Bữa cơm sum họp của chủ tàu bị đâm chìm

14/07/2016 - 00:05
Tối 13/7, vợ con, hàng xóm ông Lựu ở xã Bình Châu (Bình Sơn, Quảng Ngãi) chuẩn bị bữa cơm ấm cúng đón người thân.

“Tối nay tôi nấu món canh mướp là món thằng cu Cầu thích ăn nhất, còn ông Lựu thích ăn canh cá tươi” – bà Năng vừa nấu ăn, vừa khoe. Dù chồng con đã thoát nạn trở về nhà bình an, nhưng trên gương mặt bà vẫn đầy nét lo âu. Có lẽ, điều mà gia đình bà lo lắng, đôi lúc muốn nghẹt thở khi nghe tin tàu của ông Lựu bị nạn là, cả 5 người ruột thịt của ông Lựu cùng trên 1 con tàu ra khơi lần này. Đó là bố đẻ ông Lựu tên là Võ Bông, đã ngoài 70 tuổi, em trai ông Lựu là Võ Thanh Hương, con rể ông Lựu là Nguyễn Trung Hậu và con trai Võ Văn Cầu.

gd-ong-luu-6.jpg
 Bà Năng và con gái Võ Thị Nỉ cùng cháu ngoại 3 tháng tuổi đã trải qua 5 ngày khó quên, giờ mới thấy bố và chồng trở về nhà an toàn.

Anh Nguyễn Trung Hậu và Võ Văn Cầu là hai người lần đầu tiên đi biển với bố. Anh Hậu là con rể của ông Lựu. Vợ chồng anh đều là giáo viên dạy hợp đồng ở Trường cấp 3 ở huyện Sơn Tây, cách nhà hơn 100 cây số. Vợ anh – chị Võ Thị Nỉ (SN 1987) vừa sinh con trai được 3 tháng, nhân lúc vợ sinh con và được nghỉ hè, anh về nhà bố mẹ vợ cùng đi biển 1 chuyến cho biết vùng biển Hoàng Sa. Lương giáo viên cả hai vợ chồng chỉ hơn 5 triệu đồng, anh Hậu muốn đi biển giúp bố vợ 1 tay, rồi kiếm chút tiền về cho vợ con đỡ vất vả.

gd-ong-luu-3.jpg
Bà Năng gác lại lo lắng, nấu món canh mướp mà con trai thích ăn và món canh cá tươi mà ông Lựu thích để mừng ông thoát nạn trở về.

Nhận được tin tàu của bố gặp nạn, chị Nỉ và bà Năng không dám nói với gia đình sui gia, phải 3 ngày sau, bà Trương Thị Lý (57 tuổi), mẹ đẻ của anh Hậu mới biết tin qua đài báo. Bà chạy vội xuống nhà hỏi con dâu, thì mới hay sự thật. Mấy người đàn bà chỉ còn biết nín nở, cầu an cho chồng con trở về an toàn và động viên nhau để không rơi nước mắt. Mấy đêm chồng con còn lênh đênh trên biển là ngần ấy ngày đêm, những người đàn bà của gia đình ông Lựu không ngủ, ngồi tựa vào nhau.

gd-ong-luu-4.jpg
 Chị Võ Thị Nỉ: Mấy ngày vừa rồi em cứ lừa được con ngủ, lại dậy ngồi bên mẹ. Mẹ con em chỉ còn biết thầm cầu nguyện cho bố và chồng mau trở về.

Nhìn thấy tận mắt người thân bước lên cầu cảng, vào Trạm biên phòng Sa Kỳ trình báo, bà Nguyễn Thị Năng chỉ muốn bật khóc mà phải cố nén lại. “Mừng quá, tôi thấy bố con ông ấy về đến nhà an toàn là đỡ lo rồi. Buồn thì vẫn còn rất buồn, vì cả gia sản lại “bốc hơi” trong phút chốc. Chắc sau lần này, nhà tôi sạt nghiệp mất”. Bà Năng cho biết, con tàu QNg 90479 Ts, do ông Lựu làm thuyền trưởng vừa được gia đình bà dốc vốn sơn sửa lại tháng trước, màu đẹp lắm. Nghĩ mà tiếc công tiếc của. Con tàu lần này, vợ chồng ông Lựu đóng mới sau lần gặp nạn năm 2015, hiện vẫn còn nợ Ngân hàng MB 390 triệu đồng và nợ 300 triệu của bà con hàng xóm và họ hàng.

gd-ong-luu-5.jpg
Bà sui gia với gia đình ông Lựu đã chạy ngay đến nhà con dâu để nhìn tận mắt con trai mình là Nguyễn Trung Hậu, chàng trai giáo viên hiền lành lần đầu tiên đi biển còn lành lặn trở về.

Nắm chặt tay chồng trong ngượng nghịu giữa rất đông bà con ngư dân ven biển chờ đón, bà Năng cố giấu đi giọt nước mắt mừng vui. Hết nắm chặt tay chồng, lại ôm chặt đứa con trai vào lòng, bà Năng vuốt tóc con: “Con còn sợ không?” “Con không sợ gặp bọn Trung Quốc đâu mẹ, lúc rơi xuống biển, con chỉ cố bơi vì sợ chết, sợ không còn trở về bên mẹ, không chăm sóc cho mẹ lúc tuổi già được”. Nghe con trai tâm sự, bà Năng cố nuốt nghẹn vỗ nhẹ vai con.

Trong số 5 người trong gia đình trở về, chỉ có ông Lựu là mệt mỏi và lo lắng nhất. Trước chuyến ra khơi, ông Hùng Chủ tịch Hội nghề cá xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) nói với ông Lựu đi biển chuyến này về thì tháng sau sẽ ra Thủ đô báo cáo điển hình về sự kiên cường của ngư dân bám biển. Không ngờ, tàu của ông mới ra khơi 8 ngày thì gặp nạn.

tau-qngai-1.jpg
Căn nhà vợ chồng ông Lựu nhiều năm chưa thể sửa chữa 

Vợ chồng bà Năng sinh 6 người con, 4 gái và 2 trai, thì Cầu và Nguyện là 2 cậu nhỏ trong nhà. 6 lần sinh con, không lần nào ông Lựu ở nhà cùng vợ lúc vượt cạn. Vì miếng cơm manh áo, ông Lựu lênh đênh trên biển đến nay đã 30 năm. “Vì ông ấy sinh ra và lớn lên ở miền biển, gắn bó với biển, nên lần nào ông ấy đi biển, tôi cũng lo lắng, nhưng vẫn yên tâm và tin vào kinh nghiệm đi biển dày rạn của ông ấy”. Trong những năm đi biển, năm 2009, tàu của ông Lựu cứu được 3 ngư dân ở Đà Nẵng bị bão đánh chìm tàu. Năm 2014, tàu ông Lựu cứu được 11 ngư dân thoát nạn trên biển. Đây cũng là lần thứ 4 tàu ông bị tàu Trung Quốc rượt đuổi, gây sự và đánh chìm. Tuy nhiên, sau mỗi lần gặp nạn và thoát chết, ông Lựu lại về vay mượn thêm hàng xóm, vay Ngân hàng đóng mới con tàu để tiếp tục ra khơi.

“Nếu 2 thằng con trai học hết cấp 3 mà không thể đi học tiếp, tôi vẫn cho 2 thằng con theo nghề bố đi biển. Dù biết là nghề đi biển nguy hiểm, nhưng đó là vùng biển của Việt Nam, ngư dân chúng tôi phải bám biển để sinh sống và bảo vệ chủ quyền vùng biển nước mình. Có điều, khoản nợ cũ chưa trả được, giờ lại sạt nghiệp lần nữa, không biết gia đình tôi phải tiếp tục kiếm con tàu mới bằng cách nào?” – bà Năng tâm sự.

Bữa cơm sum họp gia đình có đầy đủ người thân, nội ngoại 2 bên, mừng bởi người thân trở về, nhưng trong họ là nỗi lo cơm áo đeo đẳng khiến nụ cười của họ cứ ngậm ngùi hoà trong nước mắt.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm