẩy nền kinh tế nước này càng chìm sâu vào khủng hoảng và bất ổn. Trong những ngày Thượng viện họp, hàng nghìn người ủng hộ bà Rousseff đã biểu tình tại các thành phố lớn như Brasilia và Rio de Janeiro để phản đối. Ngay sau khi phiên tòa kết thúc đêm 31/8, đại diện đảng Lao động (PT) khẳng định các tổ chức xã hội và những người ủng hộ bà này sẽ xuống đường tuần hành yêu cầu tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn.

Ngay sau khi bà Rousseff bị bãi nhiệm, Chính phủ của Tổng thống lâm thời Michel Temer chính thức nắm quyền cho đến hết nhiệm kỳ vào năm 2018. Ông Temer đã cam kết sẽ kéo nền kinh tế nước nhà thoát khỏi cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong lịch sử, từ những năm 1930, đồng thời triển khai các biện pháp thắt lưng buộc bụng nhằm hạn chế thâm hụt ngân sách quốc gia đang ở mức kỷ lục. Tuy nhiên, Chính quyền của ông Temer được dự báo sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong 2 năm tới bởi nền kinh tế Brazil đang rơi vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất kể từ cuộc đại khủng hoảng những năm 30 của thế kỷ trước. Trong năm 2015, kinh tế Brazil tăng trưởng âm 3,8%, đồng nội tệ real mất giá gần 50%, lạm phát ở mức hơn 10% và nợ công tương đương 65% GDP. Ngân hàng trung ương Brazil mới đây dự báo kinh tế nước này sẽ suy giảm 3,2% trong năm 2016. Bên cạnh đó, ông Temer cũng đứng trước nhiều nguy cơ chính trị bởi nhiều thành viên trong nội các đang trong diện điều tra vì tình nghi liên quan tới vụ bê bối tham nhũng khổng lồ của Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras.
dilma-rousseff-3.jpg
Nhiều người dân phản đối chính quyền ông Michel Temer
Nhiều nước Mỹ Latinh đã lên tiếng phản ứng trước những diễn biến chính trị mới nhất tại quốc gia Nam Mỹ. Cựu nữ Tổng thống Argentina Cristina Fernández đã nhấn mạnh: “Một lần nữa, Nam Mỹ lại trở thành phòng thí nghiệm của phe cánh hữu cực đoan… Trái tim của chúng tôi luôn bên cạnh người dân Brazil, bà Dilma, ông Lula và các đồng chí của PT”. Venezuela tuyên bố nước này đang rút đại sứ khỏi thủ đô Brasilia và đóng băng các mối quan hệ với Brazil. Đây được xem là phản ứng tức thì của Caracas ngay sau khi Thượng viện Brazil chính thức việc bãi nhiệm Tổng thống Dilma Rousseff.

Còn Tổng thống Ecuador Rafael Correa khẳng định sẽ rút đại biện lâm thời nước này ở Brasilia để phản đối quyết định của Thượng viện Brazil và bày tỏ tình đoàn kết với bà Rousseff. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Bolivia đã tham vấn Đại sứ nước này tại Brazil và kêu gọi các nước Mỹ Latinh phản đối hành động “đảo chính mềm” gây nguy hiểm cho nền dân chủ. Tại Uruguay, nghị sĩ Daniel Caggiani, Phó Chủ tịch Nghị viện Khối thị trường chung Nam Mỹ (Parlasur), thành viên đảng Mặt trận mở rộng cầm quyền, khẳng định nền dân chủ của Brazil đã bị hủy hoại.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm