Các dấu hiệu viêm phổi thường gặp là gì?

Tiểu Quyên
02/11/2021 - 08:30
Các dấu hiệu viêm phổi thường gặp là gì?
Dấu hiệu viêm phổi do vi rút ban đầu khá giống với bệnh cảm cúm hoặc cảm lạnh nên rất dễ khiến người bệnh nhầm lẫn.

Viêm phổi là một bệnh nhiễm trùng ở phổi. Người mắc căn bệnh này thường có thể ho, thở khò khè hoặc thở rít. Nhiều người vẫn lầm tưởng các dấu hiệu viêm phổi ban đầu với cảm lạnh hoặc cảm cúm. Vậy làm thế nào để nhận biết được sự khác biệt?

1. Viêm phổi là bệnh gì?

Viêm phổi là căn bệnh nhiễm trùng ở phổi có thể nhẹ hoặc nặng khiến người bệnh phải đến bệnh viện thăm khám và điều trị. Các dấu hiệu viêm phổi xuất hiện khi nhiễm trùng làm cho các túi khí trong phổi (còn gọi là phế nang) của người bệnh chứa nhiều mủ hoặc chất lỏng. Chính điều này khiến người bệnh khó bơm đủ oxy để đi vào máu.

Bất cứ ai cũng có nguy cơ mắc bệnh viêm phổi này. Tuy nhiên, trẻ nhỏ dưới 2 tuổi và người có độ tuổi trên 65 thường dễ mắc bệnh này hơn. Đó là do hệ thống miễn dịch của những đối tượng này không đủ mạnh để chống lại nhiễm trùng.

Các dấu hiệu viêm phổi thường gặp là gì? - Ảnh 1.

Dấu hiệu viêm phổi do vi rút ban đầu khá giống với bệnh cảm cúm hoặc cảm lạnh - Ảnh: medicalnewstoday

Viêm phổi có thể ảnh hưởng ở một hoặc cả hai bên phổi. Nguyên nhân gây bệnh thường bao gồm vi khuẩn, vi rút và nấm. Nếu bệnh viêm phổi xuất hiện do vi rút và vi khuẩn, người bệnh có thể là nguồn lây bệnh cho người khác.

Một số thói quen không lành mạnh trong lối sống, chẳng hạn như uống quá nhiều rượu và hút thuốc là yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh viêm phổi.

2. Các dấu hiệu viêm phổi ở người lớn thông thường

Các triệu chứng và dấu hiệu viêm phổi có thể xuất hiện trình tự từ nhẹ đến nặng, tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh cũng như thể trạng của mỗi người. Các dấu hiệu viêm phổi có thể bao gồm:

- Sốt cao, lên đến 40.5 độ C.

- Ho có kèm đờm màu vàng, màu xanh lục, thậm chí có máu.

- Xuất hiện những cơn ớn lạnh khiến người bệnh run rẩy.

- Cảm giác không thở được, nhất là khi vận động hoặc di chuyển.

- Người bệnh cảm thấy vô cùng mệt mỏi.

- Ăn không ngon.

- Đau nhói ở ngực; đau nhiều hơn khi ho hoặc cố gắng hít thở sâu.

- Đổ mồ hôi nhiều.

- Nhịp tim và nhịp thở nhanh.

- Móng tay và môi chuyển sang màu xanh lam.

- Lú lẫn ở người lớn tuổi.

Các dấu hiệu viêm phổi thường gặp là gì? - Ảnh 2.

Các triệu chứng và dấu hiệu viêm phổi có thể xuất hiện trình tự từ nhẹ đến nặng - Ảnh: healthcentral

2.1. Các dấu hiệu viêm phổi do vi khuẩn so với vi rút

Vi rút và vi khuẩn là hai nguyên nhân phổ biến gây nên bệnh viêm phổi. Ngoài ra, ký sinh trùng và nấm đôi khi cũng có thể gây ra căn bệnh này. Tùy vào nguyên nhân gây bệnh mà dấu hiệu viêm phổi cũng như cách điều trị cũng khác nhau.

Khi nguyên nhân gây bệnh viêm phổi là do vi khuẩn, bệnh có thể chuyển biến chậm hoặc rất nhanh. Nó có xu hướng chuyển biến nặng hơn so với viêm phổi do các nguyên nhân khác.

Khi vi rút gây ra bệnh viêm phổi, người bệnh có thể sẽ nhận biết các dấu hiệu viêm phổi trong vài ngày. Ban đầu, dấu hiệu viêm phổi do vi rút khá giống với bệnh cúm; chẳng hạn như người bệnh sẽ bị sốt, đau đầu, ho khan, suy nhược cơ thể, nhưng sau đó bệnh sẽ chuyển biến nặng hơn sau 1-2 ngày.

Các dấu hiệu viêm phổi thường gặp là gì? - Ảnh 3.

Các dấu hiệu viêm phổi ở trẻ em thường khó nhận biết hơn so với viêm phổi ở người lớn - Ảnh: mydr

2.2. Các dấu hiệu viêm phổi ở trẻ em

Các dấu hiệu viêm phổi ở trẻ em thường khó nhận biết hơn so với viêm phổi ở người lớn. Thay vì các triệu chứng bệnh viêm phổi ở người lớn khá rõ ràng thì ở trẻ em có thể là:

- Thở nhanh.

- Trẻ bị khó thở.

- Sốt, thậm chí sốt cao.

- Ho nhiều.

- Thở khò khè.

- Môi, da hoặc đầu ngón tay cũng có màu xanh lam.

- Đối với trẻ sơ sinh, dấu hiệu viêm phổi rất mơ hồ; ví dụ như trẻ quấy khóc và bỏ bú.

Trẻ em có sức đề kháng yếu hơn so với người trưởng thành, do đó khi thấy trẻ có những dấu hiệu trên, cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để được chẩn đoán chính xác. Bệnh viêm phổi sẽ chuyển biến nặng nếu không được điều trị với bác sĩ.

3. Phân biệt dấu hiệu viêm phổi với cảm lạnh và cúm

Thật khó để vạch ra lằn ranh rõ ràng các dấu hiệu viêm phổi với triệu chứng của bệnh cảm lạnh hoặc cúm, bởi đôi khi viêm phổi là biến chứng của cảm lạnh và cúm. Điều này xảy ra khi vi trùng gây ra những bệnh thông thường như cảm lạnh, cảm cúm xâm nhập vào phổi của người bệnh.

Các dấu hiệu của bệnh cảm lạnh thường có xu hướng bắt đầu từ từ. Người bệnh sẽ bị hắt hơi, đau họng và sổ mũi nhiều hơn so với bị viêm phổi hoặc cúm. Cảm lạnh thường không gây sốt đối với người lớn.

Đối với bệnh cúm, người bệnh thường xuất hiện các triệu chứng rất mạnh mà không rõ nguyên nhân, chẳng hạn như:

- Sốt cao trên 40 độ C.

- Đau đầu nhiều.

- Đau nhức cơ thể dữ hội.

- Cực kỳ mệt mỏi.

- Ho khan.

Các triệu chứng của cảm lạnh và cảm cúm thường thuyên giảm sau 2-5 ngày, nhưng người bệnh vẫn có thể bị đau họng và ho trong 2 tuần tiếp theo.

Các dấu hiệu viêm phổi thường gặp là gì? - Ảnh 4.

Thật khó để vạch ra lằn ranh rõ ràng các dấu hiệu viêm phổi với triệu chứng của bệnh cảm lạnh hoặc cúm - Ảnh: keckmedicine

4. Khi nào nên gặp bác sĩ?

Hãy gọi cho bác sĩ hoặc đến bệnh viện thăm khám nếu người bệnh bị cảm lạnh hoặc cúm mà không có dấu hiệu thuyên giảm sau khi nghỉ ngơi và điều trị. Nếu các triệu chứng bắt đầu nặng hơn hoặc người bệnh đang mắc các bệnh lý khác; hoặc hệ thống miễn dịch bị suy yếu; hay người bệnh cảm nhận được các dấu hiệu của bệnh viêm phổi, hãy đến bệnh viện để được thăm khám và chẩn đoán chính xác.

Khi đến gặp bác sĩ, họ có thể hỏi về các triệu chứng mà bạn gặp phải. Sau đó, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh thực hiện một số xét nghiệm để chẩn đoán chính xác được vấn đề xảy ra, bao gồm:

- Dùng ống nghe để lắng nghe phổi người bệnh, xem có sủi bọt hoặc tiếng nổ lách tách không.

- Chụp X-quang ngực.

- Xét nghiệm máu để kiểm tra số lượng bạch cầu.

- Xét nghiệm dịch đờm.

- Đo lượng oxy trong máu.

Nếu kết quả chụp X-quang ngực cho thấy phổi của bạn chứa nhiều dịch nhầy xung quanh, bác sĩ có thể tiến hành cấy dịch màng phổi. Thử nghiệm này được thực hiện bằng cách dùng một cây kim đâm qua thành ngực để lấy mẫu chất lỏng trong phổi. Mẫu chất lỏng này sẽ được kiểm tra xem có dấu hiệu nhiễm trùng hay không.

Đối với trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ cũng có thể chỉ định nội soi phế quản. Họ sẽ dùng ống soi phế quản để ghi nhận những bất thường đường thở của phổi người bệnh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm