Ca sĩ Hồ Quang 8 dù ăn cám lợn cũng không chôn vùi quá khứ

19/08/2016 - 13:21
Đi chân đất tới trường vì không có tiền mua dép; ăn lá cúc tần, lá đỗ, hoa dừa, chuối non và thậm chí là cám lợn cho qua cơn đói là những gì mà giọng ca Bolero nổi tiếng Hồ Quang 8 đã trải qua.
Ca sĩ Hồ Quang 8

Trong khi không ít nghệ sĩ giấu quá khứ nghèo nàn cơ cực thì Hồ Quang 8 lại không ngần ngại nói về những tháng ngày khốn khó của mình. “Dù từng ăn cám lợn cho qua cơn đói, tôi cũng không giấu giếm, chôn vùi quá khứ”, nam ca sĩ nói.

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở Thanh Hóa, Hồ Quang 8 có một tuổi thơ cực kỳ thiếu thốn. Anh nghèo đến nỗi không mua nổi đôi dép mà đi, toàn phải chân đất tới trường. Cho đến khi học cấp 3, bắt đầu đến tuổi “trổ mã”, cậu bé nghèo vẫn cứ chân đất cuốc bộ đi học.

“Gọi là nghèo chưa chính xác. Phải nói là đói”, Hồ Quang 8 nói. Bố mẹ anh đông con, tất cả chỉ trông chờ vào công làm ruộng. Những năm bao cấp, thu hoạch lúa được bao nhiêu mang về hợp tác xã rồi mới phân chia theo công, theo đầu người. Có những năm mất mùa, lúa chỉ ra lá mà không có bông, cả nhà đói xanh mặt. “Tôi từng ăn lá cúc tần, lá đỗ, lá khoai lang thay cơm. Đi học về không có cơm lại ra đầu ngõ nhặt hoa dừa ăn, ăn cả chuối xanh còn non chỉ toàn vỏ là vỏ, thậm chí ăn cả cám dành để nuôi lợn”, nam ca sĩ cho biết.

 Cảnh trong MV "Hoa trinh nữ"
Sắp tới, Hồ Quang 8 sẽ cho ra mắt VCD đầu tay. Đây là sản phẩm tâm huyết nhất của anh suốt 26 năm ca hát. CD anh phát hành đã nhiều, nhưng anh vẫn muốn có một DVD “để đời” đánh dấu chặng đường nghệ thuật của mình. Hiện tại, có 2 MV trong DVD này đã được Hồ Quang 8 giới thiệu tới khán giả, đó là Hoa trinh nữ Chuyện tình hoa mười giờ.

Xem MV Hoa trinh nữ tại đây:


Nhưng cái nghèo cái khó không khiến Hồ Quang 8 thôi mê ca hát. Thời gian rảnh là cậu bé nghèo lại chầu chực bên bụi tre làng để nghe ca nhạc từ đài thu thanh của nhà hàng xóm. Nghe nghệ sĩ hát trên đài, cậu lại lẩm nhẩm hát theo. Mỗi khi đoàn văn công tỉnh về diễn, cậu tìm mọi cách đi xem cho bằng được. Chính ánh đèn sân khấu đã thắp lên trong cậu những mơ ước, khát khao… Để rồi cậu thi vào trường Nghệ thuật của tỉnh.

Vào học trường nghệ thuật tỉnh, Hồ Quang 8 vẫn không có nổi cái xe đạp, hằng tuần vẫn đi bộ gần 20 cây số về nhà. “Hồi đó tôi nghèo nhất trường. Mỗi ngày tôi chỉ ăn một bữa cơm, còn phải nhịn một bữa. Thầy cô thương tình toàn nuôi tôi”, Hồ Quang 8 bộc bạch. Cũng vì nghèo, không có nổi tiền mua giày, nên một lần anh đi diễn, một người bạn của anh đã đập hòm của bạn khác lấy giày cho anh mượn. Vô tình người bạn ấy bị xếp tội ăn cắp, không giải thích được nên bị kỷ luật. “Đây là điều khiến tôi vẫn áy náy cho đến tận bây giờ”, Hồ Quang 8 nói.

Cũng vì nghèo, Hồ Quang 8 xoay đủ cách kiếm tiền. Cứ gần Tết là anh đi buôn bánh kẹo, bán lá dong… để kiếm tiền giúp bố mẹ nồi bánh chưng ngày Tết. Có năm anh đi bán pháo (thời đó chưa cấm pháo), bị một người vứt tàn thuốc lá vào đám pháo, bị nổ hết sạch, hết cả vốn lẫn lãi… Ngoài thời gian học, anh lại nuôi lợn gà ngan vịt…

Tằn tiện, gom góp trong mấy năm học, Hồ Quang 8 mua được 1 chỉ vàng. Đó là một tài sản lớn vô cùng của anh, anh định dùng để ra Hà Nội thi vào Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam. Không dám cầm vàng, anh nhờ một cô bạn người thành phố giữ. Nhưng cô ấy… tiêu luôn 1 chỉ vàng mồ hôi nước mắt của anh. “Chuyện đã 26 năm rồi, giờ thì cô ấy ở Đức. Cô ấy mới liên lạc với tôi qua Facebook, bảo rất ân hận chuyện ngày xưa, muốn gặp tôi để tạ lỗi”, Hồ Quang 8 chia sẻ.

Đến khi vào Nhạc viện, rồi tốt nghiệp, bắt đầu đi diễn nhiều, thoát được đói nghèo thì Hồ Quang 8 lại vướng vào “khổ nạn” khác. Anh bị dìm suốt mười mấy năm, không có cơ hội đi hát. Chuyện là khi vừa chân ướt chân ráo bước về một đơn vị nghệ thuật ở Hà Nội, anh vô tình theo đàn anh đàn chị bỏ một buổi đi hát. “Lúc đó, mình mới vào nghề, đâu có biết là giữa các anh chị với giám đốc đang có vấn đề vướng mắc. Họ bảo đừng đi hát thì cũng không đi. Cuối cùng giám đốc không dám đụng chạm đến những người có tên tuổi, có vị trí bởi vậy bao nhiêu bức xúc đổ cả vào mình”.

Sau chuyện đó, vị giám đốc của Nhà hát nọ gửi công văn cho tất cả quán bar, nhà hàng, tụ điểm ca nhạc… cấm không cho Hồ Quang 8 hát. Chàng ca sĩ nghèo từ miền quê chân lấm tay bùn lại càng chật vật hơn.

 

Nhưng cũng chính nhờ tuổi thơ khốn khó, nhờ những đắng cay trên con đường sự nghiệp mà Hồ Quang 8 trở nên “đằm hơn”, có được thành công như ngày hôm nay. Nói về sự kiên nhẫn khổ luyện, hiếm ai bằng Hồ Quang 8. Đam mê đã đành, anh còn rất chăm chỉ luyện tập, chăm chỉ hát. “Nếu từ nhung lụa, có thể tôi cũng sẽ thành công. Nhưng tôi nghĩ sự thành công từ cơ cực sẽ thúc đẩy nhiều hơn, là bàn đạp mạnh hơn. Nó khiến mình không bị ỉ lại”, Hồ Quang 8 nói. Anh cũng cho biết thêm, sau này, khi gặp lại, vị giám đốc năm xưa bắt tay chúc mừng thành công và tỏ ra hối hận thì anh nói: “Cháu phải cảm ơn chú, chính nhờ chú mà cháu nên nghiệp”.

Điều đáng nói, Hồ Quang 8 là cái tên được rất nhiều người yêu mến, nhưng anh gần như không có giải thưởng âm nhạc nào trong tay. Lý do thật đơn giản: Dòng Bolero mà anh đắm đuối không phải là dòng nhạc đi thi. Các cuộc thi âm nhạc thường chỉ dành cho thính phòng, nhạc nhẹ hay dân ca. Phải đến gần đây, trên truyền hình mới bắt đầu có những gameshow dành cho Bolero.

“Tôi chẳng dại gì đi thi, vì đi thi chắc chắn trượt. Tôi hát cho người bình dân, như dưa cà mắm muối bình thường”, Hồ Quang 8 nói. Là nghệ sĩ không có huy chương, không có giải thưởng, nhưng Hồ Quang 8 không hề chạnh lòng vì điều đó, bởi phần thưởng lớn nhất dành cho anh là sự yêu mến của khán giả. Anh bảo, có quá nhiều ca sĩ từng đoạt giải cao trong các cuộc thi hát, nhưng rồi cũng bị chìm vào quên lãng vì họ không phục vụ nghệ thuật. Còn anh, dù thua kém về giải thưởng nhưng anh hạnh phúc vì vẫn phục vụ được công chúng mọi miền tổ quốc, hằng ngày vẫn cần mẫn với ánh đèn sân khấu và được đón nhận những tràng pháo tay của hàng ngàn khán giả.

 

Ca sĩ Hồ Quang 8 sở hữu chất giọng luyến láy ngân rung lạ không trùng với bất kỳ ca sĩ nào. Anh ghi dấu ấn với các ca khúc Tương tư nàng ca sĩ, Khuya nay anh đi rồi, Lá thư đô thị… Anh cũng được yêu mến khi song ca với các nghệ sĩ khác như Thanh Thanh Hiền (Nối lại tình xưa), Hoài Linh (Duyên quê), Chiến Thắng (Gặp nhau làm ngơ), Vượng Râu (Bạc trắng lửa hồng)…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm