pnvnonline@phunuvietnam.vn
Các cấp Hội bền bỉ đồng hành cùng phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh
Có 15.352 phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp năm 2019
Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025" được Chính phủ phê duyệt đã tạo ra bước đột phá trong tư duy và phương pháp triển khai các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh doanh của các cấp Hội LHPN Việt Nam . Nếu như trước đây hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tập trung nhiều vào việc tiếp cận tín dụng, trong đó chủ yếu là tín dụng chính sách, thì nay với yêu cầu của Đề án, việc hỗ trợ phải đồng bộ từ trang bị kiến thức, kỹ năng, kết nối vốn, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu… nhằm tạo ra giá trị gia tăng trong chuỗi sản xuất kinh doanh của chị em.
Những năm đầu triển khai Đề án, Hội đã gặp những thách thức không nhỏ. Hầu hết cán bộ Hội chưa có nhiều kiến thức về lập kế hoạch kinh doanh, marketing, quản lý tài chính, nhân sự... Do đó, hàng năm các cấp Hội đã tập trung đào tạo cho 34,342 cán bộ Hội và cán bộ của một số ban ngành về Đề án. Đồng thời, đã xây dựng và phát hành hơn 33.000 cuốn tài liệu hướng dẫn xây dựng kế hoạch kinh doanh cho giảng viên và phụ nữ.
Để chị em khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh thành công, chính chị em phải biết mình muốn tạo ra sản phẩm dịch vụ gì? Giải quyết vấn đề gì đang tồn tại trong xã hội? Và có gì khác biệt so với sản phẩm dịch vụ hiện có trên thị trường, bản thân đã có và cần những nguồn lực gì? Do vậy, bản kế hoạch kinh doanh là xương sống của một doanh nghiệp, đồng thời chị em cần có năng lực thực thi bản kế hoạch kinh doanh này…
Mỗi năm TƯ Hội đều lựa chọn chủ đề cuộc thi về Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp. Năm 2019, TƯ Hội phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức cuộc thi với chủ đề "Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh". Đã có 62/63 tỉnh tổ chức Ngày Phụ nữ khởi nghiệp thu hút trên 17, 000 phụ nữ có đề án tham gia dự thi. Hầu hết các tỉnh đều đã tập huấn, kết nối đầu tư, tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ vốn nhằm hiện thực hóa ý tưởng, đề án cho chị em. Những đơn vị làm tốt như Hà Nội, Hòa Bình, Đồng Tháp, Tp. Hồ Chí Minh...
Cách thức hướng dẫn, kết nối, hỗ trợ đề án, ý tưởng của phụ nữ đã có một số thay đổi căn bản phù hợp và đáp ứng tốt hơn với nhu cầu của từng nhóm đối tượng phụ nữ thông qua việc phối hợp với các cơ quan, các tổ chức nhằm nâng cao năng lực, tiếp cận nguồn lực cho phụ nữ khởi nghiệp. Chính vì vậy, đã có trên 7.000 hội viên, cán bộ Hội, nữ doanh nhân, ban quản lý các HTX, THT được tham gia các khoá đào tạo về kinh doanh trên nền tảng kỹ thuật số, xây dựng kế hoạch truyền thông, kế hoạch tiếp thị số, kỹ năng mềm trong kinh doanh... do Google, Facebook, các hiệp hôi/ hội doanh nhân nữ đào tạo.
Nhằm kết nối tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp nữ, hợp tác xã, chủ hộ kinh doanh, Hội LHPN các cấp đã tích cực tổ chức nhiều hoạt động giới thiệu, quảng bá sản phẩm như tổ chức các điểm bán hàng, phiên chợ mua bán sản phẩm, đưa hàng vào siêu thị... Nhiều sản phẩm chất lượng cao do phụ nữ sản xuất đã được tôn vinh, được người tiêu dùng lựa chọn sử dụng như: gạo hữu cơ của Hợp tác xã Đồng Phú (Hà Nội); nước mắm truyền thống của Hợp tác xã Phú Khương (Hà Tĩnh); rau an toàn sản xuất theo công nghệ cao của Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Trung Thành (Yên Bái); quýt Lai Vung, xoài Cao Lãnh (Đồng Tháp)... Các hoạt động này góp phần thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, đang được các tỉnh, thành hưởng ứng mạnh mẽ. Có tỉnh đã giới thiệu và hỗ trợ chị em đi tham gia các hội chợ trong nước và quốc tế.
Thông qua các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, ba năm qua đã có 38,415 phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp; hơn 13,000 phụ nữ có ý tưởng được vay với số vốn là hơn 237 tỷ đồng. Có hơn 25,000 doanh nghiệp nữ được tư vấn, đào tạo, kết nối vay với số vốn hơn 148 tỷ đồng…
Đồng hành cùng phụ nữ khởi nghiệp cần sự bền bỉ, lâu dài
Để đi đến thành công, bản thân chị em phụ nữ cần không ngừng nỗ lực, chủ động khắc phục, bước qua những hạn chế. Hạn chế lớn nhất của chị em khi khởi nghiệp là "bắt chước", sao chép những cách làm của người đã đi trước mà không có sự sáng tạo. Không có sản phẩm mới, ít có sự khác biệt, đổi mới thì độ thành công sẽ không cao. Trong mỗi bản kế hoạch khởi nghiệp, yêu cầu đặt ra là phải tìm được vấn đề đang tồn tại trong cuộc sống, sản phẩm dịch vụ phải giải quyết được những tồn tại của xã hội, đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Nhiều chị em vẫn còn dè dặt, làm cầm chừng hoặc sớm vừa lòng với những thành quả nho nhỏ của mình mà chưa thực sự có khát vọng làm lớn, vươn xa. Tâm lý vẫn muốn trú trong vỏ bọc an toàn, thiếu sự hợp tác với nhiều người vẫn tồn tại.
Bên cạnh đó, chị em phụ nữ bắt tay vào khởi sự kinh doanh, duy trì mở ra doanh nghiệp đã khó, duy trì được thì khó hơn gấp bội. Vì vậy, họ rất cần sự đồng hành bền bỉ của các cấp Hội trong thời gian dài để chị em vững vàng phát triển lâu bền, đặc biệt là sự ủng hộ của gia đình và xã hội bởi vẫn còn định kiến, đòi hỏi phụ nữ phải đảm nhiệm cân bằng công việc gia đình với hoạt động kinh doanh, cũng như những yêu cầu quá khắt khe của xã hội với phụ nữ.
Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện Đề án, các cấp Hội cần tiếp tục chủ động kết nối với các cơ quan, tổ chức tạo thêm nguồn lực hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp đặc biệt khuyến khích hỗ chị em ứng dụng khoa học công nghệ, tạo ra sản phẩm, dịch vụ có tính cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó công tác giám sát và đề xuất chính sách nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất để ngày càng có nhiều phụ nữ mạnh dạn bước vào con đường kinh doanh và gặt hái được nhiều thành công đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển của đất nước.
Thực hiện Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025", đã có 46,429 cuộc tuyên truyền cho hơn 3,9 triệu hội viên phụ nữ về nội dung các hoạt động của Đề án, phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh doanh. Có 34,342 cán bộ Hội và cán bộ của một số ban ngành được tập huấn về Đề án và 38,415 phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp.