Các địa phương chủ động ứng phó với diễn biến của bão số 4

16/08/2018 - 19:04
Trước diễn biến phức tạp của bão số 4, các địa phương đã chủ động kêu gọi các tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn, hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa...

Tại Thanh Hóa, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã yêu cầu các huyện, thị, thành phố theo dõi diễn biến của bão trên các phương tiện thông tin, kêu gọi các tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn. 

Tính đến trưa 16/8, đã có 7.443 phương tiện với 27.747 lao động khai thác trên biển của tỉnh Thanh Hóa đã vào bờ hoặc đã tìm được nơi tránh bão; các chủ tàu thuyền đang tránh bão ở các tỉnh khác vẫn giữ liên lạc với gia đình và chính quyền địa phương. 

Tại thành phố Sầm Sơn, chính quyền và các lực lượng chức năng đã tổ chức hướng dẫn, sắp xếp tàu thuyền neo đậu đảm bảo an toàn, tuyệt đối không để người ở lại trên tàu thuyền, lồng bè và chòi canh thủy sản, đồng thời thực hiện cấm biển, không cho người dân ra khơi trong lúc bão đổ bộ. 

Ủy ban Nhân dân thành phố Sầm Sơn đã huy động lực lượng Công an, Bộ đội biên phòng, dân quân hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, biển quảng cáo, chặt tỉa cành cây; đảm bảo an toàn cho các công trình công cộng, bến cảng, khu công nghiệp ven biển, đặc biệt là không cho du khách đang nghỉ mát tại địa phương ra tắm biển trong lúc bão đổ bộ. 

Ông Bùi Ngọc Thành, Trưởng phòng kinh tế Ủy ban Nhân dân thành phố Sầm Sơn cho biết thành phố đã gửi 3 công điện, 2 công văn chỉ đạo, tích cực kêu gọi tàu thuyền về nơi trú bão an toàn. Hiện đã có 1.958 phương tiện đã về nơi tránh bão.

Trong khi đó, chiều 16/8, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường cùng đoàn công tác đã đến kiểm tra công tác ứng phó với bão số 4 tại tỉnh Thái Bình. 

ttxvn_bo_truong_nong_nghiep.jpg
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường (thứ 2 từ phải sang) kiểm tra công tác phòng chống bão số 4 tại cống Trà Linh, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

 

Kiểm tra tại công trình Cống Trà Linh (huyện Thái Thụy), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao kinh nghiệm cũng như sự chủ động triển khai công tác ứng phó với bão số 4 của tỉnh Thái Bình. Tuy nhiên với dự báo bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Thái Bình, Bộ trưởng lưu ý tỉnh tiếp tục nâng cao tinh thần chủ động, sẵn sàng các phương án ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ."

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Thái Bình trước khi bão đổ bộ vào đất liền là bảo đảm an toàn về người và tài sản của các tàu thuyền đã neo đậu vào khu tránh trú bão. Tăng cường kiểm tra, kiên quyết di dời lao động tại các đầm, chòi trông canh ngao vào trong đê chính, đồng thời bảo đảm an toàn tại các khu vực nuôi trồng, thủy hải sản. Trước dự báo hoàn lưu bão sẽ gây mưa lớn, Bộ trưởng lưu ý công tác ứng trực, tranh thủ thời gian mở các cống tiêu để hạ thấp mực nước trên các sông trục bởi nếu để xảy ra ngập úng tại thời điểm này sẽ ảnh hưởng lớn đến sự sinh trưởng, phát triển của cây lúa, đặc biệt là không thể cấy lại thay thế. 

Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình Đặng Trọng Thăng cho biết để chủ động ứng phó với bão số 4, từ 12 giờ ngày 15/8 tỉnh Thái Bình đã ra lệnh cấm biển, tuyệt đối không để tàu thuyền ra khơi. 

Đến nay, tất cả 1.239 tàu thuyền với trên 3.600 lao động đã neo đậu an toàn tại các khu tránh trú bão. Đồng thời, tỉnh tổ chức các đơn vị, lực lượng ứng trực, sẵn sàng các phương án xử lý, ứng cứu kịp thời khi có tình huống xảy ra.

Cũng do ảnh hưởng của bão số 4, chiều 16/8 tại Nam Định đã có mưa vừa, có nơi mưa to kèm theo gió giật mạnh. Hiện toàn bộ tàu thuyền trong tỉnh đã vào nơi tránh trú an toàn. Tỉnh cũng đã có phương án sơ tán dân trong trường hợp bão mạnh đổ bộ trực tiếp vào địa bàn. 

Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nam Định, đến 14 giờ ngày 16/8, toàn bộ 2.127 phương tiện với 5.738 ngư dân của tỉnh đã vào nơi tránh trú an toàn. Toàn bộ trên 1.230 lao động tại hơn 1.024 lều, chòi canh ngao cũng đã vào bờ. 

Để chủ động ứng phó mọi tình huống bất thường có thể xảy ra, trong trường hợp bão cấp 10 đổ bộ trực tiếp vào địa bàn, tỉnh Nam Định sẽ sơ tán trên 41.500 người tại 12.074 nhà yếu, nhà tạm. Nếu các triền sông có lũ trên báo động 3, Nam Định cũng sẽ sơ tán trên 71.350 người ở 13.462 nhà yếu, nhà tạm không đảm bảo an toàn. 

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị yêu cầu các địa phương, sở, ngành hoãn tất cả các cuộc họp chưa thật sự cần thiết để tập trung chỉ đạo triển khai ứng phó bão theo phương châm "4 tại chỗ," đảm bảo tuyệt đối an toàn về người, hạn chế thiệt hại do bão, lũ gây ra.

Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp chặt chẽ với các địa phương tổ chức quản lý người và phương tiện tại các khu neo đậu tàu thuyền, kiên quyết không để người dân ở lại trên thuyền khi đang có bão. Người dân cần tránh tâm lý chủ quan, chủ động chằng chống nhà cửa, di chuyển, kê cao đồ đạc để đảm bảo an toàn cho người và tài sản. 

Tại Hà Tĩnh, trước diễn biến bão số 4 đang tiến gần đất liền và có khả năng gây ảnh hưởng, lực lượng chức năng của tỉnh đã chủ động liên lạc, kêu gọi, tàu, thuyền đánh bắt trên biển vào nơi tránh trú an toàn. 

Theo báo cáo nhanh của Tiểu Ban an toàn nghề cá trên biển tỉnh Hà Tĩnh, đến ngày 16/8, tỉnh đã kêu gọi và thông tin liên lạc với 5.871 chủ tàu, thuyền với 15.951 lao động; trong đó có 170 tàu, thuyền với 665 lao động đánh bắt cá khu vực trên biển thuộc các tỉnh Thanh Hóa, Hải Phòng, Quảng Ninh là vùng sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 4 đã nắm được thông tin vào nơi trú ẩn an toàn. 

ttxvn_ha_tinh.jpg
Tàu, thuyền neo đậu an toàn tại Âu thuyền Cửa Sót, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh. (Ảnh: Công Tường/TTXVN)

 

Cũng trong chiều 16/8, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Nam đã có Công điện khẩn yêu cầu các cơ quan, đơn vị, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh chủ động triển khai các biện pháp phòng chống bão số 4. 

Do vậy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Nam giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Công ty khai thác công trình thủy lợi tỉnh Hà Nam, Công ty khai thác công trình thủy lợi Bắc Nam Hà, Công ty cổ phần môi trường và công trình đô thị Hà Nam, Công ty Điện lực Hà Nam và các đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa bão, kế hoạch xả lũ và các hồ thủy điện; triển khai ngay phương án phòng chống lũ theo cấp báo động; rà soát phương án phòng chóng lụt bão, bảo vệ trọng điểm, các vị trí xung yếu, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để kịp thời xử lý các sự cố có thể xảy ra, chủ động sơ tán dân khỏi các vùng nguy hiểm…

Cùng với đó, các đơn vị tiếp tục tập trung khắc phục xong các sự cố đê, bối, kè, cống... bị ảnh hưởng do hoàn lưu bão số 3 gây ra; tiêu thoát kiệt nước đệm trên các kênh mương, ao, hồ, Khu công nghiệp Đồng Văn, các khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao… đề phòng ngập úng khi có mưa lớn. 

Các địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm chế độ thường trực, trực ban trong mùa lũ bão, báo cáo thường xuyên, kịp thời theo quy định, bằng mọi biện pháp thường xuyên cập nhật thông tin, cung cấp thông tin cho nhân dân để chủ động đối phó với tình hình mưa bão.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm