Trả lời báo giới trước giờ vào họp Hội đồng tiền lương Quốc gia chiều nay 9/7, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết: Trước khi phiên họp thứ nhất của hội đồng tiền lương, VCCI đã có nhiều buổi làm việc với hiệp hội các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Qua đó tập hợp ý kiến, kiến nghị của các chủ doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động và tập hợp ý kiến để trình bày tại cuộc họp hội đồng này.
Ông Hoàng Quang Phòng cho biết, đại bộ phận “các hiệp hội doanh nghiệp đều kiến nghị chưa nên điều chỉnh mức lương tối thiểu trong năm nay”.
Lãnh đạo VCCI lý giải, đại diện các doanh nghiệp kiến nghị chưa nên tăng lương tối thiểu vùng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp bồi dưỡng sức kinh doanh, nâng cao năng lực chi trả, dùng các kinh phí nếu có cho việc đào tạo, nâng cao năng lực tay nghề cho người lao động, đáp ứng yêu cầu công việc, tăng năng suất lao động, từ đó tiếp tục tăng lương tối thiểu trong thời gian tới.
Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia, ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết: Từ nay đến năm 2020, sẽ tiếp tục điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng nhằm đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động. Định hướng này thực hiện theo Nghị quyết 27-NQ/TW Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII vừa qua.
Theo ông Diệp, tăng lương tối thiểu là nhắm tới nhóm lao động có tiền lương thấp nhất trên thị trường. Việc tăng lương phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó có các yếu tố như GDP, năng suất lao động, khả năng chi trả của doanh nghiệp… Những yếu tố này là cơ sở để giới chủ sử dụng và đại diện giới lao động thỏa thuận mức điều chỉnh tiền lương tối thiểu.
“Nếu tăng lương cao quá thì ảnh hưởng đến lợi nhuận, cạnh tranh của doanh nghiệp, vì vậy cần phải tính toán hài hòa. Tôi nghĩ mức tăng 5 đến 6% thì ít nhất bảo đảm được lương thực tế và có cải thiện một chút cho người lao động.
Ông Phạm Minh Huân, nguyên Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia |