Bướu giáp nhân, phụ nữ dễ mắc gấp 5 lần nam giới

11/10/2016 - 17:01
Hơn 10 năm mang trong mình bệnh bướu giáp nhưng bà Nguyễn Thị Vô (74 tuổi) nghĩ không ảnh hưởng đến sức khỏe. Điều này khiến khối bướu lớn cực đại, vỡ, gây hoại tử, rỉ dịch liên tục khiến bà không thể ăn uống…
Trở lại tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ vào sáng ngày 11/10 tại BV Đại học Y Dược TP.HCM, bà Vô, ngụ tại quận 7 (TP.HCM), không giấu được niềm vui khi các kết quả khám, xét nghiệm và kiểm tra sức khỏe đều tốt. Đối với người đàn bà đã bước sang độ tuổi thất thập này, trong nửa năm qua, từ khi được phẫu thuật loại bỏ khối u, bà luôn tuân thủ lịch tái khám, uống thuốc đều đặn theo chỉ định của bác sĩ. "Có thể vì vậy mà bệnh được chữa khỏi, ở tuổi này, tôi cũng không còn sợ chết nữa, nhưng bệnh tật hoài sẽ ảnh hưởng đến con cháu", bà Vô nói.

Chồng bà Vô mất đã lâu, bà ở vậy nuôi hai con nhỏ khôn lớn, nhưng vì bệnh tật, hai người con của bà cũng lần lượt ra đi. Từ đó, bà sống một mình, cất hai phòng trọ nhỏ cho công nhân thuê và làm bốc thuốc nam, châm cứu miễn phí cho bất cứ ai bị bệnh, có hoàn cảnh khó khăn. Những tưởng cuộc sống sẽ tiếp diễn với tháng ngày làm điều thiện để che lấp đi sự cô đơn, lạc lõng khi không còn bất cứ người thân nào bên cạnh. Nhưng khối bướu ở cổ mỗi ngày một lớn khiến sức khỏe của bà Vô ngày một giảm, đặc biệt là bà bị khó thở, khó nuốt và nói chuyện khó khăn.

Bà kể: “Tôi không biết khối bướu có từ khi nào, chỉ biết nó lớn lên từng ngày. Tôi nghĩ nó chỉ là bướu hơi, không ảnh hưởng gì tới sức khỏe. Cuối năm 2015, khối bướu lớn lên bất thường, viêm đỏ xung quanh rồi xuất hiện vết loét hoại tử da trên bướu, tôi không ăn uống được, dịch rỉ ra liên tục trong suốt 3 ngày liền. Tôi nhờ hàng xóm gọi điện cho cháu, đưa đi BV, họ nói tôi bị bướu giáp, nếu không điều trị thì rất nguy hiểm đến tính mạng”.
3.JPG
 Bà Vô trong thời gian nhập viện điều trị bướu giáp vào tháng 1/2016
Kể từ sau phẫu thuật loại bỏ khối bướu và được bác sĩ cho xuất viện, tình trạng sức khỏe của bà Vô được cải thiện rõ rệt, bà trở lại với công việc bốc thuốc nam và châm cứu từ thiện gắn bó hàng chục năm qua và không quên lịch hẹn tái khám với bác sĩ. "Lúc mới được ra viện, bác sĩ hẹn tái khám sau mỗi 2 tuần, 3 tuần, 1 tháng rồi 3 tháng để kiểm tra. Nửa năm đã trôi qua, bác sĩ bảo kết quả kiểm tra rất tốt, tôi mừng lắm", bà Vô nói. 

Chia sẻ về căn bệnh này, ThS. Trần Thanh Vỹ, Trưởng khoa Lồng ngực, Mạch máu-BV Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, bướu giáp nhân là tổn thương dạng khối nằm trong tuyến giáp, được phân loại thành nhân lành tính và ác tính, trong đó nhân lành tính chiếm đa số. Thống kê tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 115.000 người đi khám và chữa bệnh bướu giáp nhân. Tỷ lệ phát hiện bướu giáp nhân gần đây tăng nhiều nhờ tầm soát bệnh bằng siêu âm vùng cổ. Tính riêng tại phòng khám Nội tiết, BV Đại học Y Dược TP.HCM, số lượng người bệnh đến khám bướu giáp nhân, tương đương với số lượng khám tiểu đường, là 4.134 lượt người trong 9 tháng 2016 (tăng 14% so với cùng kỳ năm 2015).

Bướu giáp có thể gặp khi mới sinh hoặc xảy ra bất cứ lúc nào trong suốt cuộc đời, lứa tuổi thường gặp từ 30 – 55 tuổi. Một số yếu tố nguy cơ phổ biến của bệnh thường gặp nhất là do chế độ ăn uống thiếu iốt. Về giới tính, phụ nữ dễ bị rối loạn tuyến giáp hơn so với nam giới, do đó phụ nữ có khả năng phát triển bướu giáp cao gấp 5 lần nam giới. Bên cạnh đó, các yếu tố tiền sử cá nhân hay gia đình của bệnh tự miễn; mang thai, thời kỳ mãn kinh; tác dụng phụ của một số phương pháp điều trị bao gồm ức chế miễn dịch, thuốc kháng virus, thuốc tim amiodarone và thuốc lithium tâm thần; phơi nhiễm bức xạ do điều trị xạ trị ở cổ hoặc vùng ngực... là những nguy cơ làm gia tăng tỷ lệ mắc bệnh.
ngi-bnh-b-bu-gip-nhn-3.png
 Phụ nữ có khả năng phát triển bướu giáp cao gấp 5 lần nam giới
"Bướu giáp nhỏ có thể không gây ra vấn đề về thể chất hoặc thẩm mỹ. Nhưng bướu giáp kích thước lớn có thể làm mất thẩm mỹ, khó thở hoặc khó nuốt, gây ho, khàn tiếng… Ngoài ra, bướu giáp có thể gây ra nhiều rối loạn như mệt mỏi, tăng cân (do suy giáp) hoặc giảm cân ngoài ý muốn, dễ cáu gắt, khó ngủ, tim đập nhanh, suy tim (do cường giáp). Khi người bệnh xuất hiện các triệu chứng trên thì nên đến các cơ sở y tế để được tầm soát và điều trị bệnh kịp thời, triệt để", ThS. Vỹ cho biết.

Cũng theo ThS. Vỹ, trước đây, bướu giáp nhân thường được điều trị bằng phẫu thuật hay liệu pháp hormone. Các phương pháp này hiệu quả không cao, bướu có thể tiếp tục tiến triển gây chèn ép dẫn đến cường giáp… ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Hiện nay, phương pháp điều trị nhân giáp lành tính bằng sóng cao tần RFA được ứng dụng khá phổ biến. Đây là phương pháp không cần phẫu thuật, được ứng dụng ở nhiều nước trên thế giới, thay thế hơn 50% các ca điều trị bệnh này bằng phẫu thuật kinh điển như phẫu thuật hở, phẫu thuật nội soi. 

Sáng 16/10, các bác sĩ khoa Lồng ngực - Mạch máu, BV Đại học Y Dược TP.HCM khám và tư vấn miễn phí cho người bị bướu giáp nhân mà chưa điều trị hoặc điều trị chưa triệt để, nhằm giúp người dân hiểu đúng về bệnh lý này, đồng thời lựa chọn giải pháp điều trị phù hợp nhất. Địa điểm khám, tư vấn: BV Đại học Y Dược TP.HCM, số 215 Hồng Bàng, phường 11, quận 5. Đăng ký khám, tư vấn miễn phí qua điện thoại: (08) 3952 5449 - 3952 5350.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm