pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bước sang tuổi 30, tôi nhận ra sai lầm tài chính giá như thuở 20 không mắc phải
Một buổi chiều hè, sau cuộc trò chuyện đầy thú vị cùng một cô bé khách hàng mới ngoài đôi mươi, tôi bỗng nhớ về những năm tháng tuổi trẻ của mình. Ngón tay vẫn đang lướt qua bảng tin facebook nhưng mắt tôi thì lơ đễnh nhìn về một nơi xa.
Nếu nói là những hối hận tuổi 20 thì không phải nhưng nuối tiếc thì chắc chắn là có. Trong 10 năm tuổi trẻ đó, tôi đã tốt nghiệp đại học, đi làm, lập gia đình và con. Đó có lẽ là một trong những khoảng thời gian nhiều dấu mốc nhất trong cuộc đời này.
Thành công có, tự hào có nhưng cũng không ít thất bại tôi từng trải qua. Nghĩ về những điều đã xảy ra, tôi tự hỏi mình bài học có thể rút ra là gì. Tôi không phải là đứa ôm mộng về tài khoản với 10 con số song ở tuổi 30, tôi nhận thấy sự quan trọng đến nhường nào của tài khoản dự phòng, tiết kiệm.
Kiếm được bao nhiêu tiền chưa phải tất cả, quan trọng là cách bạn tiêu những đồng tiền đó như nào. Vẫn còn rất nhiều điều mà tôi cần phải học song tôi mong rằng những bài học kinh nghiệm về sai lầm tài chính tuổi 20 dưới đây có thể giúp các bạn phần nào có những thay đổi tích cực trong cuộc sống.
Không biết tiền của mình "đi" đâu
Ở những năm tuổi 20, tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc lập ngân sách hay đơn giản là ghi chép chi tiêu. Ngày ra trường, tôi xin vào làm kế toán ở một công ty thang máy với mức lương 6 triệu đồng. Con số đó cách đây chục năm chẳng phải ít ỏi gì nhưng tuần cuối cùng của tháng luôn là khoảng thời gian tôi khổ sở năn nỉ mẹ cho "vay nóng" rồi hứa hẹn tới kỳ lấy lương sau sẽ trả. Giờ đây nghĩ lại, thật không hiểu tôi sẽ ra sao nếu còn phải sống tự lập như nhiều bạn bè, đi thuê nhà tốn kém...
Một tâm lý khá phổ biến ở những người trẻ đó là mình đâu có nhiều nhặn tiền mà phải ghi chép hay lên kế hoạch. Tuy nhiên con số càng khiêm tốn, bạn càng cần phải chi tiêu một cách thông minh. Việc theo dõi chi tiêu sẽ giúp bạn biết được tiền của mình đã "đi" đâu, nếu bội chi có thể điều chỉnh sớm để tránh thâm hụt sau này.
Chi tiêu ít hơn những gì kiếm được là chìa khóa của tiết kiệm. Điều này không đơn giản nhưng chắc chắn là tôi và bạn đều làm được. Để tránh tuổi 30, 40 hay cả sau đó rơi vào tình trạng bấp bênh tài chính, hãy có những quyết định tài chính đúng đắn ngay từ tuổi 20. Hãy bắt đầu với một cuốn sổ hoặc ứng dụng tài chính để biết được mình đang tiêu tiền vào những khoản mục nào.
Rơi vào cái bẫy lối sống xa hoa
Phải mua được chiếc điện thoại đời mới nhất, đi du lịch ở những khách sạn, resort hiện đại nhất, mặc quần áo hàng hiệu... là những sai lầm mà nhiều người trẻ cũng như tôi mắc phải khi đôi mươi. Ở tuổi này, bạn đã có một công việc, có thể tự lo cho cuộc sống của mình thì hãy nghĩ đến nhiều hơn ngoài việc tiêu những đồng tiền đó vào việc gì.
Sống sang hơn đồng lương mình kiếm được để có những bức ảnh lung linh khoe lên mạng xã hội sẽ là điều khiến bạn phải mệt mỏi sau này. Đã bao giờ bạn tự hỏi, cùng một mức thu nhập nhưng có người đã sắp tậu cho mình được một căn chung cư trong khi bạn vẫn chỉ loanh quanh chờ ngày lấy lương tháng tới?
Đừng nhầm lẫn giữa sự thỏa mãn vật chất với hạnh phúc. Người thành công là người có thể giải được bài toán sống thoải mái với chi tiêu tiết kiệm. Một chiếc váy hàng hiệu sẽ chỉ mang lại cho bạn niềm vui trong khoảng thời gian ngắn, trong khi đó những trải nghiệm có được trong chuyến đi khám phá vùng đất mới hay những kiến thức mà một cuốn sách mang lại sẽ giúp bạn hạnh phúc mãi về sau này.
Không có tài khoản dự phòng
Không chỉ tôi mà rất nhiều anh chị, bạn bè của tôi đều thừa nhận điều họ nuối tiếc trong những năm tuổi trẻ chính là không tiết kiệm sớm hơn, đánh giá quá thấp vai trò của tài khoản dự phòng.
Thời gian qua, khi nền kinh tế chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều người bạn của tôi sau một đêm đã thành thất nghiệp, người may mắn hơn thì vẫn còn việc nhưng bị giảm lương. Trong những cuộc tâm sự với đồng nghiệp công ty cũ, tôi mới nhận ra thật quá nguy hiểm khi mình chẳng có lấy một đồng trong tài khoản dự phòng.
Sẽ ra sao nếu tôi bỗng trở thành thất nghiệp? Rồi những điều chẳng ai mong muốn nhưng cũng chẳng ai có thể nói trước được như biến cố về sức khỏe của chính mình và mọi người trong gia đình?
Hãy ngay từ bây giờ, xây dựng cho mình một quỹ khẩn cấp để giúp bạn có thể ít nhất là sống sót ổn qua 3-6 tháng gặp phải biến cố.
- Nếu mức lương của bạn là 10 triệu đồng, công việc ổn định, sức khỏe tốt thì quỹ dự phòng có thể là 30 triệu đồng, tương đương với 3 tháng lương.
- Cùng với mức lương đó nhưng nếu bạn làm nghề tự do, bản thân hay gia đình gặp nhiều vấn đề về sức khỏe thì lời khuyên của tôi chính là hãy xây dựng quỹ dự phòng với số tiền khoảng 60 triệu đồng, tương đương với 6 tháng lương.
Tùy vào sự ổn định của công việc, cách chi tiêu, vấn đề về sức khỏe hay các tài sản khác sở hữu mà con số quỹ dự phòng của mỗi người sẽ khác nhau. Hãy nhớ rằng luôn có những điều bất ngờ xảy ra có thể ảnh hưởng đến tài chính của bạn. Thay vì để ngày mai chật vật với tiền nong, vì sao chúng ta không chi tiêu hợp lý hơn, hoạch định con đường đúng đắn hơn từ hôm nay.