Brexit, Chính phủ Mỹ đóng cửa: Người dân trở thành 'con tin chính trị'?

26/01/2019 - 22:09
Để gây sức ép cho đối thủ, các đảng phái chính trị đã không ngần ngại sử dụng quyền lợi người dân, an sinh xã hội như một chiêu bài.

Như PNVN đã đưa tin, ngày 25/1, Tổng thống Donald Trump đã có những nhượng bộ nhất định để chính phủ Mỹ mở cửa hoạt động trở lại sau đợt đóng cửa dài kỷ lục 35 ngày. Tuy nhiên, nhượng bộ này chưa hoàn toàn chấm dứt những bất đồng của 2 đảng phái lớn nhất xứ sở cờ hoa và cũng đang chiếm tuyệt đại đa số ghế tại lưỡng viện - điều đó đồng nghĩa mâu thuẫn bất đồng vẫn còn tồn tại, chính phủ có thể bị đóng cửa bất cứ lúc nào. Tệ hơn, ông Trum còn cho thời hạn 15 ngày để 2 đảng thỏa thuận, nếu không ông sẽ tái đóng cửa chính phủ, đồng thời ban bố tình trạng khẩn cấp để đạt mục đích được cấp tiền xây dựng bức tường ở biên giới với Mexico.

35 ngày chính phủ đóng cửa cũng là ngần ấy thời gian, 800.000 viên chức chính phủ phải nghỉ việc không lương, cùng với nhiều người khác vẫn phải đi làm mà không hề có lương. Các dịch vụ công bị đình trệ, Cơ quan quản lý công viên quốc gia Mỹ đã tạm dừng tất cả các dịch vụ phi khẩn cấp, trong đó có dịch vụ dành cho du khách như nhà vệ sinh công cộng, dọn dẹp rác thải, bảo trì các tuyến đường và trung tâm hỗ trợ. Ước tính hơn 21.000 nhân viên phải nghỉ việc. Người ta cũng ước tính có đến hơn 7 triệu bà mẹ và trẻ em bị ảnh hưởng bởi sự kiện chính phủ đóng cửa.

 

Tổng thống Donald Trump trong cuộc đàm phán với đại diện phe đối lập

 

Về phía kinh tế, theo một thống kê, mỗi ngày chính phủ đóng cửa, các doanh nghiệp có thể bị thiệt hại lên đến 200 triệu USD, thiệt hại của toàn nền kinh tế có thể lên đến nhiều tỷ USD.

Đương nhiên, các nghị sỹ, các thành viên của cả đảng Cộng hòa và Dân chủ biết, thậm chí biết rất rõ điều này. Hơn thế nữa họ còn công bố, nhấn mạnh những điều này để “đổ lỗi” cho đối thủ chính trị của mình đã gây ra hậu quả.

Nhưng nhìn trên bình diện rộng hơn, rõ ràng sự mâu thuẫn, bất đồng giữa 2 đảng phái đang đổ trách nhiệm lên đầu người dân.

Tệ hơn nữa, ở một góc độ nào đó, họ đã đem an sinh xã hội, quyền lợi chính đáng của chính những người dân để mặc cả với nhau, nói một cách khác những người dân đang bị bắt làm con tin của hai chính đảng lớn nhất nước Mỹ.

* Ở lục địa già châu Âu, một đồng minh khác của Mỹ là Anh quốc - cuộc khủng hoảng Brexit vẫn chưa tìm được đường ra. 2 năm rưỡi kể từ sau cuộc trưng cầu dân ý, quốc gia này và EU vẫn chưa thể thống nhất cách thức để “ly hôn”. Nhưng thực sự có phải là nước Anh và EU chưa tìm được tiếng nói chung? Không hẳn là như vậy. Người dân Anh, cụ thể hơn là cử tri Anh quốc, đã quyết định rời khỏi liên minh châu Âu, tuy nhiên cách thức cụ thể lại do Chính phủ Anh mà ở đó các đảng phái với những đại diện của mình là các nghị sĩ, quyết định. Cùng nhân danh đại diện cho quyển lợi nhân dân nhưng mỗi đảng phái thực chất lại theo đuổi những lợi ích riêng của mình, hay nói cách khác là lợi ích của những bộ phận, những tầng lớp khác nhau. Chính vì thế họ không tìm được một giải pháp thống nhất thực sự.

Trong khi thời gian tiếp tục trôi đi, thời hạn cuối đã cận kề, những giải pháp liên tục được đưa ra rồi lại liên tục bị bác bỏ.

Theo tính toán, những thiệt hại sẽ là vô cùng lớn nếu Anh quốc và EU không thống nhất được giải pháp cho Brexit và nước Anh sẽ ra đi trong “hỗn loạn”. Hàng loạt doanh nghiệp bị ảnh hưởng, những lao động cũng gặp khó khăn... Giới chuyên gia nhận định nếu kịch bản Anh rời EU mà không đạt được thỏa thuận xảy ra, đồng bảng Anh sẽ tăng 25% và giá nhà ở tăng 30%, gây ra nguy cơ suy thoái.

Người biểu tình kêu gọi ở lại EU, hủy thỏa thuận Brexit hiện tại. (Nguồn: Reuters).

 

Bất chấp những nguy cơ đe dọa đến cuộc sống của người dân, các đảng phái ở Anh quốc vẫn cứng rắn trong quan điểm của mình. Bên cạnh đó, họ còn lợi dụng tình thế khó khăn của đất nước để tranh giành quyền lực, tìm cơ hội hạ bệ nhau.

Những cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm trong đảng, trong nghị viện liên tục được đưa ra nhưng thực tế cho thấy, đó cũng không phải là giải pháp đúng đắn để giải quyết vấn đề. Vấn đề hoàn toàn không nằm ở cá nhân Thủ tướng Theresa May mà ở một hoàn cảnh khó khăn của một sự kiện hoàn toàn chưa có tiền lệ. Bà May không phải là người yếu kém trong mắt của đa số thành viên đảng Bảo thủ hay các nghị sĩ, tuy nhiên các đối thủ chính trị, cả “thù trong” lẫn “giặc ngoài”, vẫn không bỏ qua bất kỳ cơ hội nào để hạ bệ bà. Thực tế, những động thái này chỉ làm tăng thêm sự chia rẽ và làm mất thời gian quý báu đáng ra nên dành để tìm giải pháp cho Brexit sao cho ổn thỏa và tốt đẹp hơn.    

Một lần nữa người ta phải đặt ra câu hỏi với những gì đang làm liệu các đảng phái này đã thực sự đặt quyền lợi của người dân trên hết hay dưới một góc độ nào đó, họ đang sử dụng nó như một chiêu bài để gây sức ép lên đối thủ của mình? 

Ngay cả ở những thể chế được cho là dân chủ, tiến bộ, vẫn cần có sự hoàn thiện nhiều hơn nữa để tránh tình trạng các phe phái sử dụng người dân như một con tin trong chiêu bài chính trị của mình.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm