'Cá mập thời trang' thế giới đổ bộ, hàng Việt 'thất thủ' trên sân nhà

24/10/2018 - 06:00
Sau Zara, H&M... một thương hiệu thời trang quốc tế tầm trung khác là Uniqlo sẽ đổ bộ Việt Nam vào năm 2019. Trong khi đó, trên thị trường nội địa, nhiều hãng thời trang đã khai tử hoặc thu hẹp dần như Foci, Blue Exchange, NinoMax...
Xếp hàng mua hàng hiệu
 
Chị Việt Hà (Văn Quán, Q.Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: 2 năm trước, chị thường xuyên phải xem quần áo, giày dép của các hãng Zara, H&M, Pull & Bear... trên website nước ngoài, sau đó đặt mua qua mạng. Mặc dù đã nghiên cứu kỹ về kích thước, màu sắc, kiểu dáng... song nhiều khi hàng về Việt Nam vẫn không được ưng ý. Hơn một năm nay, việc mua sắm trở nên thuận tiện hơn với chị rất nhiều sau khi các thương hiệu này đều đã có tại Việt Nam.
 
Vào thời điểm này 2 năm trước - Zara khai trương cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam ở TP.HCM. Hàng dòng người, đa phần là thanh niên xếp hàng chờ thử đồ, thanh toán. Tròn 1 năm sau, khung cảnh này cũng được tái diễn khi H&M ra mắt cửa hàng đầu tiên.
 
Dù gia nhập sau một năm, H&M hiện đã có 4 cửa hàng tại Việt Nam và vừa khai trương thêm 2 cửa hàng ở cả Hà Nội và TP.HCM. Theo báo cáo tài chính 6 tháng (giai đoạn 1/12/2017 31/5/2018) của H&M, thị trường Việt Nam đem về cho hãng thời trang Thụy Điển này doanh thu hơn 325 tỷ đồng. Ước tính, mỗi ngày, người Việt chi khoảng 1,8 tỷ đồng để mua quần áo thương hiệu này.
 
Trong khi đó, tại Việt Nam, Zara được phân phối bởi Tập đoàn Mitra Adiperkasa tại Indonesia. Ngoài ra, năm ngoái, đơn vị này còn đưa vào thị trường Việt Nam thêm 3 thương hiệu thời trang khác, gồm Massimo Dutti, Pull & Bear, Stradivarius.
 
Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm nay của Mitra Adiperkasa ghi nhận doanh thu 592,8 tỷ Rupiad, tương đương gần 930 tỷ đồng từ mảng kinh doanh tại Việt Nam, trong số này chủ yếu là doanh thu từ Zara. Do đó, Việt Nam hiện là thị trường nước ngoài lớn nhất của tập đoàn phân phối sản phẩm thời trang của Indonesia.
Cửa hàng Zara tại TPHCM

 

Theo kế hoạch, năm 2019, cũng giống như Zara hay H&M, cửa hàng đầu tiên của Uniqlo sẽ được mở tại TP.HCM. Hiện tại, trên các trang tuyển dụng đang xuất hiện thông tin Uniqlo tuyển vị trí quản lý cửa hàng.
 
Thời trang Việt “thất thủ” trên sân nhà
 
Hàng dệt may Việt Nam liên tục đứng trong top 5 nước xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất thế giới nhưng tại thị trường nội địa, thương hiệu Việt vẫn khá còm cõi. Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp trong nước chỉ chú trọng xuất khẩu, mà chưa quan tâm tới thị trường nội địa dù đây là một thị trường tiềm năng. Đáng tiếc hơn, ngành dệt may của Việt Nam luôn nằm trong Top dẫn đầu thế giới, tuy nhiên, hầu hết sản phẩm xuất khẩu lại là hàng gia công.
 
Thời gian qua, một số thương hiệu thời trang Việt Nam lại âm thầm đóng cửa hoặc thu hẹp dần như Foci, Blue Exchange, NinoMax... Thị trường chỉ còn lại những thương hiệu thời trang công sở như Việt Tiến, An Phước, Nhà Bè, May 10... và một số cửa hàng nhỏ lẻ với thị phần ít ỏi. Tuy nhiên, những thương hiệu này chủ yếu chung ở phân khúc sản phẩm công sở dành cho nam giới, thiếu hẳn những dòng sản phẩm dành cho nữ giới và trẻ em.
 
Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Vinatex cho rằng, chúng ta hoàn toàn may được những sản phẩm mà Zara, H&M bán trên thị trường Việt Nam, thậm chí hàng còn cao cấp hơn với giá chỉ bằng 60%, song định vị thương hiệu thời trang Việt Nam trên bản đồ thời trang thế giới hay không lại là chuyện khác.
 
Theo ông Lê Tiến Trường, đối với hàng hóa thời trang, thương hiệu là yếu tố quyết định doanh số cũng như mức độ hiệu quả trong sản xuất kinh doanh. Nếu gần 100 triệu người Việt trở thành các đại sứ của các thương hiệu Việt Nam thì thương hiệu Việt Nam mới có cơ hội phát triển, lan tỏa ra khu vực và hướng tới các thị trường lớn trên thế giới - những nơi là trung tâm tiêu thụ của ngành dệt may và thời trang toàn cầu.
 
Với Việt Nam, cái bí của chúng ta là chưa chọn được hướng đi nào để tạo ra bản sắc riêng. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực dệt may, thời trang Việt Nam hầu như chỉ “photo” lại mẫu mã của các tập đoàn nước ngoài.
 
Một điểm nữa mà theo Tổng Giám đốc Vinatex, các thương hiệu thời trang bình dân như Zara, H&M... bước đầu thắng lớn khi đặt chân vào thị trường Việt, là do các hãng này áp dụng công nghệ 4.0, tổ chức sản xuất theo chuỗi lớn (big data) theo nhu cầu thị trường... Khi một mẫu áo đang bán chạy, họ sẵn sàng tăng dây chuyền 200% để chỉ sản xuất, phân phối ngay lập tức mẫu đó trên thị trường, và ngược lại. “Để làm được điều này không gì khác là áp dụng công nghệ, sản xuất và điều phối theo chuỗi lớn”, ông Trường nhận định.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm