Ca đầu tiên tại Anh: Bé gái chào đời từ người mẹ không có tử cung

Thanh Hiền
14/04/2025 - 15:30
Ca đầu tiên tại Anh: Bé gái chào đời từ người mẹ không có tử cung

Bé gái chào đời nhờ phương pháp cấy ghép tử cung được coi là một kỳ tích y học.

Một người phụ nữ Anh sinh ra không có tử cung đã hạ sinh một bé gái khỏe mạnh, đánh dấu ca đầu tiên sinh ra nhờ phương pháp cấy ghép tử cung ở Anh- đây được coi là một kỳ tích y học mang lại hy vọng cho hàng ngàn phụ nữ hiếm muộn.

Grace Davidson, 36 tuổi, được chẩn đoán mắc hội chứng Mayer-Rokitansky-Küster-Hauser (MRKH)- một căn bệnh hiếm gặp khiến tử cung không phát triển hoặc không tồn tại, khiến cô tưởng chừng không bao giờ có thể mang thai.

Với khát khao được làm mẹ, Davidson đã trải qua ca phẫu thuật cấy ghép tử cung kéo dài 18 giờ đồng hồ vào năm 2023 tại Oxford. Tử cung được hiến tặng bởi chị gái ruột của cô, Amy Purdie, người đã sinh con và tình nguyện giúp em gái thực hiện ước mơ làm mẹ.

Sau ca phẫu thuật, Davidson trải qua quá trình thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), sử dụng một trong bảy phôi thai được tạo từ trước cùng chồng là anh Angus.

Ca đầu tiên tại Anh: Bé gái chào đời từ người mẹ không có tử cung- Ảnh 1.

Bé gái Amy Isabel chào đời là biểu tượng sống động cho kỳ tích y học và tình thân cao cả.

Tháng 2/2025, Davidson sinh con gái đầu lòng tại Bệnh viện Queen Charlotte’s and Chelsea, London bằng phương pháp sinh mổ. Bé gái được đặt tên là Amy Isabel - "Amy" để tri ân người bác đã hiến tặng tử cung, và "Isabel" để tri ân bác sĩ phẫu thuật Isabel Quiroga, người trực tiếp thực hiện ca cấy ghép. Cô bé chào đời khỏe mạnh, nặng 2,04kg, là biểu tượng sống động cho kỳ tích y học và tình thân cao cả.

"Thật khó tin là con bé đã thực sự ở đây với chúng tôi"- Davidson xúc động chia sẻ với The Times. "Chúng tôi đã nhận được món quà quý giá nhất mà cuộc đời trao tặng."

Anh Angus, bố của bé gái bày tỏ: "Khoảnh khắc nhìn thấy con bé, chúng tôi chỉ biết òa khóc. Một cảm xúc không thể diễn tả. Căn phòng khi ấy tràn ngập tình yêu, niềm vui và những con người đã góp phần tạo nên kỳ tích này."

Giáo sư Richard Smith, bác sĩ phẫu thuật phụ khoa nổi tiếng và cũng là nhà sáng lập tổ chức từ thiện Womb Transplant UK - nơi tài trợ cho ca phẫu thuật này, cho biết: "Chứng kiến em bé chào đời, tôi không thể kìm được nước mắt. Đây là thành quả của 25 năm nỗ lực nghiên cứu về cấy ghép tử cung - gần như tâm huyết cả sự nghiệp của tôi đã đặt vào nghiên cứu này."

Dịch vụ Y tế Quốc gia Vương quốc Anh (NHS) đã chúc mừng và gọi đây là "em bé kỳ diệu", đồng thời kỳ vọng dấu mốc này sẽ mở ra hy vọng làm mẹ cho hàng ngàn phụ nữ khác trên thế giới.

Theo thống kê, cứ 5.000 phụ nữ trên thế giới thì có một người sinh ra không có tử cung hoặc chức năng tử cung không thể hoạt động bình thường, khiến họ không thể mang thai một cách tự nhiên.

Kể từ ca cấy ghép tử cung đầu tiên thành công tại Thụy Điển vào năm 2014, đã có khoảng 50 em bé chào đời trên toàn cầu nhờ phương pháp này.

Nguồn: New York Post
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm