pnvnonline@phunuvietnam.vn
Các dấu hiệu và triệu chứng của ung thư vú tái phát
Hầu hết phụ nữ đều lo lắng về việc ung thư tái phát. Các điều lo lắng này là bình thường, và nỗi sợ hãi và lo âu thường giảm đi theo thời gian. Hiểu về việc bạn hiểu biết như thế nào về vú và cơ thể bạn sau điều trị, và các triệu chứng bạn nên nói với bác sĩ có thể giúp quản lý cảm giác không chắc chắn bạn đang trải qua.
Hẹn tái khám
Bạn được theo dõi sau điều trị thế nào phụ thuộc vào bệnh viện nơi bạn đã điều trị. Bạn sẽ thấy các lần tái khám ban đầu thường xuyên hơn và giảm dần theo thời gian.
Hầu hết mọi người được theo dõi tại bệnh viện và sẽ được hẹn tái khám với bác sĩ nội ung thư. Việc tái khám theo dõi sẽ chú trọng vào cảm giác của bạn nên bạn có thể giải thích bất kỳ vấn đề nào, các triệu chứng hoặc tác dụng phụ của điều trị, ví dụ có đau chỗ nào không, cứng khớp, các triệu chứng mãn kinh hoặc mệt mỏi tột độ. Việc tái khám cũng cho bạn cơ hội để hỏi các câu hỏi. Nhiều người thấy viết sẵn các câu hỏi trước sẽ giúp họ có kết quả tái khám tốt hơn.
Bạn có thể được khám lâm sàng gồm khám vú và khu vực vú/ngực cũng như bất kỳ khu vực nào thấy lo ngại. Bạn có thể được gửi tới một bác sĩ khác, ví dụ một bác sĩ vật lý trị liệu nếu bạn có khó khăn về cử động tay.
Tôi sẽ được làm các xét nghiệm đều đặn nào?
Sau điều trị tại bệnh viện, bạn hãy tiếp tục cảm nhận xem có thay đổi gì không. Bạn cũng có thể được chụp X quang vú đều đặn. Nếu bạn được mổ bảo tồn, bạn sẽ được chụp X quang cả hai vú. Nếu bạn mổ cắt vú có hoặc không tái tạo, bạn sẽ chỉ chụp X quang vú còn lại.
Tiếp tục hiểu về vú
Cho dù bạn phẫu thuật bảo tồn hay cắt vú (có hoặc không tái tạo vú), quan trọng là bạn hiểu về bất kỳ thay đổi nào ở vú, ngực hoặc khu vực xung quanh sau khi điều trị, thậm chí nếu bạn vẫn đang được tái khám hoặc chụp X quang vú đều đặn.
Sau điều trị ung thư vú, khó mà biết vú hoặc khu vực sẹo mổ có cảm giác như thế nào, nhất là khi khu vực đó thay đổi theo thời gian. Ngay sau phẫu thuật và trong vài tuần sau đó, mọi người có thể trải qua đau đớn và cảm giác như là bỏng rát và tê đi ở vết sẹo và dưới cánh tay. Khu vực có thể cảm thấy cứng, tê hoặc nhạy cảm.
Bạn sẽ cần biết vú trông như thế nào và cảm giác như thế nào để bạn biết điều bình thường là như thế nào. Điều này sẽ giúp bạn tự tin hơn khi nhận thấy những thay đổi và đi khám bác sĩ sớm. Điều quan trọng nữa là hiểu bất kỳ thay đổi mới nào ở vú bên kia và khu vực xung quanh, và đi khám càng sớm càng tốt.
Bạn tìm kiếm điều gì?
- Tìm kiếm và cảm nhận về những thay đổi ở vú, ngực và dưới cánh tay.
- Thay đổi về kích thước và hình dáng của vú
- Đỏ hoặc chỗ phát ban trên da và/hoặc xung quanh núm vú
- Núm vú tiết dịch
- Có chỗ sưng ở ngực, nách hoặc xung quanh xương đòn
- Cục cứng hoặc đám dầy lên có cảm giác khác
- Thay đổi trên bề mặt da như là da nhăn hoặc có vết lõm
- Núm vú bị tụt vào trong hay thay đổi vị trí hoặc hình dạng
- Đau
- Sưng ở bắp tay.
Tái phát
Tái phát là thuật ngữ nói về ung thư quay trở lại sau điều trị.
Vào thời điểm chẩn đoán và sau phẫu thuật, các xét nghiệm sẽ được làm để tìm ra loại ung thư mà bạn mắc phải. Các kết quả được dùng để lập kế hoạch điều trị để đảm bảo điều trị càng có hiệu quả càng tốt trong việc làm giảm nguy cơ ung thư vú quay trở lại.
Trong khi hầu hết mọi người không mắc thêm vấn đề gì thì đôi khi ung thư vú có thể quay trở lại. Việc ung thư vú quay trở lại có thể là tái phát tại chỗ hoặc ung thư vú tiến triển tại chỗ (còn được gọi là tái phát khu vực).
Tái phát tại chỗ
Đó là khi ung thư vú quay trở lại ở khu vực vú/ngực, ở da gần vị trí vết sẹo mổ ban đầu, nhưng chưa lan tới các bộ phận khác của cơ thể. Tái phát tại chỗ có thể điều trị được.
Nếu bạn nhận thấy bất kỳ thay đổi nào ở da xung quanh vết sẹo mổ hoặc khu vực ngực, bạn hãy đi khám ngay lập tức.
Ung thư vú tiến triển tại chỗ (tái phát khu vực)
Đó là khi ung thư vú quay trở lại và đã lan tới các mô và hạch bạch huyết xung quanh ngực, cổ và dưới xương ức. Ung thư vú tái phát khu vực được điều trị thế nào sẽ phụ thuộc vào loại điều trị bạn đã nhận được trước đây, nhưng có thể gồm phẫu thuật, xạ trị và điều trị thuốc.
Nếu bạn nhận thấy bất kỳ thay đổi nào xung quanh vết sẹo mổ hoặc ở vú, ngực, hố nách hoặc xung quanh xương đòn, hãy đi khám ngay lập tức.
Ung thư vú nguyên phát mới
Đôi khi một ung thư vú nguyên phát mới (ung thư vú chưa lan quá vú hoặc hạch bạch huyết dưới cánh tay) có thể phát triển hoặc ở cùng bên sau khi phẫu thuật bảo tồn hoặc ở vú đối diện. Những người có ung thư vú ở một bên có nguy cơ hơi cao hơn phát triển ung thư vú nguyên phát mới ở phía còn lại.
Ung thư vú này sẽ được điều trị như là ung thư vú mới chứ không phải như là tái phát.
Ung thư vú thứ phát
Điều trị ung thư nguyên phát nhắm tới ngăn ngừa ung thư quay trở lại hoặc lan tỏa, nhưng một số người sẽ phát triển ung thư vú thứ phát. Ung thư vú thứ phát xảy ra khi các tế bào ung thư vú lan từ ung thư đầu tiên (nguyên phát) ở vú tới các bộ phận khác của cơ thể. Bạn có thể gọi đó là ung thư vú di căn, di căn, ung thư vú tiến triển, khối u thứ phát, hoặc ung thư vú giai đoạn 4.
Ung thư vú thứ phát gần như là phát triển ở xương, phổi, gan hoặc não. Một hoặc nhiều khu vực của cơ thể có thể bị ảnh hưởng. Chẩn đoán ung thư vú thứ phát nghĩa là ung thư có thể điều trị được nhưng không thể chữa khỏi. Do điều trị được cải thiện nên ngày càng nhiều người sống lâu hơn sau chẩn đoán ung thư vú thứ phát.
Các triệu chứng của ung thư vú thứ phát
Khó mà liệt kê tất cả các triệu chứng của ung thư vú thứ phát, nhưng quan trọng là báo cáo lại bất kỳ triệu chứng nào mà bạn có, là các triệu chứng mới và trường diễn và không có nguyên nhân rõ ràng với bác sĩ.
Nhiều triệu chứng của ung thư vú thứ phát có thể giống như các triệu chứng của các tình trạng khác của cơ thể, ví dụ, đau ở xương có thể do tuổi già, viêm khớp hoặc tác dụng phụ của điều trị. Thở không ra hơi và ho có thể là triệu chứng của cảm lạnh hoặc cúm. Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng trường diễn hoặc không giải thích được, tốt nhất là nói chuyện với bác sĩ.
Các triệu chứng mà bạn muốn nói với bác sĩ:
Đau ở xương (ví dụ lưng, hông hoặc xương sườn) không cải thiện được bằng thuốc giảm đau trong một hoặc hai tuần và thường đau hơn về đêm. Giảm cân và giảm sự ngon miệng không giải thích được Cảm giác muốn nôn liên tục Thấy khó chịu hoặc sưng ở xương sườn hoặc bụng trên Cảm thấy mệt mỏi lên tục Ho khan hoặc cảm thấy thở không ra hơi Đau đầu nghiêm trọng hoặc tiến triển Thị lực hoặc giọng nói thay đổi
Một số trong các triệu chứng này như là mệt mỏi và giảm sự ngon miệng có thể là tác dụng phụ thông thường mà nhiều người trải qua sau điều trị ung thư. Nhưng nếu các triệu chứng không cải thiện, bác sĩ sẽ quyết định thăm khám thêm để tìm ra nguyên nhân.
Ứng phó với nỗi sợ ung thư vú tái phát
Hầu như mọi người đã được điều trị ung thư vú đều lo việc bệnh quay trở lại. Trước tiên, mỗi chỗ đau làm bạn sợ hãi, nhưng khi thời gian trôi qua, bạn có thể chấp nhận dần các triệu chứng nhỏ như chúng tồn tại trong mọi trường hợp – các dấu hiệu cảnh báo của cảm lạnh hoặc cúm hoặc là do bạn tự gây ra (suy nghĩ quá nhiều hoặc tập quá sức).
Một số sự kiện có thể đặc biệt stress – những ngày hoặc tuần trước khi bạn đi tái khám, phát hiện một người bạn hoặc người thân bị chẩn đoán ung thư, hoặc có tin tức rằng một ai đó bạn gặp trong khi điều trị lại tái phát bệnh hoặc đã chết.
Chúng ta ứng phó theo cách của chúng ta, và không có giải pháp dễ dàng nào. Nhưng giữ im lặng vì chúng ta lo lắng sẽ làm phiền mọi người không phải là phương thức tiếp cận tốt nhất. Nói chuyện về nỗi sợ của bạn liên quan tới việc bệnh tái phát có thể giúp bạn giải tỏa.
Phần sau có thông tin về cách thức đương đầu với sự lo lắng hoặc tâm trạng không tốt.
Lo lắng về lịch sử gia đình có ung thư vú
Phụ nữ bị chẩn đoán ung thư vú thường lo lắng không biết bệnh này có làm tăng nguy cơ ung thư vú cho các thành viên gia đình, đặc biệt là con gái hay không. Chẩn đoán không có nghĩa là các thành viên gia đình có nguy cơ cao hơn đáng kể phát triển ung thư vú. Phần lớn (trên 90%) các ca ung thư vú xảy ra “ngẫu nhiên” và không có tính di truyền. Nếu bạn lo lắng về điều này, bạn hãy nói chuyện với bác sĩ để được giới thiệu đi xét nghiệm gen di truyền.
Để có thêm thông tin, đề nghị đọc quyển sách Ung thư vú trong gia đình.
Biên dịch: Hoàng Thu Hà, Lã Thanh Thủy
Hiệu đính: Lê Hà Cảnh Châu, BS.TS. Phạm Nguyên Quý