Bước đột phá trong kiểm tra an toàn thực phẩm

30/04/2018 - 09:07
Về công tác kiểm tra an toàn thực phẩm, các chuyên gia cho rằng, nên để doanh nghiệp tự công bố chất lượng phù hợp quy định an toàn thực phẩm, còn quản lý Nhà nước chỉ tập trung công tác “hậu kiểm”.

Theo Nghị định 15 của Chính phủ hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm, việc đẩy mạnh kiểm tra và tự chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm được coi là bước đột phá về phương pháp tiếp cận với an toàn thực phẩm (ATTP).

thucpham.jpg
Chủ trương nhà nước hậu kiểm vệ sinh an toàn thực phẩm đang được các doanh nghiệp hưởng ứng. Ảnh: Minh họa

 

Tuy nhiên, để tiếp cận với phương thức mới vẫn còn nhiều vướng mắc cần triển khai tháo gỡ, đặc biệt trong việc hướng dẫn cho các địa phương và doanh nghiệp thực hiện…

Tăng trách nhiệm của cơ sở sản xuất

Là Giám đốc HTX Chăn nuôi Cổ Đông, thị xã Sơn Tây, Hà Nội, ông Trần Văn Chiến từ lâu mong muốn người sản xuất, kinh doanh thực phẩm được tự chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm.

Điều này không chỉ tạo điều kiện tự chủ đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất quy mô lớn mà các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sản xuất nông sản theo lợi thế đặc sản địa phương cũng có thể tham gia để nâng cao uy tín cho nhà sản xuất.

“Đây là chủ trương tốt. Trách nhiệm của người chăn nuôi, cơ sở sản xuất là phải đảm bảo sản phẩm, thực phẩm đạt tiêu chuẩn, chất lượng, cũng để cơ sở xây dựng uy tín thương hiệu của mình. Tuy nhiên, đối với hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cần phải tuyên truyền, hướng dẫn sâu rộng để có thể thực hiện đúng”- ông Chiến cho hay.

Theo các chuyên gia, với phương pháp quản lý để doanh nghiệp tự công bố chất lượng phù hợp quy định an toàn thực phẩm, còn cơ quan quản lý Nhà nước chỉ tập trung vào công tác “hậu kiểm” - kiểm tra sản phẩm sau khi được đưa ra thị trường - vừa là động lực để doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, vừa tạo điều kiện để người tiêu dùng tiếp cận những sản phẩm an toàn thực phẩm thông qua những chỉ tiêu chất lượng mà doanh nghiệp tự công bố trên nhãn mác hàng hóa.

Tuy nhiên, để tiếp cận với phương thức mới vẫn còn nhiều vướng mắc cần triển khai tháo gỡ, đặc biệt trong việc hướng dẫn cho các địa phương và doanh nghiệp thực hiện…

Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng thanh tra chuyên ngành, Bộ NN&PTNT cho rằng: “Phải tích cực đẩy mạnh khâu tuyên truyền, tập trung lực lượng, nguồn lực tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất nhằm phát hiện và xử lý nghiêm hành vi vi phạm. Nếu phát hiện vi phạm thì các bộ, ngành liên quan vào cuộc càng sớm càng tốt. Đây không những là trách nhiệm, nhiệm vụ của cơ quan chức năng mà cần sự tham gia của người dân trong đảm bảo an toàn thực phẩm và quyền lợi của người tiêu dùng”.

Triển khai Nghị định 15 của Chính phủ hướng dẫn Luật an toàn thực phẩm, doanh nghiệp được phân quyền mạnh mẽ hơn và nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm khi đưa ra thị trường.

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản phân tích, doanh nghiệp có thể tổ chức sản xuất kinh doanh nhưng cơ quan Nhà nước sẽ “hậu kiểm” và nếu phát hiện vi phạm, mức phạt sẽ tăng lên rất cao.

Vi phạm an toàn thực phẩm có thể bị truy tố, phạt tù

huong-dan-danh-tiet-canh-vit-1451443177400-35-0-326-569-crop-1451443216966.jpg
Kiểm tra an toàn thực phẩm luôn là vấn đề nóng và gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Minh họa

 

Ông Nguyễn Như Tiệp cho biết: “Chúng tôi đang rà soát Nghị định 178 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, bổ sung những hành vi vi phạm thời gian qua các lực lượng phát hiện chưa quy định ở Nghị định. Mức phạt tối đa đối với cá nhân là 100 triệu đồng, đối với tập thể là 200 triệu đồng, trong trường hợp cần thiết có thể phạt đến gấp 7 lần giá trị của sản phẩm vi phạm. Bên cạnh đó, một số điều trong Bộ Luật Hình sự sửa đổi cũng đưa ra các trường hợp nếu vi phạm nghiêm trọng có thể truy tố, hoặc phạt tù”.

Nếu trước đây, các cơ quan quản lý Nhà nước chịu trách nhiệm trong việc kiểm tra chứng nhận doanh nghiệp đủ điều kiện sản xuất kinh doanh thì đến nay chỉ ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn và tiến hành thanh tra theo tiêu chí mà cơ sở sản xuất, doanh nghiệp đã công bố.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, so với các quy định trước đây, việc triển khai Nghị định 15 sẽ huy động được sự tham gia mạnh mẽ hơn của toàn xã hội. Người tiêu dùng thông qua tính minh bạch về nhãn mác hàng hóa có thể giám sát, kiểm tra trở lại đối với cơ sở sản xuất. Cùng với đó, nâng cao trách nhiệm của lực lượng thanh tra chuyên ngành và các cơ quan hữu quan từ Trung ương đến địa phương.

“Mặc dù quy định kiểm tra mỗi năm/lần đối với các cơ sở nhưng nếu có dấu hiệu vi phạm, chúng ta có quyền thanh tra đột xuất để xử lý vi phạm”- Thứ trưởng Vũ Văn Tám, nhấn mạnh.

Với phương thức thanh tra kiểm tra đột xuất và quản lý những ngành hàng có nguy cơ cao về mất an toàn thực phẩm, sau gần 3 năm triển khai “Năm cao điểm hành động đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”, ngành nông nghiệp đã từng bước ngăn chặn những “sự cố lớn” về mất an toàn thực phẩm.

Việc chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” theo tinh thần của Nghị định 15 về hướng dẫn Luật An toàn Thực phẩm của Chính phủ sẽ tạo điều kiện để ngành thực hiện tốt hơn nữa các mục tiêu đảm bảo an toàn thực phẩm đối với những ngành hàng chủ lực, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững./.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm