Bức xúc vì mẹ mắng 'bơi cho mất xác đi’

30/04/2019 - 06:00
Đó là những lời mà một người mẹ nói với cậu con trai đang học lớp 10 khiến cho cậu bé bức xúc và sống trong cảm giác hận, căm phẫn mẹ một thời gian dài...

Con hư, hay bị điểm kém, mẹ lập tức nói: “Mày đáng chết lắm! Mày chết luôn đi cho tao được nhờ”, “Mày sống để làm gì đâu?”… Nhưng đỉnh điểm là hôm cậu xin phép mẹ đi bơi buổi chiều cùng các bạn sau giờ học, mẹ đã gầm lên: “Bơi đi, cũng tốt đó, cho nước cuốn mất xác đi, tao khỏi phải tốn tiền mua quan tài!”… Cậu không biết mình đã gây ra tội lỗi gì để bị mẹ đối xử bằng những lời lẽ kinh khủng, cay nghiệt như vậy nên vô cùng bức xúc suốt một thời gian dài.

Chị Hà Việt Anh, giáo viên dạy giá trị sống cho thanh thiếu niên ở Hà Nội, cho biết, cậu học sinh này đã gặp cô và chia sẻ, cậu đang rất hận, căm phẫn mẹ bởi vì mẹ không bao giờ nói với cậu những lời ngọt ngào, ngày nào cậu cũng phải nghe những lời rất kinh khủng. “Con không biết sống tiếp như thế nào. Con và chị triền miên phải chìm trong những tháng ngày đau khổ, bức xúc như thế”…

 

1.jpg
Phải nghe những lời cay nghiệt, nam sinh đã sống trong cảm giác hận, căm phẫn với mẹ - Ảnh minh họa

 

Đầu tiên, chị Việt Anh đặt câu hỏi với học trò: “Mẹ con có phải người phụ nữ hạnh phúc không?”.

Học trò cho biết, bố ngày nào có chuyện gì bức xúc ở cơ quan là về đánh mẹ, xong đánh đến hai con; bố chửi mẹ, chà đạp mẹ hàng ngày… Hai người đã quyết định ly hôn nhưng vì điều kiện kinh tế không cho phép nên vẫn phải sống chung trong một mái nhà.

Nghe học trò tâm sự xong, chị Việt Anh đã đưa ra lời khuyên: “Con phải thương mẹ hơn, tất cả những lời không ái ngữ của mẹ, mong cho mình chết đi, gặp những điều xấu xa không phải từ trái tim của mẹ mà do mẹ bị ức chế. Bản thân mẹ cũng không có được sự bình an, không hạnh phúc mỗi ngày. Mẹ trút lên ai bây giờ, không thể chĩa sang hàng xóm chửi hay lên cơ quan cãi nhau với sếp, với đồng nghiệp. Chỉ có các con ở nhà để trút lên thôi, vì vậy hãy cố gắng lắng nghe mẹ, không phản ứng, không cãi lại dần dần mẹ sẽ thay đổi”.

5 tuần sau đó, học trò đã nói cảm ơn cô vì con đã về chia sẻ với chị những lời cô nói. Mỗi lần mẹ chửi, rủa xả là chúng con ôm mẹ, không nói gì cả, không phản ứng, khóc lóc hay trách móc mẹ như trước đây. Giờ mẹ đã dịu dàng với chúng con hơn.

 

3.jpg
Tất cả những lời cay nghiệt mà mẹ nói không phải từ trái tim của mẹ... Ảnh minh họa 

 

Chị Hà Việt Anh cũng chia sẻ, chị đã giúp học trò hiểu, nếu cứ ở trong vòng xoáy của câu hỏi, tại sao mẹ lại rủa xả lên tôi thì con người sẽ luôn luôn bất hạnh, sẽ không bao giờ thoát ra được. Thế nên những người lớn bên cạnh sẽ giúp các bạn nhỏ dần khơi thông, giải tỏa từng bước một. Bản thân người lớn khi rơi vào tình trạng này cũng phải cố thoát ra, nghĩ đến những câu hỏi tích cực thay vì những câu hỏi tiêu cực…

Thay vì nói “Mẹ làm con bức xúc vô cùng đó”, hãy nói “Con cảm thấy rất buồn khi nghe những điều đó” thì tự nhiên đối phương sẽ không cảm thấy bức xúc, câu chuyện sẽ dễ được giải tỏa hơn. Một người con thực sự thấu hiểu và thương mẹ, ở lứa tuổi có thể hiểu và chấp nhận những điều đó rồi thì có thể dễ dàng thay đổi.

“Thay vì đuổi cảm xúc tiêu cực đi thì hãy ôm ấp nó vào lòng, như là ôm em bé. Một từ khóa mà các chuyên gia tâm lý hay sử dụng trong trường hợp này là ‘May quá…’. Mẹ mắng mình, ức lắm, nhưng nếu nghĩ rằng, may quá mình còn mẹ để mắng, ngoài kia còn có những người không còn mẹ. Nghĩ rằng, mẹ đang thương mình, chỉ là cách thể hiện chưa phù hợp thì lập tức bức xúc của mình giảm xuống. Còn nếu nghĩ rằng, mẹ ghét mình, mẹ hiểu sai về mình thì sẽ không bao giờ chịu nổi”- chị Hà Việt Anh phân tích.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm