Bước tiến phụ nữ thế giới trên mọi lĩnh vực

08/03/2017 - 18:30
Cuộc đấu tranh vì bình đẳng giới sẽ là đặc trưng của thế kỷ 21. PNVN xin giới thiệu những gương mặt nổi bật, những thành tích, bước tiến của phụ nữ trong những năm qua.
 Nữ phi hành gia người Mỹ Peggy Whitson (56 tuổi) đã phá kỷ lục khi bay vào vũ trụ trong chuyến bay thứ 3 lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) ngày 18/11/2016. Sau chuyến bay này, bà chính thức trở thành người phụ nữ lớn tuổi nhất trong lịch sử từng hiện diện bên ngoài bầu khí quyển trái đất. Bà còn lập thêm kỷ lục mới là người sống lâu nhất trong vũ trụ với thời gian tổng cộng là 557 ngày. Bà bay vào vũ trụ lần thứ nhất kéo dài từ ngày 7/6 đến ngày 2/12/2002 và trở thành người phụ nữ đầu tiên điều hành trạm ISS từ ngày 10/10/2007 đến ngày 19/4/2008. Bà phá thêm kỷ lục khác khi phụ trách phòng thí nghiệm bay quanh quỹ đạo lần thứ 2 vào tháng 2/2017.

a1-nu-phi-hanh-gia-peggy-whitson.jpg
Nữ phi hành gia người Mỹ Peggy Whitson

 Là người trẻ nhất thế giới đạt giải Nobel hòa bình năm 2014, Malala Yousafzai là người truyền cảm hứng đến các bạn trẻ trên toàn thế giới. Sau khi bị quân khủng bố Taliban bắn vào đầu do cô tìm cách đến trường, bảo vệ quyền được giáo dục của trẻ em gái năm 2007. Cô tiếp tục cuộc đấu tranh, thành lập Quỹ Malala, đi nhiều nơi diễn thuyết, vận động và trở thành nhà hoạt động nữ quyền được cả thế giới cảm phục. Cô không ngừng cố gắng trong công cuộc đấu tranh cho nhân quyền và năm 2016, Malala đã huy động được 1,5 tỷ USD đầu tư vào lĩnh vực giáo dục dành cho người tị nạn. Cô gái trẻ 19 tuổi còn chia sẻ ước mơ trở thành thủ tướng Pakistan để giúp phụ nữ và trẻ em trong nước có nhiều cơ hội sống tốt hơn.

a2-malala-yousafzai-nobel-hoa-binh-2014.JPG
Malala Yousafzai truyền cảm hứng cho giới trẻ


Ngày 13/2/2017, lễ trao giải Gramy 2017 đã chính thức diễn ra với sự quy tụ của những tên tuổi hạng A của Hollywood. “Họa mi nước Anh” Adele đã được xướng tên ở giải thưởng “Bài hát của năm” cho ca khúc “Hello”. Bên cạnh đó, cô tiếp tục thắng giải ở hạng mục Bản thu âm của năm và giải Album của năm với album “25”.

a3b-adele-grammy-2017.jpg
“Họa mi nước Anh” Adele

 Tỷ lệ phụ nữ vào hội đồng quản trị ở 600 công ty danh tiếng từ 17 quốc gia thành viên của châu Âu đã tăng gần gấp đôi từ 14% lên 25% trong vòng 5 năm qua. Thụy Điển đứng đầu về tỉ lệ tăng trưởng này, kế đó là Na Uy, Bỉ, Phần Lan và Pháp - nơi có khoảng 30% người làm công tác quản lý là nữ. Giới nghiên cứu cho rằng việc ban hành các chính sách ưu tiên hoặc cơ cấu chỉ tiêu phụ nữ vào vị trí quản lý ở các nước trên đã tạo nên thành tích này. Theo Ủy ban châu Âu, phụ nữ đảm nhận vai trò quản lý ở châu lục này hiện nay là 23%, tăng 12% so với năm 2007. Iceland đứng đầu về việc rút ngắn khoảng cách giới với 44% quản lý là nữ.

a4b-nu-doanh-nghiep-iceland.jpg
Nữ doanh nhân Iceland


 Công ty giáo dục và sáng tạo Coexist là công ty đầu tiên ở Anh ra quyết định cho phép nhân viên nữ trong kỳ kinh nguyệt được làm việc tại nhà và họ có thể nghỉ làm bất cứ lúc nào trong thời điểm này nếu cảm thấy sức khỏe không ổn. Giám đốc Bex Baxter cho hay hiện cả hai giới đều đã dần cởi mở hơn với vấn đề này, đặc biệt là giới trẻ. Theo bà Baxter, sau thời gian nghỉ, nhân viên nữ sẽ trở lại làm việc hiệu quả và sáng tạo hơn. Thời điểm vừa kết thúc kỳ kinh chính là lúc phụ nữ làm việc hiệu quả hơn cả, gấp ba so với bình thường. 

a5b-cong-ty-coexist-2.jpg
Phụ nữ công ty Coexist luôn được quan tâm đến chế độ làm việc


Theo Ngân hàng UBS (Thụy Sỹ), ngày càng nhiều tỷ phú trên thế giới là nữ giới với số lượng tăng gần 7 lần trong 20 năm qua. Trong tổng cộng 1.347 tỷ phú trên toàn thế giới, 145 người trong số này là nữ, tăng 6,6 lần so với con số 22 người trong năm 1995. Châu Á có đến 50% nữ tỉ phú tự lập thân, trong khi ở Mỹ và Châu Âu chỉ có lần lượt là 19% và 7%. Đa số các nữ tỷ phú người châu Âu và Mỹ trở nên giàu có là nhờ được hưởng thừa kế. Trung Quốc có số lượng nữ tỷ phú cao nhất thế giới. 8 trong 10 tỉ phú giàu nhất thế giới là người gốc Hoa. Trung Quốc cũng là quốc gia chiếm gần 70% số tỉ phú nữ tự lập thân trên thế giới.

a6-cac-nu-ty-phu-trung-quoc.png
Các nữ tỷ phú Trung Quốc


Theo nghiên cứu của công ty S&P Global Market Intelligence (Mỹ), Mỹ hiện có 27 phụ nữ là giám đốc điều hành (CEO) trong 500 doanh nghiệp lớn được niêm yết trên thị trường cổ phiếu. Con số này đã chạm mốc kỷ lục trong gần 2 thập kỷ qua. Số lượng CEO của 350 công ty giao dịch công khai lớn nhất ở châu Âu cũng tăng gấp đôi trong vòng 7 năm qua từ 6 CEO năm 2009 lên 14 CEO năm 2016. (Ảnh: Bà Marrisa Mayer - CEO của Yahoo và bà Mary Barra - CEO của doanh nghiệp sản xuất ô tô General Motor)

a7-nu-ceo-my.jpg
Bà Marrisa Mayer - CEO của Yahoo và bà Mary Barra - CEO của doanh nghiệp sản xuất ô tô General Motor

Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), chỉ 30% số nhà khoa học trên thế giới là phụ nữ và vẫn còn nhiều rào cản, trở ngại đối với phụ nữ khi tham gia hoặc theo đuổi sự nghiệp khoa học. Hàng năm, Quỹ L'Oréal Foundation cùng UNESCO trao tặng 5 giải thưởng trị giá 100.000 euro cho các nhà khoa học nữ xuất sắc và hỗ trợ phát triển nghiên cứu cho 15 phụ nữ trẻ tài năng qua học bổng Tài năng khoa học trẻ từ khắp các quốc gia trên thế giới. Từ năm 1998 đến nay, Giải thưởng L'Oréal - UNESCO đã vinh danh hơn 2.500 phụ nữ tài năng tại 112 quốc gia.

a8-cac-nha-khoa-hoc-nu-2016.jpg
Các nhà khoa học nhận giải thưởng Emmanuelle Charpentier 2016. Từ trái sang phải: Giáo sư Andrea Gamarnik (Argentina), Tiến sĩ khoa học Trung Quốc Chen Hualan, Giáo sư Quarraisha Abdool Karim (Nam Phi), Giáo sư Emmanuelle Charpentier (Đức) và Giáo sư Jennifer Doudna (Mỹ)




Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm