BS Trương Hữu Khanh: Virus gây bệnh Covid-19 đang thuần với con người hơn

Đinh Thu Hiền
18/02/2021 - 16:15
BS Trương Hữu Khanh: Virus gây bệnh Covid-19 đang thuần với con người hơn

Virus nCoV gây ra căn bệnh Covid-19

'Ngày càng nhiều các ca bệnh ít triệu chứng hoặc không triệu chứng, âm tính nhanh, chứng tỏ virus gây bệnh Covid-19 đang thuần hơn với con người' - BS Trương Hữu Khanh, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm cho biết

BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I, TPHCM, thành viên Hội đồng đánh giá tiêm chủng quốc gia, trong cuộc trả lời phỏng vấn riêng với phóng viên báo Phụ Nữ Việt Nam, đã cho biết ý kiến riêng của ông về virus nCoV và tình hình dịch bệnh Covid-19. 

"Theo dõi các ca nhiễm bệnh tại TPHCM và Hải Dương, tôi nhận thấy số ca bệnh nặng và có triệu chứng không nhiều. Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC), thì các ca nhiễm tại địa phương này không triệu chứng và âm tính rất nhanh. Ngay cả các ca có triệu chứng thì cũng ổn nhanh, chứng tỏ virus nCoV đã thuần hơn với con người", BS Trương Hữu Khanh cho biết.

BS Trương Hữu Khanh: Virus gây bệnh Covid-19 đang thuần với con người hơn - Ảnh 1.

BS Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM

Theo chuyên gia này, về nguyên tắc, virus từ động vật lây sang người thì sẽ thuần dần, trở thành virus người. Và virus người không phải tấn công ai thì người đó cũng bị bệnh, chỉ có 1 tỉ lệ nhất định nhiễm bệnh mà thôi. Đa số những người có triệu chứng nặng, là do cơ địa đặc biệt.

BS Khanh giải thích thêm, về cơ chế, dòng virus sẽ thích hợp với ký chủ của nó. Thông thường virus nếu hợp với ký chủ thì sẽ cộng sinh, chứ không làm ký chủ chết. Trong số các ký chủ mắc bệnh, tỉ lệ chết sẽ rất thấp. Nếu virus đó lây qua 1 ký chủ khác trong giai đoạn đầu thì sẽ làm ký chủ tử vong hoặc sẽ ngừng lại không lây nữa. Virus khi đã giao thoa nhiều lần, thì sẽ tăng khả năng lây hơn. Sau thời gian nữa, virus sẽ lây từ ký chủ mới sang ký chủ cùng loại.

Virus từ con vật lây qua con người, ban đầu làm cho những người nhiễm rất nặng, tương tự như cúm gà. Nhưng có loại virus kiểu như nCoV, khi đã thuần dần dần lây từ người sang người thời gian dài thì trở thành virus người vì cộng sinh. Quy luật cộng sinh đó sẽ khiến dễ lây bệnh hơn, người nhiễm bệnh có triệu chứng nhẹ hơn. Thậm chí có những người không có triệu chứng.

BS Trương Hữu Khanh dự tính vào tháng 6/2021, bệnh dịch trên toàn thế giới sẽ giảm dần, vì sự thuần dần của virus, và virus cũng cần có mùa thì mới sinh sôi nảy nở, lây nhiều. "Vào tháng 6 tới đây, nhiệt độ trên toàn thế giới ấm lên, tốc độ lây lan của virus chậm lại vì không phù hợp với môi trường. Hơn nữa, thời điểm này tỉ lệ được chích ngừa đã tăng cao, điều này vô cùng quan trọng. Vì vaccine chỉ cần có hiệu quả 70% thôi là đã có hiệu quả lắm rồi và thế giới còn sản xuất ra nhiều dòng vaccine khác nữa. Khi con người đã chích vaccine, cơ thể sẽ tạo ra hệ miễn dịch. Cộng thêm miễn dịch cộng đồng cùng với triệu chứng không nặng khi bị nhiễm Covid-19 do sự thuần của virus rồi, thì sẽ giảm gánh nặng rất nhiều. Khi đó thì mọi việc bình thường, giống như virus cúm thôi.

Tuy nhiên, theo chuyên gia này, tất cả mọi người vẫn phải giữ gìn cẩn trọng, cho tới thời điểm thích hợp, chứ không phải vì các thông tin này mà buông lỏng, không phòng ngừa bệnh dịch.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm