Wowlen là một dự án khởi nghiệp của chị Nguyễn Thị Mỹ Nga (ngụ tại quận 7, TPHCM). “Trong quá trình tìm kiếm đồ chơi cho con của mình, tôi đã nảy ra câu hỏi: Tại sao không tự tay tạo ra một món đồ chơi vừa hấp dẫn vừa an toàn? Từ ý tưởng này, tôi trăn trở, mày mò để tạo ra những sản phẩm thú bông được đan từ sợi len”, chị Nga chia sẻ về sự lưa chọn ý tưởng khởi nghiệp của mình.
Vốn là một du học sinh tốt nghiệp đại học ngành Quản trị kinh doanh ở Mỹ, từng được nhiều công ty chào mời ở lại, thế nhưng chị đã quyết định về nước để theo đuổi con đường riêng của mình, đó là sản xuất, kinh doanh những sản phẩm đặc trưng của Việt Nam để giới thiệu, quảng bá ra thị trường thế giới.
Sau khi lập gia đình, sinh con, ở tuổi 27, Mỹ Nga quyết định bắt tay vào dự án khởi nghiệp. Đó là năm 2015, khi thị trường đồ chơi Việt Nam ngập tràn các loại đồ chơi Trung Quốc, trong đó có nhiều loại thiếu an toàn. Trong khi đó, những loại đồ chơi cao cấp nhập từ phương Tây lại quá đắt tiền, không phải gia đình nào cũng có đủ khả năng mua cho con.
Chính vì thế, với ý tưởng tạo nên những món đồ chơi từ len – một chất liệu thân thiện và an toàn với trẻ em, Mỹ Nga hăm hở “nhập cuộc”. Cô chia sẻ: “Càng đi sâu, tìm hiểu, mình càng muốn chinh phục len, bởi hầu như những người thợ giỏi cũng chỉ mới dừng lại ở việc móc áo, mũ, khăn choàng... còn những món đồ mang tính nghệ thuật, có hình dáng, màu sắc hấp dẫn, sinh động, thì gần như chưa mấy ai ngó ngàng tới”.
Suốt một thời gian dài, Mỹ Nga dành trọn thời gian, tâm trí để thiết kế, tạo ra những mẫu mã búp bê, thú bông từ sợi len của riêng mình, không “đụng hàng” với bất kỳ sản phẩm nào khác trên thị trường.
Việc tạo nên những sản phẩm ấy không đòi hỏi đầu tư nhiều tiền vốn, nhưng phải đầu tư chất xám, phải có óc sáng tạo, thẩm mỹ. Điều đó đòi hỏi đến năng khiếu, tình yêu đủ lớn đối với con trẻ, và cả sự đam mê, nhiệt huyết…
Tuy nhiên, khi va chạm với thực tế thì nhiều khó khăn đã nảy sinh. “Nói thì dễ nhưng bắt tay vào công việc mới thấy muôn vàn khó khăn. Búp bê bằng len trước mình đã có nhiều công ty kinh doanh, nên việc làm sao để không trùng mẫu cực kỳ khó. Tuy nhiên, mình luôn khó tính trong từng thành phẩm, đó không chỉ là món đồ chơi mà đó còn là sản phẩm trí tuệ, là từ đôi bàn tay khối óc của người thợ thủ công”, Mỹ Nga bộc bạch.
Thế rồi, ngay sau khi lô hàng đầu tiên hoàn thành, chị lại tuyên bố… hủy toàn bộ, dẫu biết rằng hành động đó chẳng khác nào ném hàng trăm triệu đồng vào hư không. Lý do là bởi chị không tin tưởng vào độ an toàn của chất liệu, bởi kết quả kiểm nghiệm cho thấy đó không phải len sợi cotton mà là polyester
“Thực ra, nếu mình không nói thì không ai biết. Nhưng lương tâm mình không cho phép. Mình cũng là người mẹ có con nhỏ, mình muốn đem những điều tốt nhất đến cho con thì những bà mẹ khác cũng vậy. Một món đồ chơi không an toàn, làm sao mình dám cho con chơi, còn nói chi đến việc kinh doanh” - Nga nói.
Sau nhiều lần dò hỏi, tìm tòi, cuối cùng, Nga nhập nguyên liệu sợi len và bông từ Mỹ, đem về Việt Nam nhuộm màu, kiểm tra ngay để biết chắc chắn rằng đó là 100% cotton mới đưa vào xưởng thiết kế thành phẩm.
Đó là lý do khiến Wowlen trở thành đơn vị tiên phong đăng ký đạt các tiêu chuẩn hợp quy, tiêu chuẩn Châu Âu cho sản phẩm đồ chơi trẻ em.
Ngay lần đầu “chào sân” tại hội chợ ở Nhật Bản, những món đồ chơi bằng len của Nga đã chiếm trọn thiện cảm của khách hàng. Những hợp đồng lớn được ký kết. Tiếp sau đó, Nga liên tiếp “tấn công” và giành được đơn hàng ở các thị trường khó tính như Mỹ, Anh, Đức, Hàn Quốc, Singapore… Hiện Wowlen đã có mặt ở hàng chục quốc gia.
Ở thị trường nội địa, chỉ sau khoảng 2 năm khởi nghiệp, Nga đã thành lập chuỗi 5 cửa hàng tại TPHCM với doanh thu hàng tỷ đồng mỗi tháng.
Thành công mà cô gái trẻ này đạt được chính là buộc nước nhập khẩu phải giữ nguyên thương hiệu của Việt Nam trên từng sản phẩm. “Nhiều sản phẩm trong nước muốn xuất khẩu phải “bán mình” cho đơn vị nhập khẩu. Wowlen thì không. Mình rất khó khăn để gầy dựng thương hiệu bên cạnh việc tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng thì không cớ gì mình đánh mất điều đó chỉ để được xuất hàng đi. Điều quan trọng là bạn đàm phán cách nào, thuyết phục khách hàng ra sao, sản phẩm của bạn có thực sự đúng như những gì bạn nói không”, Nga chia sẻ về bí quyết thành công của mình.