BV quyết cứu bệnh nhân gia đình xin về do thiếu tiền

11/07/2016 - 22:16
Bệnh nhân phù phổi cấp, nguy cơ tử vong cao do ong đốt nhưng vì gia đình không có tiền điều trị nên xin về. Các bác sĩ BV Chợ Rẫy (TP.HCM), quyết định cứu sống bệnh nhân trước, còn chi phí điều trị sẽ tính sau.
Ngày 11/7, BSCK2 Trần Thanh Linh, Phó khoa Hồi sức cấp cứu, BV Chợ Rẫy cho biết, BV vừa tiếp nhận bệnh nhân Phan Thị Bích Loan, sinh năm 1998, ở Ấp 2, xã Hòa Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, trong tình trạng máu và nước đã bắt đầu trào ra ống nội khí quản. Ngay lập tức, bệnh nhân được thở máy và trong tình trạng suy hô hấp rất nặng, tốc độ thở máy của bệnh nhân đã không kiểm soát được.

Theo Bs Linh, đây là một trong những ca sốc phản vệ nặng gây suy phổi. Bệnh nhân được chuyển đến khoa Hồi sức cấp cứu trong tình trạng vật vã, tím tái, huyết áp thấp, mạch nhanh, thở máy chế độ cao. Khoa huy động lực lượng bác sĩ, hội chuẩn cả khoa để thực hiện kỹ thuật lọc máu và tuần hoàn-tim phổi nhân tạo ngoài cơ thể (ECMO) cho bệnh nhân. Nếu không sử dụng phương pháp này, nguy cơ bệnh nhân tử vong sẽ không thể tránh khỏi.
suyt-tu-vong-do-ong-chich-2.jpg
Sau khi được điều trị, sức khỏe bệnh nhân Loan dần hồi phục
Tuy nhiên, do gia đình bệnh nhân quá khó khăn, không đủ chi phí chữa bệnh. Mẹ bệnh nhân là bà Lại Thị Bích cùng gia đình quyết định xin cho con về. Bệnh nhân còn trẻ, vừa thi xong kì thi tốt nghiệp THPT Quốc gia, mặt khác các bác sĩ đánh giá có thể cứu được người bệnh; không thể vì không có tiền mà để mất đi một mạng sống. Vì vậy, sau khi hội chẩn với hội đồng chuyên môn và xin ý kiến lãnh đạo, BV thống nhất cứu bệnh nhân trước, sau đó kêu gọi cộng đồng hỗ trợ sau.

Sau 5 ngày sử dụng phương pháp ECMO, đến nay tình trạng hô hấp của bệnh nhân đã được cải thiện, huyết áp ổn định, phổi có xu hướng phục hồi tốt.

Bác sĩ Linh cho biết thêm, bình thường các vết thương do ong chích mức độ nặng phụ thuộc rất nhiều vào số vết đốt của ong, thường thường trên 50 nốt mới nguy hiểm. Tuy nhiên trong trường hợp bệnh nhân này, mức độ sốc và tổn thương phổi không phụ thuộc vào số lượng ong đốt mà do cơ địa của bệnh nhân. Bởi bệnh nhân có tiền sử viêm da dị ứng, thường xuyên bị dị ứng thức ăn, mỗi lần côn trùng đốt thì nổi mẩn.

Các bác sĩ khuyến cáo, ong truyền nọc độc vào cơ thể qua vết đốt (nọc ong). Vì vậy, khi bị ong chích, cần lấy ngay nọc ong ra ngoài; rửa sạch vết ong chích bằng xà phòng và chườm lạnh để giảm đau tại chỗ. Riêng với người có cơ địa như viêm da, dị ứng khi thấy nổi mẩn đỏ và có dấu hiệu khó thở sau khi bị ong đốt nên đưa ngay nạn nhân đến BV; tuyệt đối không châm kim cho máu chảy ra vì có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm